Thủ tướng Chính phủ tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2023 Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài gần 22 tỷ USD |
Tiềm năng thị trường Halal toàn cầu
Nhiều nhận định cho rằng, tiềm năng thị trường Halal toàn cầu còn rất lớn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho rằng, đối với Việt Nam, tiềm năng, cơ hội của thị trường Halal toàn cầu còn rất lớn.
Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030” được Chính phủ ban hàng ngày 14/2 đã được Bộ Ngoại giao lần đầu tiên chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành và tham vấn nhiều lần các chuyên gia trong nước, quốc tế, cơ quan đại diện ta tại nước ngoài, các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp và hiệp hội để xây dựng trong hơn 2 năm qua và nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Đánh giá về đề án này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho rằng, đây là đề án đầu tiên đưa ra định hướng lớn mang tầm quốc gia về huy động các nguồn lực quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp, toàn diện, giúp doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu, hiệu quả vào chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal toàn cầu.
Mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường Halal toàn cầu |
Đề án tạo hướng đi mới trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, giúp khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng có quy mô lên tới 10.000 tỷ USD trên phạm vi toàn thế giới vào năm 2028 và tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững của nước ta, nhất là khi các thị trường truyền thống đang gặp không ít khó khăn do lạm phát, suy thoái kinh tế… - Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu phân tích và cho biết, trong bối cảnh đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai mở thị trường mới, còn nhiều dư địa được coi là chìa khóa vàng để đẩy mạnh xuất khẩu Việt Nam và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Thị trường Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn xét về quy mô và mức tăng dân số, mức chi tiêu và sự đa dạng về lĩnh vực cũng như triển vọng tăng trưởng ngày càng tăng của thị trường này trong tương lai. |
Bân cạnh đó, việc triển khai Đề án góp phần củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các quốc gia tiêu dùng sản phẩm Halal quan trọng như Indonesia, Malaysia, Saudi Arabia…, qua đó góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam trên bản đồ Halal toàn cầu.
Số liệu thống kê cho thấy, thị trường Halal toàn cầu có quy mô rất lớn với khoảng 1,94 tỷ người vào năm 2022, chiếm gần 1/4 dân số thế giới và còn có xu hướng gia tăng. Trong khi đó, quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu đạt tới 7.000 tỷ USD năm 2022 và dự kiến tăng lên mức khoảng 10.000 tỷ USD trước năm 2028.
Thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ rộng khắp trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo. Mức chi tiêu và sử dụng các sản phẩm Halal có xu hướng ngày càng tăng, mở rộng sang cả thị trường phi Hồi giáo do sản phẩm Halal đáp ứng nhiều tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng và bảo vệ môi trường. Hơn nữa, các quốc gia sản xuất Halal lớn nhất trên thế giới phần lớn không phải là các quốc gia Hồi giáo.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, nhiều quốc gia là các thị trường tiêu dùng Hồi giáo hoặc xuất khẩu sản phẩm Halal lớn trên thế giới (như Hàn Quốc, Saudi Arabia, Indonesia, Malaysia…) tỏ quan tâm, mong muốn thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong đầu tư, phát triển ngành Halal tại Việt Nam để phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal như vị trí địa lý thuận lợi, thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm tới việc khai mở và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu.
Có thể khẳng định, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường Halal toàn cầu là rất lớn, không chỉ đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, phát triển du lịch, mà còn mở ra việc xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh về dược phẩm, mỹ phẩm… và thu hút đầu tư vốn, tài chính của các tập đoàn quốc tế, khu vực vào Việt Nam. Qua đó, góp phần giúp doanh nghiệp, địa phương Việt Nam nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển… đạt tiêu chuẩn Halal.
Tăng cường phối hợp
Từ khi xây dựng đến khi được phê duyệt, Đề án đã được Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp dành sự quan tâm và kỳ vọng cao. Theo Quyết định phê duyệt Đề án được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ Ngoại giao được giao là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quá trình triển khai.
Với phương châm triển khai từng bước vững chắc, tạo hiệu ứng lan tỏa lớn để giúp xây dựng, phát triển ngành Halal Việt Nam thích ứng, theo kịp xu thế phát triển của thị trường Halal toàn cầu, ông Phạm Quang Hiệu cho biết, Bộ Ngoại giao đã và đang triển khai một số nhiệm vụ chính trong đó có xây dựng Kế hoạch hành động triển khai Đề án trong năm 2023 trình Bộ trưởng Ngoại giao ban hành, trong đó tập trung thúc đẩy triển khai Đề án theo các nhóm giải pháp lớn như lồng ghép nội dung phát triển ngành Halal Việt Nam trong hợp tác song phương với các đối tác; thúc đẩy ký kết các thỏa thuận nhằm tạo khuôn khổ pháp lý để tăng cường hợp tác quốc tế về Halal; đẩy mạnh nghiên cứu, cung cấp thông tin liên quan tới Halal, nhất là về chính sách thương mại, văn hóa Hồi giáo, chứng nhận Halal…; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư về sản phẩm, dịch vụ Halal; hỗ trợ, kết nối các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các thị trường Halal toàn cầu...
Cùng với đó, Bộ cũng chủ động, tích cực đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, địa phương về các thông tin cơ bản về Halal như khái niệm, tiêu chuẩn, chứng nhận, xu thế phát triển của thị trường Halal và văn hóa, kinh doanh với người Hồi giáo…
Được biết, Bộ Ngoại giao đang tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành và tỉnh, thành liên quan thúc đẩy mạnh mẽ thông tin tuyên truyền hai chiều nhằm nâng cao nhận thức, hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, địa phương sản xuất sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn Halal, gắn với quy hoạch phát triển ngành, địa phương để tham gia sâu và hiệu quả vào thị trường Halal toàn cầu, đồng thời quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ đạt tiêu chuẩn Halal của Việt Nam trên bản đồ Halal toàn cầu.
Với vai trò là cơ quan chủ trì, Bộ Ngoại giao đồng hành, phối hợp, hướng dẫn các tỉnh, thành trong xây dựng Kế hoạch hành động, triển khai Đề án trong năm 2023.
Trước mắt tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ngành Halal, văn hóa Hồi giáo cho người dân, doanh nghiệp và địa phương; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu của các sản phẩm, dịch vụ Halal Việt Nam với thị trường toàn cầu; xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp, hướng tới từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý trong chứng nhận, quản lý, phát triển tiêu chuẩn Halal... - ông Phạm Quang Hiệu thông tin
Với tinh thần ngoại giao phục vụ kinh tế và phát triển, Bộ Ngoại giao với vai trò “mở đường, đồng hành” sẽ phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan sát cánh, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp trong tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành Halal Việt Nam toàn diện, chuyên nghiệp, nhằm khai mở một thị trường lớn, tiềm năng và tạo thêm sinh lực mới cho sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước.
Halal là những sản phẩm "được cho phép" và "hợp pháp" để sử dụng theo Luật Hồi giáo, với những yêu cầu nghiêm ngặt từ các thành phần nhỏ nhất đến khâu chế biến, vận chuyển. |