Mộc Châu được ví là “xứ sở thần tiên” của du khách |
Cơ hội thu hút đầu tư
Theo Quy hoạch, mục tiêu du lịch của Mộc Châu được xác định đến năm 2020 sẽ đón trên 1,2 triệu lượt khách, và 3 triệu lượt vào năm 2030; tổng thu từ du lịch là 1.500 tỷ đồng năm 2020 và năm 2030 đạt 6.000 tỷ đồng. Đây là cơ sở để Sơn La thu hút đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch như: khu du lịch, khách sạn nhà hàng, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng. Ngoài ra, quy hoạch sẽ đưa Mộc Châu thành điểm thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch; từng bước tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội cho tỉnh; góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, sớm đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Hiện, Mộc Châu đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, trong đó nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho khu du lịch Mộc Châu được hưởng ưu đãi giống như các khu kinh tế, khu chế xuất.
Với lợi thế này, tỉnh Sơn La đang có định hướng hình thành các trung tâm mua sắm, nghỉ dưỡng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, đầu tư phát triển du lịch, tích cực hợp tác trong nước và quốc tế để thu hút khách du lịch đến với Sơn La.
Nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn
Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội lại có không ít khó khăn, thách thức đối với Sơn La trong việc thực hiện mục tiêu quy hoạch theo lộ trình. Theo Chủ tịch UBND Sơn La- Cầm Ngọc Minh, Sơn La có điểm xuất phát thấp so với mặt bằng chung của cả nước, trong đó, du lịch Sơn La mới phát triển sơ khai. Vì thế, nếu Sơn La không có những bứt phá quyết liệt trong thời gian tới thì tình trạng này sẽ tiếp diễn, như vậy khó thực hiện mục tiêu theo quy hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La - Cầm Ngọc Minh: Bên cạnh việc thực hiện chính sách ưu đãi, tỉnh Sơn La rất coi trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng, chuẩn bị nguồn nhân lực để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến đầu tư tại Sơn La. |
Thách thức nữa chính là sự phát triển của hệ thống đô thị, đặc biệt là việc xây dựng các điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng, resort, khu vui chơi… nếu không có quy hoạch theo hướng bền vững sẽ làm phá vỡ cảnh quan vốn có của Mộc Châu. Đồng thời, nếu quản lý không tốt sẽ kéo theo sự xuống cấp của tài nguyên, môi trường tại nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa; sự suy giảm đa dạng sinh học ở các khu tự nhiên. Nguồn nhân lực hiện rất hạn chế về số lượng và chất lượng; hệ thống giao thông còn khó khăn, thiếu thốn để thu hút nhà đầu tư lớn… cũng là vấn đề mà Sơn La đang phải đối mặt.
Trước mắt, Sơn La đang xây dựng những giải pháp để từng bước tháo gỡ khó khăn, nỗ lực thực hiện mục tiêu. Theo đó, Sơn La sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực; các sản phẩm du lịch sẽ từng bước được đa dạng hóa, nâng cao chất lượng; tăng cường liên kết, hợp tác phát triển, thực hiện các chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư với mức độ tối đa theo quy định của nhà nước tại các khu công nghiệp và khu chế xuất.