“Sống lại” nghề đũi Nam Cao
Say sưa thuyết trình cho các bạn nhỏ về quá trình tạo ra một tấm lụa đũi hoàn toàn thủ công trong Không gian trưng bày lụa Hạnh Silk tại Trung tâm triển lãm Vân Hồ (số 2, Hoa Lư, Hà Nội), chị Lương Thanh Hạnh chia sẻ, đến với tơ lụa một cách ngẫu nhiên, chỉ bằng đam mê và sự cảm phục bà con nông dân, những nghệ nhân ngày đêm kéo sợi vất vả nhưng bằng tình yêu vẫn hạnh phúc làm. Để có được ngày hôm nay, Hanhsilk đã trải qua một hành trình dài bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh, cũng vất vả ngược xuôi chẳng kém gì những người nông dân giữ nghiệp “trồng dâu nuôi tằm”.
Chị Lương Thanh Hạnh - Giám đốc HTX Dệt đũi Nam Cao, người sáng lập thương hiệu Hanhsilk |
Khi mới bắt đầu đầu tư vào làng đũi xã Nam Cao (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) – làng nghề đã mai một, gần như đã mất đi hoàn toàn những giá trị của một làng nghề truyền thống, mọi người đều nói chị liều lĩnh, khát khao viển vông và sẽ chẳng thể thành công được. Nhưng bằng sự tâm huyết, chị đã dùng hành động để thuyết phục người dân cùng khôi phục làng nghề truyền thống. Và chị đã thành công, bởi trong làng có nhiều người vẫn tâm huyết với nghề của cha ông, đã dần dần ủng hộ, góp công góp sức cùng chị thành lập nên HTX Dệt đũi Nam Cao (Thái Bình). Năm 2016, HTX được thành lập với 30 thành viên, tới nay đã có gần 100 hộ gia đình tham gia và dần mở rộng vùng trồng dâu, nuôi tằm, hình thành chuỗi sản xuất - cung ứng khép kín.
“HTX Dệt đũi Nam Cao đi vào hoạt động, chúng tôi vấp phải những vấn đề về phương thức sản xuất. Bà con đã theo lối mòn hàng trăm năm nay, sản phẩm vẫn rất thô mộc, không theo một chỉ tiêu nào, không có chọn lọc... Đó là điều chúng tôi cần thay đổi để khẳng định “chất” của sản phẩm” – chị Hạnh chia sẻ.
Theo đó, trên nền những giá trị truyền thống, chị Lương Thanh Hạnh đã cùng các nghệ nhân của làng lụa đũi Nam Cao đồng hành chinh phục “con đường tơ lụa”, đầu tư bài bản vào thiết kế, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, minh bạch nguồn gốc và sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường… từng bước khôi phục làng nghề, đưa lụa đũi Nam Cao trở lại thời hưng thịnh.
Trên hành trình “sống lại” một thương hiệu truyền thống đầy khó khăn, gian nan đó, chưa bao giờ chị Hạnh có ý định từ bỏ hay dừng lại. Với chị, sự tin tưởng tuyệt đối của bà con và những nghệ nhân chính là người truyền lửa đã giúp chị kiên định hơn trên con đường này.
Không dừng lại ở đó, chị Hạnh còn đem văn hoá, truyền thống của người Việt Nam ra thế giới. Hình ảnh những nghệ nhân làng lụa đũi Nam Cao bình dị trong màu áo nâu miệt mài quay tơ, se sợi để dệt thành những thớ lụa óng ả đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong lòng bạn bè quốc tế. Nhờ đó, lụa truyền thống Nam Cao và thương hiệu Hanhsilk ngày càng được nhiều bạn bè trong và ngoài nước tìm tới.
Khẳng định thương hiệu
Hanhsilk ra đời vào năm 2012, mỗi sản phẩm lụa đũi được sản xuất hoàn toàn thủ công và thương mại hóa đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Chị Lương Thanh Hạnh vui mừng chia sẻ, khách quốc tế họ rất thích các sản phẩm thủ công của Việt Nam, từ những sản phẩm làm bằng tơ lụa như chiếc khăn tay, khăn ăn, cái khăn trải bàn đến những vật dụng sử dụng hàng ngày như khăn quàng, rèm cửa… Nhờ đó, những sản phẩm mang thương hiệu Hanhsilk có đến 80% sản phẩm là xuất khẩu sang các nước châu Âu, một số nước châu Á, còn lại 20% bán tại thị trường trong nước.
Hành trình lan toả những nét văn hóa truyền thống của chị Lương Thanh Hạnh sẽ thêm nhiều màu sắc hơn nữa khi có sự chung tay của tất cả mọi người |
Để có thể định vị được thương hiệu Hanhsilk trên thị trường thế giới, lưu lại ấn tượng sâu đậm đối với khách hàng, nhiều năm liền chị Hạnh đã cùng bà con nghiên cứu, không ngừng sáng tạo những sản phẩm chất lượng, tinh xảo và thân thiện với môi trường. Người sáng lập thương hiệu Hanhsilk cho biết, 100% sản phẩm lụa Hanhsilk đều được dệt thủ công, nhuộm bằng những màu thiên nhiên đạt chuẩn organic như màu đỏ của gấc, màu tím của nếp cẩm, màu xanh của lá cây, màu vàng nguyên bản từ kén tằm… Ngoài ra, mỗi sản phẩm đều được họa sĩ vẽ trực tiếp trên vải để tạo nét độc đáo, độc bản nhằm chinh phục những khách hàng khó tính nhất.
Khi được hỏi, bản thân sẽ hình dung Hanhsilk trong tương lai sẽ mang màu sắc như thế nào, chị Hạnh chia sẻ, “tôi muốn phát triển được một vùng nguyên liệu lớn, để tạo điều kiện cho những hộ gia đình đã đồng hành cùng với Hanhsilk có được thu nhập khấm khá hơn. Thương hiệu Hanhsilk đến được với nhiều thị trường xuất khẩu hơn”. Cô chủ của Hanhsilk ấp ủ xây dựng “nhà máy dệt lụa sinh thái” để đón tiếp thêm nhiều tour du lịch quốc tế đến Việt Nam, thông qua đó quảng bá, giới thiệu sản phẩm văn hoá Việt đến với du khách quốc tế.
Đó là giấc mơ lớn trong tương lai, còn hiện tại, người sáng lập Hanhsilk mong muốn truyền lại cho các bạn trẻ tình yêu, niềm đam mê về tơ lụa truyền thống Việt, để những giá trị dân tộc không phải đứng trước nguy cơ mai một của thời gian.