Ra mắt Dự án Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F Quế Lâm và câu chuyện đánh thức tiềm năng nông nghiệp hữu cơ |
Từ phép cộng đẹp giữa doanh nghiệp và nông dân
Không phải dùng một giọt nước nào để rửa chuồng hay tắm cho lợn, chuồng nuôi không mùi, không ruồi nhặng, tại trại lợn của hộ chăn nuôi Mai Văn Tuấn (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) trong suốt quá trình chăn nuôi không thải ra môi trường bất cứ thứ gì. Mỗi tháng, gia đình anh vẫn đều đặn xuất bán 30 con lợn, kể cả trong quãng thời gian khó khăn nhất của người chăn nuôi cả nước, khi dịch tả lợn châu phi hoành hành. Đó là nhờ gia đình anh đã tham gia vào chuỗi liên kết với Tập đoàn Quế Lâm trên địa bàn. Được cung cấp con giống, thức ăn, tập huấn quy trình chăn nuôi an toàn. Ông Mai Văn Tuấn cho hay, tham gia mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ lợi nhuận đảm bảo vì nó mang tính bền vững và không chạy đua theo thị trường. Bình quân trên 1 đầu lợn từ khi nuôi đến khi xuất ra được lãi từ 700.000 đồng đến 850.000 đồng, trong đó, lớp đệm lót sinh học gồm cả chất thải của lợn và cả vỏ bao thức ăn cũng được phía doanh nghiệp thu mua hết cùng với lợn thương phẩm.
Trại lợn của vợ chồng anh Mai Văn Tuấn (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) liên kết với Tập đoàn Quế Lâm chăn nuôi lợn hữu cơ |
Để đảm bảo thức ăn chăn nuôi được làm từ nguồn hữu cơ, Tập đoàn Quế Lâm đã làm việc với các địa phương, từ đó lựa chọn các hộ nông dân, HTX tham gia mô hình liên kết nhằm xây dựng vùng nguyên liệu. Ông Nguyễn Văn Sáu - Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Thuận (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) - cho hay, trước đây, HTX có khoảng 200ha diện tích đất trồng lúa. Tuy nhiên, có một số diện tích kém hiệu quả, đầu ra gặp nhiều khó khăn. Nhằm hạn chế các tác hại trong việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như chất lượng cây lúa, HTX đã mạnh dạn chuyển hướng liên kết với Tập đoàn Quế Lâm đầu tư theo hướng hữu cơ, nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất cho bà con nông dân.
Vụ đầu tiên được triển khai là trồng đậu tương, ban đầu khảo nghiệm khoảng 1ha và sau đó mở rộng ra trồng bắp, trồng lạc, tiến tới mở rộng ra thành vùng nguyên liệu để phục vụ cho đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi của Tập đoàn.
Hiện có khoảng 35 hộ tại đây làm mô hình liên kết. Qua 2 vụ sản xuất bà con cũng đã bắt đầu quen với cách làm. Đầu ra đảm bảo, giá thu mua cao hơn so với giá thị trường. Nếu so với trồng lúa trước đây cho thu nhập khoảng 1,8 triệu đồng/sào thì khi chuyển sang đậu tương bà con nông dân cho thu hoạch là 3 triệu đồng/sào.
Đầu vào chăn nuôi được Tập đoàn Quế Lâm liên kết với các nông hộ sản xuất theo phương thức hữu cơ |
Hiện, miền Trung bắt đầu vụ 3, tới đây thời tiết có thể gặp mưa bão. Tập đoàn Quế Lâm cũng đã lo trước việc thu mua. Nông dân không phơi, thu hoạch xong là hái trái và công ty sẽ cân và tính tỷ lệ hao hụt. Hộ nông dân như ông Nguyễn Hồng Bảnh (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền) phấn khởi bởi không lo lắng về đầu ra sản phẩm.
Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia - đánh giá, trong bối cảnh hiện nay, nhiều cơ sở vẫn đang sản xuất trôi nổi theo thị trường. Một liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp thì chắc chắn người hưởng lợi nhất chính là người sản xuất, người nông dân. Bởi việc định dạng được sản phẩm sẽ giúp họ biết chắc chắn sản phẩm đầu ra của họ sẽ đi đến đâu, được đặt ở một kệ nào trong siêu thị hay đi đến nhà hàng nào.
Đến hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
Hiện, cả nước có gần 200 nông hộ và hàng chục hợp tác xã cũng đang được hưởng lợi từ mối liên kết nông dân và doanh nghiệp này. Con số này sẽ tăng lên khi Dự án Tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh 4F (Farm - Food - Feed – Fertilizer) gồm: Chăn nuôi lợn hữu cơ, sản xuất các chế phẩm sinh học, sản xuất thức ăn chăn nuôi hữu cơ và sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh đang dần được hình thành trên diện tích 15ha trên địa bàn huyện phong điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bốn nhà máy trong tổ hợp này sẽ tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín từ chăn nuôi đến trồng trọt, từ cây trồng đến đất. Trong đó, hạng mục trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, hữu cơ với diện tích 2ha là hạng mục hoàn thành đầu tiên của Dự án tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F.
Hạng mục trang trại chăn nuôi lợn an toàn sinh học, hữu cơ với diện tích 2ha là hạng mục hoàn thành đầu tiên của Dự án tổ hợp chăn nuôi an toàn sinh học 4F |
Giảm gánh nặng cho môi trường được các chuyên gia đặc biệt quan tâm. PGS, TS Phạm Thị Vượng - Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật bảo vệ thực vật Việt Nam - tính toán, chăn nuôi lợn theo phương thức truyền thống trung bình sẽ phải sử dụng 25-30 lít nước/ngày để tắm cho lợn và rửa chuồng. Như vậy, tính 1 con lợn ở mô hình chăn nuôi an toàn sinh học sẽ tiết kiệm 2.400 - 2.900 lít nước sạch và cũng không phải giải quyết từng đấy lượng nước bẩn thải ra môi trường.
Toàn bộ lớp đệm lót sinh học trong chăn nuôi sẽ được thu gom cùng với các phụ phẩm nông nghiệp trong chuỗi và đưa vào nhà máy sản xuất phân hữu cơ để sản xuất phân hữu cơ vi sinh với công suất 100 ngàn tấn/năm. Đây là phân bón hữu cơ vi sinh chất lượng cao để phục vụ cho đầu vào trong nông nghiệp hữu cơ. “Người chăn nuôi và cả những hộ dân xung quanh được sống trong môi trường chăn nuôi không nước thải, rác thải, không mùi hôi, làng xóm yên ấm, chính quyền cũng không phải giải quyết mâu thuẫn. Đây là đa hiệu quả cần phải nhân rộng trong sản xuất”, PGS, TS Phạm Thị Vượng nói.
Ở tuổi 73, ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch Tập đoàn Quế Lâm - chia sẻ, sau gần 10 năm đeo đuổi với ngành chăn nuôi bằng công nghệ vi sinh để đảm bảo được các mục tiêu: Tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, có nguồn thực phẩm sạch và an toàn cho người tiêu dùng và đặc biệt an toàn cho người sản xuất đến nay đối với chúng tôi đã trở thành hiện thực. “Công nghệ sinh học là công nghệ của thế kỷ 21 và Việt Nam phải đi theo con đường này”, ông Nguyễn Hồng Lam nói.
Không đặt nặng vấn đề kinh tế, điều mà ông Nguyễn Hồng Lam mong mỏi là phát triển công nghệ sinh học trong ngành chăn nuôi, và lan tỏa ra toàn xã hội. Sự mong mỏi của ông Nguyễn Hồng Lam đã thành hiện thực với sự “bắt tay” giữa Trung tâm khuyến nông quốc gia và Tập đoàn Quế Lâm đã thực hiện triển khai nhằm phát triển mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học trên cả nước. Theo đó, một bộ tài liệu được biên soạn đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện đã được phát đến tay những nông hộ,trang trại chăn nuôi. Các khuyến nông viên sẽ hỗ trợ, tập huấn để giúp người nông dân có thể triển khai mô hình này.
