Giải quyết vướng mắc về khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước
Bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; bổ sung những vấn đề phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, Dự thảo Luật có 08 nhóm điểm mới.
Cụ thể, thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc thành tích đến đâu, khen đến đó và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được để khắc phục tình trạng khen thưởng “cộng dồn thành tích” trước đây.
Đồng thời, đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến).
Cùng với đó, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ… và quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong khen thưởng ở khu vực ngoài nhà nước và kinh tế tư nhân.
Mở rộng đối tượng khen thưởng người nước ngoài có nhiều đóng góp cho đất nước Việt Nam trong điều kiện chủ động hội nhập; bổ sung hình thức khen thưởng kháng chiến “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; thực hiện cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.
Về vấn đề xử lý vi phạm trong thi đua, khen thưởng, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung trường hợp đã được khen thưởng nhưng sau đó bị phát hiện vi phạm quy định của Nhà nước và bị xử lý kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên trong kỳ được xét khen thưởng thì phải bị hủy bỏ quyết định khen thưởng và bị thu hồi hiện vật và tiền thưởng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thúy Anh cho hay, Thường trực Ủy ban Xã hội chỉnh lý Điều 91 của dự thảo Luật theo hướng: Bổ sung quy định trường hợp tổ chức, cá nhân bị hủy bỏ quyết định khen thưởng; quy định cụ thể hơn về các trường hợp cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà có hành vi vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên có tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật từ hình phạt tù có thời hạn trở lên thì bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước và chỉnh lý quy định cụ thể về nội dung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật về vấn đề xử lý vi phạm.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - đoàn Nam Định bày tỏ tán thành nhiều nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu của dự thảo Luật. Theo đó, dự thảo lần này có sự đổi mới mạnh mẽ, nhiều quy định mới, cụ thể trong công tác thi đua khen thưởng. Đó là thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khắc phục khen dồn thành tích, bổ sung thêm đối tượng khen thưởng.
Ghi nhận đóng góp của lực lượng thanh niên xung phong
Qua thảo luận, nhiều đại biểu tán thành việc luật bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” vào trong luật. Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng, việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để tôn vinh những thanh niên xung phong đã có những đóng góp, to lớn trong công cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước.
Do đó, cần có hình thức “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” để ghi nhận những cống hiến đối với họ. Tuy nhiên, theo ông Thành chỉ nên tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” cho những cá nhân tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.
Cùng chung quan điểm, Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - đoàn Bình Phước đưa ra phân tích, bổ sung tặng thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” vào luật là hợp lý. Luật đã quy định rõ đối tượng, tiêu chuẩn xét tặng đã đảm bảo tính đồng bộ.
"Ở nước ta hiện nay số lượng thanh niên xung phong đủ tiêu chuẩn được đề nghị khen thưởng khoảng 670 ngàn người. Việc xét tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với lực lượng thanh niên xung phong nhằm ghi nhận những thành tích và hy sinh đóng góp trong việc tham gia xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Đây là việc cần thiết mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của dân tộc ta” - Đại biểu Điểu Huỳnh Sang nêu.
Tán thành việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” tại dự thảo luật, Đại biểu Đoàn Thị Hảo - đoàn Thái Nguyên dẫn chứng, đơn cử như tại Thái Nguyên nhiều thanh niên xung phong đã hy sinh khi làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam. Hầu hết những anh, chị hy sinh khi ở độ tuổi 18, tuổi 20. Trong số đó có nhiều thanh niên xung phong mới tham gia được 6 tháng nhập ngũ. Không chỉ Thái Nguyên mà có nhiều tỉnh cũng có nhiều lực lượng thanh niên xung phong.
Đại biểu Quốc hội đoàn Thái Nguyên cũng cho rằng, lực lượng thanh niên xung phong đã được thành lập 72 năm qua, là vấn đề mang tính lịch sử. "Vì vậy, không nên quy định quá cao về thời gian tại ngũ đối với thanh niên xung phong tham gia thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, nhất là những thanh niên xung phong đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ và đã được công nhận là liệt sĩ. Vì vậy Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét, cân nhắc vấn đề này” - bà Hảo nói.