Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, kết thúc cuộc đàm phán lâu dài, khó khăn, phức tạp nhất nhưng thắng lợi vẻ vang nhất trong lịch sử ngoại giao của nước nhà, đánh dấu mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là bước ngoặt của cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Đây là chiến thắng to lớn, vang dội của quân và dân ta, đồng thời đánh dấu thất bại của chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, đi vào đàm phán và bắt đầu quá trình rút quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Lễ ký Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Ảnh tư liệu |
Tháng 5-1968, Hội nghị Paris chính thức diễn ra, đánh dấu cuộc đọ sức trên mặt trận ngoại giao, tạo cục diện “vừa đánh vừa đàm”. Kéo dài gần 5 năm, với hàng trăm phiên công khai và bí mật, với khoảng 500 cuộc họp báo và 1.000 cuộc phỏng vấn, đàm phán cam go, có những lúc tưởng chừng đi vào ngõ cụt...
Bước ngoặt trên chiến trường là khi nhà cầm quyền Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược cuối tháng 12-1972 vào Hà Nội và vùng phụ cận hòng cứu vãn và đảo ngược tình thế hết sức khó khăn của Mỹ. Nhưng Mỹ đã vấp phải sự đánh trả quyết liệt và tài tình của lực lượng phòng không và không quân Việt Nam. Thất bại nặng nề trong Chiến dịch “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972 buộc Mỹ phải tiếp tục cuộc đàm phán đi đến ký kết chính thức Hiệp định Paris ngày 27-1-1973. Đây là văn bản pháp lý toàn diện, đầy đủ nhất công nhận các quyền cơ bản, đó là độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Hội nghị Paris và Hiệp định Paris là kết quả của quá trình đấu tranh kiên cường, bền bỉ, cuộc đấu trí hết sức gay go, quyết liệt nhưng cũng rất hào hùng của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với những thắng lợi quan trọng về quân sự, trong đó có bản anh hùng ca “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đã góp phần quan trọng tạo nên bước chuyển chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từng bước buộc Mỹ phải đi vào giải pháp, chấm dứt ném bom miền Bắc, rút toàn bộ quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam, góp phần ngăn chặn mọi âm mưu can thiệp trở lại của Mỹ khi toàn quân, toàn dân ta giành thắng lợi hoàn toàn với đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giang sơn thu về một mối.
Thắng lợi của Hiệp định Paris và việc Mỹ rút khỏi Việt Nam còn góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng của nhân dân Lào và Campuchia, mở ra một giai đoạn mới ở khu vực Đông Nam Á-giai đoạn hòa bình, ổn định, khép lại quá khứ, hướng đến xây dựng cộng đồng ASEAN.
Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đã để lại nhiều bài học vô giá cho các thế hệ mai sau. Trước hết là bài học về sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta mở ra mặt trận ngoại giao, phát huy thế mạnh của ngoại giao, phối hợp với các mặt trận chính trị, quân sự; lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất các mặt trận, “vừa đánh vừa đàm”, tạo ra sức mạnh tổng hợp, giành toàn thắng.
Hai là phải xác định mục tiêu rõ ràng. Mục tiêu đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh cô đọng lại trong tuyên bố nổi tiếng của Người: Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi.
Ba là phải kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia, dân tộc; vận dụng đúng đắn phương châm ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến ứng vạn biến”, tạo thời cơ, kéo địch vào đàm phán, chủ động tấn công ngoại giao và kết thúc đàm phán khi điều kiện chín muồi; xử lý hài hòa quan hệ với các nước lớn, đồng thời tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi đối với cuộc kháng chiến của nhân dân ta để làm nên thắng lợi của Hội nghị Paris.
Bốn là đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Cuộc chiến đấu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta thắng lợi vì đã phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sự ủng hộ và giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”...
Đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam là: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, cùng có lợi. Từ một nước bị bao vây, cấm vận, đến nay, nước ta đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, trong đó có 6 nước đối tác chiến lược toàn diện, 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.
Cùng với đó, khuôn khổ quan hệ của Việt Nam với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới, tin cậy chính trị với nhiều nước được củng cố vững chắc, hợp tác ngày càng mở rộng, thực chất và hiệu quả; vị thế, uy tín và tiếng nói của Việt Nam được khẳng định nổi bật tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng, như: ASEAN, Liên hợp quốc, Tiểu vùng Mê Công, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA)...
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới hiện nay có nhiều thay đổi với diễn biến khó lường, những bài học quý báu từ cuộc đàm phán lịch sử tại Paris cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Cùng với cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, thành tựu đối ngoại đạt được trong những năm qua, bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam” sẽ là những nền tảng vững chắc đưa Việt Nam vượt qua khó khăn, thử thách để đóng góp vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.