Ông Nguyễn Hồng Lam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm: Trăn trở lớn nhất đối với tập đoàn lúc này vẫn là xây dựng nhà máy vi sinh vật. Bởi vì chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Để làm ra được câu chuyện của cả nước thì bản thân Tập đoàn Quế Lâm không thể mà cần có sự tham gia của nhà nước là Bộ Khoa học và Công nghệ tham gia cùng với thì tính lan tỏa và sự chắc chắn của dự án sẽ đảm bảo 100%. |
Tại Việt Nam, hiện chưa chính thức sử dụng khái niệm thuật ngữ “kinh tế tuần hoàn”, tuy nhiên các khai niệm như: Sản xuất và tiêu dùng bền vững; chuỗi cung ứng xanh; tiêu dùng xanh… đã được sử dụng. Thực tiễn cho thấy, kinh tế tuần hoàn là cách tốt nhất để phá vỡ mối liên hệ lâu nay giữa tăng trưởng kinh tế và các ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký phê duyệt tại Quyết định 972/QĐ-TTg về "Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, giai đoạn 2020-2025". Theo kế hoạch, sẽ xây dựng thành công ít nhất 500 có sở chăn nuôi lợn và 50 chuỗi sản xuất lợn, sản phẩm thịt lợn an toàn bệnh dịch tả lợn châu Phi, đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu lợn, sản phẩm thịt lợn. Đồng thời, có 100% cơ sở chăn nuôi trang trại qui mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại qui mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi trang trại qui mô nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi heo an toàn sinh học.
Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học của Tập đoàn Quế Lâm sẽ là một ví dụ điển hình để các hộ chăn nuôi và cả nhà quản lý, nhà nghiên cứu đến thăm quan và học hỏi, thay đổi nhận thực trong quản lý kinh doanh nông nghiệp.
Trại lợn của Tập đoàn Quế Lâm được áp dụng tự động hóa trong khâu chăn nuôi, chuồng hở thuận theo tự nhiên có cải tiến; đông ấm, hè mát |
Mỗi năm Việt Nam có thể sản xuất ra 50 triệu tấn rơm, hàng trăm triệu tấn phế phụ phẩm từ chăn nuôi và hàng trăm phế phụ phẩm từ các sản phẩm khác. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp va Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, những thứ này, trong nền kinh tế tuần hoàn sẽ biến thành những sản phẩm có ích trong một chu trình canh tác mới. Đây là cơ sở cho một nền nông nghiệp mà ở đó không thứ gì bỏ đi, không ai bị bỏ rơi. "Từ quy mô hộ nhỏ lẻ, HTX, DN nhỏ, tất cả đều có vai trò, giá trị của mình trong một cơ cấu kinh tế tuần hoàn. Đảm bảo yếu tố môi trường xanh nhất, đảm bảo yếu tố kinh tế cao nhất, đảm bảo giá trị nhân văn, tất cả những người tham gia chuỗi đều có thu nhập tương thích với công sức mình bỏ ra. Đây là một mô hình phát triển bền vững trong nông nghiệp tới đây của chúng ta", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Rác thải, ô nhiễm môi trường, lãng phí nguồn tài nguyên và nguyên liệu cạn kiệt đang là thách thức với nhiều nền kinh tế. TS. Nguyễn Hoàng Nam - Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường - nhận định: Mô hình kinh tế tuần hoàn được đánh giá sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho thế giới 4,5 nghìn tỷ USD tới năm 2030, riêng tại châu Âu, lợi ích kinh tế khoảng 600 tỷ USD/năm, tạo ra 580.000 việc làm, giảm phát thải khí nhà kính. |