Khách hàng có xu hướng chọn thiết bị điều hòa tiết kiệm điện năng Sử dụng máy sưởi hay điều hòa nóng tiết kiệm điện hơn vào mùa đông Nên dùng điều hòa hay máy hút ẩm trong mùa nồm? |
Bên cạnh việc mang lại luồng không khí mát hơn cho căn phòng thì đây cũng là một trong những thiết bị ngốn chi phí tiền điện nhiều nhất trong các gia đình. Nhiều người nói rằng để mua một chiếc điều hòa không khó nhưng cái khó là có chịu nổi hóa đơn tiền điện bỗng chốc tăng vọt vào cuối tháng hay không? Vì thế cách dùng điều hòa như thế nào để vừa mát, vừa tiết kiệm điện, tiết kiệm tài chính được nhiều người quan tâm.
Sử dụng điều hòa như thế nào để tiết kiệm điện nhất. Ảnh minh họa |
Chọn công suất điều hòa phù hợp
Để lựa chọn điều hòa phù hợp với diện tích phòng, cần tính toán kỹ lưỡng về công suất để đảm bảo máy có thể làm mát đủ hiệu quả mà vẫn tiết kiệm điện năng. Sử dụng điều hòa có công suất phù hợp sẽ giúp tránh lãng phí năng lượng và đảm bảo môi trường trong phòng luôn mát mẻ.
Cách tính công suất điều hòa phù hợp với diện tích phòng như sau:
1m2 x 600 BTU (trong đó, BTU là đơn vị nhiệt của Anh)
Ví dụ, phòng 15m2: 15m2 x 600 BTU = 9.000 BTU tương đương chiếc máy lạnh công suất 1 HP (1 HP = 1 ngựa tương đương 9.000 BTU).
Một số diện tích thông dụng:
+ Phòng 15m2 trở xuống (dưới 45m3): 1 HP (ngựa)
+ Phòng 15m2 đến 20m2 (dưới 60m3): 1.5 HP (ngựa)
+ Phòng trên 20m2 đến 30m2 (dưới 80m3): 2 HP (ngựa)
+ Phòng trên 30m2 tới 40m2 (dưới 120m3): 2.5 HP (ngựa)
Không bật tắt điều hòa liên tục và nhớ ngắt aptomat
Thói quen bật tắt điều hòa liên tục không chỉ phải trả chi phí tiền điện nhiều hơn, mà còn khiến cho thiết bị nhanh chóng xuống cấp bởi mỗi khi bật để máy lạnh khởi động thì thiết bị sẽ cần rất nhiều điện để khởi chạy máy nén và quạt.
Các dòng máy điều hòa hiện nay đều được trang bị hệ thống cảm biến nhiệt độ, tức là khi nhiệt độ trong căn phòng bằng với nhiệt độ mà ta cài đặt trên remote thì thiết bị sẽ tự động ngừng hoạt động để tiết kiệm điện mà không cần chúng ta can thiệp vào.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyên chúng ta nên tắt điều hòa trước khi ra ngoài khoảng 30 phút, việc làm này không chỉ giúp căn phòng tăng nhiệt độ từ từ mà còn hạn chế tình trạng sốc nhiệt khi chúng ta đột ngột rời khỏi nhà.
Sau khi dùng điều khiển từ xa để tắt máy, hãy ngắt luôn Aptomat (công tắc nguồn điện vào máy) vì thực tế, khi tắt bằng điều khiển, máy vẫn tiêu thụ điện và sẽ hoạt động cầm chừng, tiêu tốn khoảng 15W, tùy thuộc vào từng dòng sản phẩm. Vậy nên nếu muốn tiết kiệm tối đa chi phí tiền điện thì nên chú ý đến chi tiết này.
Không sử dụng điều hòa 24/24
Không nên bật điều hòa 24/24, kể cả vào những nắng nóng vì khi ở trong môi trường điều hòa lâu sẽ khiến cơ thể dễ mất nước, khô da, khô tuyến hô hấp… Thêm nữa, việc bật máy lạnh cả ngày sẽ khiến hóa đơn tiền điện tăng lên đáng kể, chi tiết máy bên trong cũng bị hao mòn, làm giảm tuổi thọ sản phẩm.
Hãy bật điều hòa ở những thời điểm cần thiết như khi ngủ trưa hoặc vào ban đêm, những thời điểm còn lại trong ngày chúng ta có thể lựa chọn những chiếc quạt để tiết kiệm chi phí tiền điện hàng tháng mà còn giúp phòng lưu thông được không khí.
