Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa phát động phong trào thi đua “Công nhân, viên chức, lao động nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Mô hình “3 tại chỗ” được nhiều doanh nghiệp ngành Công Thương thực hiện |
Phát biểu tại Lễ phát động, ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết, đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với sự xuất hiện của các biến chủng mới có những diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân và sự ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Cán bộ, đoàn viên công đoàn các cấp trong cả nước đã chủ động, trách nhiệm, tận tâm, vượt khó, cống hiến, hy sinh để bảo vệ sức khỏe của công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Đã có nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay trong công tác phòng, chống dịch được các cấp công đoàn triển khai hiệu quả; nhiều tấm gương cán bộ công đoàn xung phong đi vào tâm dịch, không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm, nỗ lực ngày đêm vì người lao động (NLĐ). “Tuy nhiên, trước mắt còn rất nhiều khó khăn, thử thách, cần phải có sự đoàn kết, đồng lòng, sẻ chia, tích cực vượt khó, sự sáng tạo và quyết tâm cao nhất của cán bộ, đoàn viên, NLĐ để sớm đẩy lùi và chiến thắng đại dịch” - ông Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh và đề nghị cán bộ, đoàn viên công đoàn, NLĐ, các cấp công đoàn cả nước đẩy mạnh tuyên truyền trong CNVCLĐ về: Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phòng, chống dịch; truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước của dân tộc; hành động có trách nhiệm của công dân vì bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm “ai ở đâu, ở đó” ở những nơi giãn cách xã hội.
Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi tinh thần “Mỗi cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ là một chiến sĩ” và “Mỗi CĐCS là một pháo đài, là mái nhà bình yên” - Ban Chấp hành công đoàn cơ sở tuyên truyền, vận động đoàn viên, NLĐ đoàn kết, chung sức, đồng lòng, khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch Covid-19 và sản xuất, kinh doanh. Phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần “An toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”, thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả công việc, sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ đoàn viên, NLĐ; gắn bó với doanh nghiệp, yên tâm sản xuất, bảo vệ nhà máy tuyệt đối an toàn.
Các cấp Công đoàn có các hình thức sáng tạo, huy động nguồn lực chăm lo cho đoàn viên, CNVCLĐ gặp khó khăn, nhất là đoàn viên, NLĐ trong khu vực bị phong tỏa, cách ly và cán bộ, đoàn viên trực tiếp tham gia tuyến đầu chống dịch; có cách làm hay, giải pháp sáng tạo đáp ứng kịp thời, hiệu quả yêu cầu thực tiễn và diễn biến của dịch tại các địa phương. Tăng cường phát huy các mô hình có hiệu quả như: “Tổ An toàn Covid-19”, “Siêu thị 0 đồng”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Nhà trọ 0 đồng, “ATM gạo miễn phí”, “Nghĩa tình công đoàn”, “Bếp ăn nghĩa tình”…
Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; xác định rõ trách nhiệm, nêu cao bản lĩnh của từng cán bộ công đoàn vào thời điểm khó khăn, thử thách với tinh thần “Tất cả vì đoàn viên, NLĐ”. |