Cần tăng cường thông tin chính sách BHXH đến người lao động |
Thiếu linh hoạt
Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm 2016, đã có trên 13 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, có trên 4 triệu người thuộc khu vực hành chính sự nghiệp; 1,2 triệu lao động thuộc doanh nghiệp (DN) nhà nước; 3,71 triệu lao động khu vực DN tư nhân và 3,7 triệu lao động khu vực DN có vốn nước ngoài.
Tuy nhiên, diện bao phủ BHXH ở Nam được cho là còn ở mức thấp so với các nước trên thế giới, đặc biệt trong các DN vừa và nhỏ. Lao động trong khu vực phi chính thức, tự doanh và lao động nông thôn phần lớn chưa tham gia BHXH. Lý do khiến diện bao phủ BHXH vẫn còn ở mức thấp được cho là do hệ thống các chế độ BHXH còn chưa đa dạng và linh hoạt nên thiếu hấp dẫn với người dân. Hồ sơ, thủ tục thực hiện BHXH còn chưa thuận lợi, đôi khi gây khó khăn cho DN và NLĐ. Đặc biệt, tình trạng DN nợ, trốn đóng BHXH gia tăng; lao động nhiều ngành sản xuất như may mặc, da giày, thủy sản thường nghỉ hưu sớm hơn so với độ tuổi quy định nên quyền lợi khó được bảo đảm; mức đóng BHXH ở Nam còn cao, thủ tục tham gia chưa đơn giản, thuận tiện.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Mai Đức Chính nhấn mạnh, chúng ta vẫn còn “khoảng trống” lớn trong thực hiện mở rộng đối tượng tham gia BHXH. Đó là, các cơ quan liên quan chưa nắm được, cũng như chưa thống kê được chính xác số lao động đang làm việc nhưng chưa được tham gia BHXH. Bên cạnh đó, mức tiền lương đóng BHXH của các DN cũng không đúng với thực tế. “Hầu hết, các DN đã xây dựng 2 bảng lương: bảng lương quyết toán với cơ quan thuế khoảng 6,5 triệu/người/tháng; còn bảng lương đóng BHXH chỉ khai báo với cơ quan BHXH khoảng 3,8 triệu/người/tháng. Như vậy, chỉ tính số tiền chênh lệch này cũng đã cho thấy NLĐ bị thiệt hại rất nhiều về các mức hưởng chế độ BHXH ngắn hạn và dài hạn” - ông Chính cho hay.
Cần giải pháp đồng bộ
Để tăng diện bao phủ BHXH theo mục tiêu mà Chính phủ đề ra, nhiều ý kiến cho rằng, cần giao chỉ tiêu phát triển BHXH cho địa phương, gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan thuế và BHXH; đơn giản hóa các quy trình, thủ tục tham gia BHXH; xây dựng các chính sách linh hoạt như “con đóng BHXH, bố mẹ được hưởng lương hưu”; hỗ trợ DN đóng đầy đủ BHXH cho lao động được tiếp cận các chương trình ưu đãi của nhà nước…
Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất, hiện mức đóng BHXH, BH thất nghiệp của nước ta khá cao là một trong những lý do để DN “vin vào” nhằm biện minh cho hành vi nợ đọng, trốn đóng BHXH, BH thất nghiệp của họ. Vì vậy, để giảm bớt áp lực cho DN, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần xem xét và tính tới giải pháp giảm mức đóng cho DN vào các quỹ tai nạn lao động, quỹ BH thất nghiệp với mức giảm 0,5%/quỹ.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, ông Trần Đình Liệu cho biết: Thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ kiện toàn và tích cực thực hiện việc chia sẻ dữ liệu tự động với cơ quan thuế. “Từ việc kết xuất thông tin với cơ quan thuế, mục tiêu trong năm 2017, BHXH Việt Nam sẽ phối hợp thanh kiểm tra 50% số DN phát hiện còn lao động phải tham gia BHXH bắt buộc và sẽ thanh kiểm tra nốt 50% số DN còn lại trong năm 2018” - ông Liệu chia sẻ.
Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Quỹ BHXH tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối trong dài hạn. Thậm chí, nếu không có sự điều chỉnh về chính sách thì quỹ hưu trí và tử tuất ở Việt Nam có thể mất cân đối vào năm 2034. |