Cựu CEO gây thất thoát tài sản của công ty?
Mới đây, UBND tỉnh An Giang ban hành công văn số 4902/VPUBND-NC, cho biết đã nhận được công văn của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) về việc "đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền có biện pháp ngăn chặn đối với ông Nguyễn Duy Thuận, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời vì đã có hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, gây thất thoát tài sản của công ty".
Ông Nguyễn Duy Thuận, nguyên Tổng Giám đốc Lộc Trời (Ảnh: TLG) |
Ngay sau động thái của Lộc Trời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Lê Văn Phước đã có ý kiến chuyển Công an tỉnh An Giang xem xét giải quyết theo thẩm quyền đối với đề nghị của Lộc Trời.
Thời gian trước, 24/7/2024, Lộc Trời cũng đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh An Giang thu hồi thẻ APEC và áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Duy Thuận. Lộc Trời cho biết, ông Thuận “có thái độ né tránh, thiếu hợp tác trong việc bàn giao và có dấu hiệu tìm cách xuất cảnh ra nước ngoài để thoái thác trách nhiệm”.
Kiến nghị dứt khoát của Tập đoàn Lộc Trời là vậy, tuy nhiên UBND tỉnh An Giang trả lời rằng không có thẩm quyền giải quyết việc thu hồi thẻ APEC. UBND tỉnh chỉ có thẩm quyền quyết định việc tạm hoãn xuất cảnh đối với ông Nguyễn Duy Thuận trong trường hợp ông này là người bị cưỡng chế, hoặc là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay người đó bỏ trốn.
Do đó, đề nghị này không nằm trong trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh.
Trước đó, Tập đoàn Lộc Trời đã miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc với ông Nguyễn Duy Thuận từ ngày 15/7, kết thúc quãng thời gian làm việc từ năm 2019 của ông Thuận. Ban đầu, ông Thuận giữ vị trí Giám đốc Tài chính, Giám đốc Nhân sự, Phó Trưởng ban Điều hành các ngành Vật tư Nông Nghiệp và Lương thực của tập đoàn.
Đến ngày 2/4/2020, ông Nguyễn Duy Thuận được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời. Đồng thời, ông Huỳnh Văn Thòn, từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc tại Đại hội Cổ đông thường niên 2020 và tiếp tục điều hành công ty về mặt chiến lược trên cương vị Chủ tịch HĐQT.
Theo quan sát, từ năm 2019 đến nay, ông Thuận làm việc tại Tập đoàn Lộc Trời, tuy nhiên không sở hữu cổ phiếu nào của doanh nghiệp này.
Về vị CEO Nguyễn Duy Thuận, sinh ra vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, tại mảnh đất Bình Thuận, có trình độ thạc sĩ quản trị chiến lược. Ông được giới thiệu có nhiều năm công tác tại các công ty nước ngoài lớn như Sony, Philips, Unilever, Nestle và từng có 5 năm làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược.
Trước khi bị miễn nhiệm, ông Thuận có quá trình công tác ở vị trí CEO Tập đoàn này hơn 4 năm. Dưới thời doanh nhân Nguyễn Duy Thuận còn tại vị, ông cũng thường xuyên xuất hiện trước giới truyền thông, báo chí. Đặc biêt, trong thời ông Thuận đương chức, tập đoàn này cũng có nhiều biến động.
Nếu tính từ đầu năm 2023 đến 5 quý kinh doanh gần nhất thì Lộc Trời báo lỗ tới 3 quý. Phải kể đến đỉnh điểm tại quý III/2023, Lộc Trời báo lỗ tới 327 tỷ đồng. Đây là số lỗ cao kỷ lục chưa từng có của Lộc Trời kể từ khi lên sàn chứng khoán Việt Nam.
Cũng trong năm 2023, tập đoàn đạt doanh thu kỷ lục 16.088 tỷ đồng, tăng 38% so với năm trước. Sự tăng trưởng ấn tượng đến chủ yếu từ lĩnh vực lương thực với doanh thu 11.000 tỷ đồng, chiếm 70% cơ cấu. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ nhỏ giọt, đạt hơn 16 tỷ đồng, giảm 96% so với năm trước.
Bước sang năm 2024, tính đến cuối quý I, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, công ty vẫn báo lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 132 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, công ty báo lỗ ròng trên 96 tỷ. Mức lỗ này tăng 15 tỷ đồng so với cùng kỳ 2023.
Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản Lộc Trời đạt gần 12.000 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 78% về còn hơn 105 tỷ đồng, hàng tồn kho tăng 43%, đạt hơn 2.800 tỷ đồng.
Trước khi chấm dứt mối lương duyên với CEO Nguyễn Duy Thuận, hồi đầu tháng 5/2024, Lộc Trời cũng vướng lùm xùm về nợ tiền lúa vụ Đông Xuân của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long.
Một trong những khách hàng lớn của Lộc Trời là Syngenta cũng đã “chia tay”. Việc "rời đi" của Syngenta lúc trước cũng đã dấy lên lo lắng về việc sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh của Lộc Trời và thực tế điều này đã đúng.
Doanh số mảng thuốc bảo vệ thực vật của Lộc Trời năm 2021 ghi nhận 5.120 tỷ đồng nhưng sang đến năm 2022 chỉ đạt 4.403 tỷ và đạt 4.218 tỷ đồng vào năm 2023.
Nhiều nhân sự chủ chốt rời đi
Thời gian gần đây, Tập đoàn Lộc Trời liên tục xảy ra biến động về nhân sự cấp cao. Ông Johan Sven Richard Bode đã nộp đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT với lý do cá nhân sau 2 tháng đảm nhận.
Cùng với đó, 2 thành viên Ban kiểm soát của tập đoàn này là bà Nguyễn Thị Thúy và ông Tiêu Phước Thạnh cũng mới xin từ nhiệm. Hiện Ban kiểm soát Lộc Trời chỉ còn Trưởng ban là ông Uday Krishna.
Sự xáo trộn về nhân sự cấp cao diễn ra trong bối cảnh Lộc Trời thua lỗ, thiếu hụt dòng tiền và nợ tiền nông dân.
Đầu tháng 8, Tập đoàn Lộc Trời xin tạm hoãn công bố Báo cáo tài chính quý II/2024 với lý do đang gặp phải một số sự kiện bất khả kháng, cần phải tăng cường ổn định dòng vốn sản xuất kinh doanh. Toàn bộ nhân sự đã phải tập trung vào việc xử lý các vấn đề tài chính trước mắt.
Theo đó, lãnh đạo Lộc Trời có nguyện vọng Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ chấp nhận việc tạm hoãn công bố Báo cáo tài chính quý II/2024 đến ngày 30/8. Tuy nhiên, đến tháng 10, công ty vẫn chưa công bố Báo cáo tài chính quý II/2024.
Trong năm 2024, Lộc Trời không đặt kế hoạch doanh thu mà chỉ đưa mục tiêu lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, khiến nhiều cổ đông tỏ ra thất vọng…