Sử dụng tính năng hẹn giờ bật/tắt thông minh
Trên hầu hết các thiết bị điều hòa hiện nay đều được trang bị tính năng hẹn giờ bật/tắt, tuy nhiên lại có rất ít người dùng chú ý và sử dụng tính năng cực kỳ đáng giá này. Thông thường vào vào ban đêm hoặc lúc con người ngủ nhiệt độ cơ thể sẽ hạ xuống thấp hơn, do đó để tránh bị cảm lạnh hoặc khiến giấc ngủ không được trọn vẹn, chúng ta nên sử dụng tính năng hẹn giờ bật/tắt và cài đặt thời gian theo ý muốn.
Việc cho thiết bị tự động tắt trong một khoảng thời gian nhất định không chỉ tốt cho giấc ngủ mà còn giúp giảm đi đáng kể lượng điện năng tiêu thụ trong suốt một tháng.
Đặt nhiệt độ điều hòa một cách hợp lý
Nhiều người hay mắc phải sai lầm điều chỉnh nhiệt độ điều hòa xuống mức thấp nhất để làm lạnh nhanh chóng. Nhưng điều này sẽ làm cho máy chạy hết công suất ngay lập tức khiến máy nhanh hỏng, hao tốn điện năng. Nên mở nhiệt độ cao rồi sau đó mới hạ thấp xuống từ từ.
Nhiệt độ trong nhà tốt nhất nên duy trì ở mức 24 đến 28 độ C, đây là nhiệt độ thích hợp để điều hòa hoạt động ổn định, không chênh lệch nhiều so với nhiệt độ ngoài trời.
Lưu ý rằng, nhiệt độ càng thấp thì sẽ càng tiêu tốn điện năng nhiều hơn.
Chọn hướng gió
Cánh gió bên trong máy lạnh có chức năng điều chỉnh và lan tỏa hơi lạnh đều khắp căn phòng, tuy nhiên vào những ngày thời tiết nóng bức và muốn làm mát thật nhanh thì có thể sử dụng remote để điều chỉnh cánh gió quạt thẳng đến vị trí mà mình mong muốn, như vậy sẽ có cảm giác mát hơn mà không cần để nhiệt độ quá thấp.
Hạn chế làm cho nhiệt độ trong phòng tăng lên
Thông thường đối với những không gian lắp đặt máy lạnh thì yêu cầu đầu tiên đó chính là không gian phải thật sự kín, điều này không chỉ giúp cho thiết bị hoạt động hiệu quả hơn, làm mát nhanh hơn mà không phải tốn quá nhiều thời gian.
Ngoài ra, đối với các phòng sử dụng kính thì chúng ta nên sử dụng thêm một lớp rèm che nắng, điều này sẽ giúp hạn chế tối đa việc hấp thụ nhiệt vào căn phòng thông qua những lớp kính.
Vệ sinh điều hòa thường xuyên
Đây cũng là cách sử dụng điều hòa tiết kiệm điện mà người dùng cần biết. Vì điều hòa sau khi dùng một thời gian, tầm khoảng 3 - 4 tháng sẽ bị tích bụi trên bề mặt dàn nóng và dàn lạnh, khiến máy làm lạnh chậm và giảm tuổi thọ.
Do đó, cần phải vệ sinh toàn bộ cánh quạt dàn nóng, dàn lạnh, bộ lọc khí… để máy hoạt động được tốt hơn. Hoặc có thể gọi thợ sửa chữa đến bảo dưỡng sau khi sử dụng điều hòa liên tục trong thời gian dài.
Sử dụng điều hòa inverter để tiết kiệm điện
Điều hòa sử dụng công nghệ Inverter hay còn gọi là công nghệ biến tần có khả năng tiết kiệm điện năng tiêu thụ và giúp máy hoạt động ổn định. Khi bật điều hòa, máy nén sẽ khởi động từ từ, sau đó mới tăng tốc đến toàn tải nên tiêu tốn ít điện năng. Đến khi nhiệt độ phòng đạt yêu cầu, máy nén sẽ hoạt động chậm lại để duy trì nhiệt độ ổn định và tránh lãng phí điện năng.
Do vậy, để sử dụng điều hoà tiết kiệm điện thì lựa chọn điều hòa Inverter sẽ giúp tiết kiệm chi phí vận hành về sau.