Hoạt động khai thác khoáng sản cần được kiểm soát chặt chẽ |
Thất thu ngân sách
“Báo cáo về mức độ tuân thủ các quy định pháp luật về minh bạch trong lĩnh vực khoáng sản” vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, chi phí không chính thức của các DN khoáng sản luôn cao hơn từ 2% trở lên so với các DN khác ngành. Kết quả kinh doanh của DN khai thác khoáng sản có xu hướng xấu đi theo thời gian, tỷ lệ DN có lãi giảm xuống. Tuy nhiên, khi được hỏi về dự định kinh doanh trong 2 năm tiếp theo, các DN khoáng sản tham gia khảo sát đều cho rằng, họ có dự định mở rộng sản xuất cao hơn các DN khác.
Ông Đậu Anh Tuấn - Đại diện VCCI - thẳng thắn cho rằng, hoạt động quản lý thu, nguồn thu từ lĩnh vực khoáng sản thường được đánh giá là chưa tương xứng với quy mô khai thác. Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, số thu thuế tài nguyên ngoài dầu khí, trong giai đoạn 2011-2013 chỉ đạt 0,9-1,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Nhiều địa phương có tới 200 giấy phép khai thác khoáng sản nhưng số thu từ thuế tài nguyên không đạt 4 tỷ đồng. Số thu này thậm chí không đủ chi phí quản lý nhà nước đối với hoạt động khai khoáng tại địa phương.
Ông Lê Ái Thụ - Chủ tịch Hội địa chất kinh tế Việt Nam - chia sẻ, thu ngân sách hiện nay không đúng với thực tế so với mức độ các DN khai thác, làm thiệt hại nguồn tài nguyên. Đối chứng với thực tế DN khai thác hiện nay, chúng ta đang “ăn đầu ngọn” mà không nghĩ đến vấn đề thiệt hại, thất thu về lâu dài. Thực tế này đỏi hỏi Việt Nam cần phải có sự đồng bộ giữa pháp luật khoáng sản và các pháp luật có liên quan.
Khoảng cách từ chính sách đến thực tiễn
Theo các chuyên gia, Luật Khoáng sản đã được ban hành từ năm 2010 với nhiều quy định nhằm tăng cường tính minh bạch nhưng thực tế triển khai vẫn chưa được như kỳ vọng. Liên quan đến cấp phép, luật quy định thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng lại không quy định rõ các tiêu chí lựa chọn DN qua đấu giá, khiến việc lựa chọn nhiều khi không đạt được mục tiêu là DN có đủ năng lực thực hiện. Ngoài ra, quy định hiện nay cũng không yêu cầu công khai quá trình cấp phép nên mức độ minh bạch trong quá trình cấp phép rất hạn chế và thiếu tính cạnh tranh. Nhiều DN phải trả nhiều chi phí không chính thức để có được giấy phép khai thác. Ngay cả khi các quy định đấu giá được kỳ vọng sẽ được áp dụng đại trà để giảm thiểu cơ chế “xin - cho”, nhưng cho tới nay, số trường hợp thực hiện đấu giá vẫn là con số khá khiêm tốn. Ở cấp địa phương, đến tháng 6/2016, có 7/52 tỉnh có kế hoạch triển khai đấu giá với gần 70 điểm và mỏ với tổng giá trị khoảng 39 tỷ đồng. Ở cấp Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường duyệt kế hoạch đấu giá nhưng chưa triển khai được.
Để đảm bảo hệ thống thu - chi tài chính minh bạch và bền vững trong lĩnh vực khoáng sản, ông Nguyễn Tiến Chỉnh - Hội Khoa học công nghệ mỏ Việt Nam - kiến nghị, cần hoàn thiện chính sách tài chính (thuế, phí) theo hướng ưu tiên khai thác tận thu tối đa tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường; xem xét không thu chi phí cấp quyền khai thác mỏ mà gộp vào thuế tài nguyên với mức thuế suất phù hợp theo cơ chế thị trường và giá trị mỏ…