Các tổ chức TCVM góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn |
Tài chính vi mô nhưng lợi ích lớn
Phát triển tổ chức tài chính vi mô có thể được xem là một trong những giải pháp quan trọng thực hiện chiến lược xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Các quỹ hỗ trợ vốn cho người nghèo tự tạo việc làm (CEP - Capital aid fund for employment of the poor), Tổ chức tài chính vi mô TNHH một thành viên Tình Thương, Mạng lưới tổ chức tài chính vi mô M7, Quỹ Tình thương của Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (TYM)... đều hướng đến mục tiêu cải thiện cuộc sống cho các hộ gia đình nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người có thu nhập thấp thông qua việc cung cấp các dịch vụ TCVM giúp họ bắt đầu và phát triển công việc làm ăn, sản xuất nhỏ, tạo thu nhập cải thiện đời sống gia đình, giảm tỉ lệ thất nghiệp...
Ghi nhận kết quả đến thời điểm hiện tại, mặc dù trên toàn hệ thống mới chỉ có 4 tổ chức TCVM được thành lập và hoạt động chính thức bên cạnh hai tổ chức lớn là Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Agribank nhưng dư nợ đối với khách hàng TCVM đang là con số đáng kể.
Chỉ tính riêng NHCSXH đến quý 1/2018, doanh số cho vay khách hàng TCVM đạt khoảng 56.000 tỷ đồng. Các tổ chức như CEP, Tổ chức TCVM Tình Thương… cũng lần lượt cho vay mỗi đơn vị trên 2.000 tỷ đồng/năm đối với các khách hàng cá nhân và hộ gia đình.
Mở rộng không gian hoạt động cho các tổ chức TCVM
Việc Thông tư số 03/2018 (quy định về thành lập và hoạt động của các tổ chức tài chính vi mô - TCVM) của NHNN bắt buộc các tổ chức TCVM phải có vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định là 5 tỷ đồng, song song đó phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay đối với khách hàng TCVM bằng 90% tổng dư nợ của đơn vị đang giúp các tổ chức TCVM có xu hướng đa dạng cách thức cho vay, đơn giản hóa thủ tục giải ngân vốn.
Thống kê của Nhóm công tác TCVM Việt Nam (VMFWG) cho thấy, hiện nay hầu hết các tổ chức TCVM đã đa dạng hóa các sản phẩm cho vay vốn. Ngoài khoản vay chính truyền thống, đa số các đơn vị đã phát triển các sản phẩm như cho vay ngắn hạn, trung hạn, vay bổ sung, vay khẩn cấp và vay đa mục đích…
Để tăng doanh số cho vay tín chấp, các tổ chức TCVM hiện cũng đã áp dụng khá phố biến hình thức bắt buộc gửi tiết kiệm và hình thức “nhóm đảm bảo” – tức là các thành viên khác trong nhóm bảo đảm khoản vay cho các khách hàng trong nhóm và dựa vào uy tín và tính cách của khách hàng để đảm bảo vốn vay.
Khi áp dụng các hình thức bắt buộc gửi tiết kiệm và hình thức nhóm đảm bảo, VMFWG cho rằng khả năng duy trì khách hàng cũ và khả năng huy động vốn của các tổ chức TCVM đang có sự gia tăng rõ rệt. Khảo sát trên 300 khách hàng ở 5 tổ chức TCVM cho thấy, 100% các khách hàng tiếp cận các đơn vị TCVM đều mong muốn vay tín chấp và cam kết trả nợ đúng hạn để tiếp tục được cấp vốn trong các hợp đồng tiếp theo. Trong khi đó 62% khách hàng được hỏi cho rằng họ chọn gửi tiết kiệm tại các tổ chức TCVM (thay vì gửi NHTM hoặc các hình thức đầu tư khác) là vì khi gửi tiết kiệm họ sẵn sàng được vay tín chấp đồng kiểm soát được rủi ro mất vốn do các khoản tiền gửi tại các tổ chức TCVM đều được bảo hiểm và được trả mức lãi suất phù hợp.
Một điểm mới khác trong Thông tư 03 cũng được cho là cơ sở để mở rộng hoạt động cho vay và huy động vốn của các tổ chức TCVM đó là quy định cho phép các đơn vị này được cho vay tối đa 100 triệu đồng đối với các khách hàng đã thoát nghèo nhưng vẫn có nhu cầu vay vốn từ các tổ chức TCVM.
Tại Quỹ CEP, mỗi năm tổ chức này giúp khoảng 40.000 thành viên thoát nghèo và rời khỏi chương trình vay vốn của quỹ. Nay nếu lượng khách hàng này tiếp tục được CEP cho vay để phát triển các phương án sản xuất kinh doanh mới thì rõ ràng doanh số cho vay và huy động của quỹ sẽ tăng lên nhanh chóng. Trong khi đó, bản thân các khách hàng cũ của CEP vừa mới thoát nghèo sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn vay mà không quá phụ thuộc vào các kênh tín dụng phi chính thức hoặc phụ thuộc tối đa vào nguồn cho vay tiêu dùng đến từ các công ty tài chính với lãi suất đang được cho là cao hơn gấp nhiều lần so với lãi suất thị trường.