Chiến sự Nga-Ukraine 9/11: Tổng thư ký NATO tuyên bố “nóng” về tình hình ở Ukraine |
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, hành vi của các thành viên NATO ngày càng “hung hăng”, từ những hành động quy mô nhỏ ban đầu, đến nay đã trở thành những hành động nghiêm trọng khi cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine ngày càng lớn, bao gồm nhiều loại vũ khí hạng nặng để tăng cường năng lực quân sự của Ukraine.
Các nguồn tin ngày 7/1 tiết lộ, Cơ quan tình báo của Anh - MI6 đã thu được thông tin về các cuộc thảo luận ở Điện Kremlin, tập trung vào việc Nga đang lên kế hoạch tiêu diệt các vệ tinh phương Tây hỗ trợ thông tin cho Ukraine. Trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự giữa Nga và NATO, theo dự đoán của phương Tây, Nga trước tiên sẽ tiêu diệt toàn bộ lực lượng tác chiến vũ trụ của phương Tây.
Thông tin này không phải là không có căn cứ, Russia Today ngày 9/1 dẫn lời Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev tuyên bố rằng, cuộc xung đột Nga-Ukraine là do Mỹ lên kế hoạch và dàn dựng, với mục đích kích động quan hệ Nga-Ukraine và gây chia rẽ, đối đầu. Xung đột Nga-Ukraine thực chất là xung đột giữa Nga và NATO, nhưng để tránh đối đầu trực tiếp với Nga, NATO đang đẩy người Ukraine “xuống hố”.
Hệ thống vệ tinh Starlink đang là mục tiêu hàng đầu của Nga. |
Tuyên bố của ông Patrushev cho thấy, Nga có thể đã có những phương án chuẩn bị đối phó trong trường hợp Ukraine thất thủ và NATO chính thức “nhập cuộc”.
Trên thực tế, nếu không có Mỹ và NATO đứng sau, thì cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ không kéo dài cho đến nay. Một công cụ hỗ trợ quan trọng của NATO đó chính là vệ tinh, nhờ dùng chung vệ tinh với NATO, Ukraine đã có thể xác định chính xác vị trí cụ thể của Quân đội và tên lửa Nga
Với các loại vũ khí có độ chính xác cao, cộng với việc sử dụng vệ tinh “thiên nhãn” ở khắp mọi nơi tại các nước phương Tây, đã mang đến không ít khó khăn cho Quân đội Nga trên chiến trường Ukraine.
Các vệ tinh của NATO hiện nay đã lọt vào “tầm ngắm” của Nga. Trong Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã thiết lập một hệ thống chống vệ tinh khổng lồ bao gồm tên lửa chống vệ tinh. Mặc dù hệ thống này cũng bị ảnh hưởng sau khi Liên Xô tan rã, nhưng với tư cách là quốc gia kế thừa lớn nhất, Nga vẫn cố gắng duy trì năng lực chống vệ tinh.
Tổng thống Putin đã từng đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc với phương Tây rằng, các vệ tinh thương mại của Mỹ sẽ là mục tiêu của Nga nếu họ tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Người đứng đầu Cục kiểm soát vũ khí Nga Yerkov nói rằng, bước tiếp theo của Nga sẽ là xác định chính xác các vệ tinh không gian hỗ trợ cuộc xung đột Nga-Ukraine, đây là “mục tiêu có thể tấn công”.
Nga phóng tên lửa Soyuz-2.1v lên quỹ đạo mang theo vệ tinh Kosmos-2558. |
Konstantin Vorontsov, Phó Giám đốc Cơ quan kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nói trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc rằng, nếu quân đội Ukraine tiếp tục sử dụng các vệ tinh dân sự để hỗ trợ các hoạt động quân sự, Nga sẽ bắn hạ các vệ tinh này, nhất là vệ tinh Starlink và các vệ tinh viễn thám.
Nga đang sở hữu một loại vũ khí đầy uy lực để đối phó với vệ tinh của đối phương: Hệ thống tên lửa A-235 Nudol. Đây là hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và vệ tinh của Nga. Được phát triển từ thời Liên Xô, hệ thống này được thiết kế để bảo vệ Moscow và các vùng công nghiệp quan trọng trước một cuộc tấn công của ICBM đối phương.
Đặc biệt, nhiều thông tin cho rằng, Nga có thể đã phóng một vệ tinh “giám sát viên” với khả năng thực hiện các nhiệm vụ theo dõi và bắn hạ vệ tinh do thám của Mỹ. Hôm 1/8/2022, Nga đã phóng vệ tinh Kosmos-2558 từ Sân bay vũ trụ Plesetsk. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Kosmos-2558 là vệ tinh quân sự, sau đó được triển khai vào Quỹ đạo đồng bộ Mặt trời (SSO).
Hiện tại vẫn chưa rõ sứ mệnh chính xác của vệ tinh này, nhưng nó được mô tả như một vệ tinh “giám sát”, một thuật ngữ thường liên quan tới cái gọi là “vệ tinh sát thủ”.