Cụ thể, ông Hà Tuấn Anh cho biết, nạn nhân bị lừa mất hàng trăm triệu trong vụ này là một bạn trẻ tên Trương Hoàng Ngọc Đức, ngụ tại TP. Hồ Chí Minh. Trong quá trình đi tìm việc trên mạng, Đức có được một đối tượng với tài khoản Telegram mang tên Trần Đức Trung giới thiệu đang làm tại Vinalink. Trần Đức Trung cho biết, hiện Vinalink và Vietlott đang có chương trình hợp tác chạy doanh thu và mời Ngọc Đức làm cộng tác viên, giới thiệu nạp tiền vào app (ứng dụng) để chạy doanh thu cho Vietlott. Sau khi nạp tiền đủ 30% cho bên A thì cộng tác viên sẽ được rút toàn bộ số tiền như trong “cam kết rút tiền từ Vietlott” giữa hai bên.
Các đối tượng đã lấy toàn bộ thông tin và làm giả con dấu của Vinalink trong 'thỏa thuận cam kết rút tiền từ Vietlott |
Để tăng sự tin tưởng cho “con mồi”, các đối tượng còn làm giả con dấu và các thông tin trong biên bản thỏa thuận rất tinh vi. Cụ thể, trong “Giấy cam kết” về việc thỏa thuận cam kết rút tiền từ Vietlott, các đối tượng đã lấy đầy đủ thông tin từ mã số thuế, người đại diện pháp luật, ngày hoạt động và giấy phép kinh doanh của Vinalink (những thông tin này có thể tìm dễ dàng trên mạng).
Trong thỏa thuận này có điều khoản: bên A cam kết hỗ trợ bên B có tài khoản Vietlott là “0908845789” rút toàn bộ số tiền trong ví về tài khoản ngân hàng cá nhân với số tiền là 871.160.000đ (tám trăm bảy mốt triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng) sau khi bên B tiến hành chuyển khoản thành công 30% của 60% lợi nhuận chạy doanh thu cho bên A với số tiền là 127.360.000đ (một trăm hai mươi bảy triệu ba trăm sáu mươi nghìn đồng). Bên lừa đảo cũng cung cấp số tài khoản trung gian để bên A chuyển khoản tiền.
Nạn nhân trong vụ việc cho biết, khi tìm hiểu trên mạng thông tin về Vinalink thì các thông tin đều khớp như trong “biên bản thỏa thuận” nên đã nảy sinh sự tin tưởng. Khi tiến hành chuyển khoản xong 100 triệu đồng “đặt cọc” thì không liên lạc được với bên A nữa.
Ông Hà Tuấn Anh - Giám đốc Vinalink cảnh báo, đây là hình thức lừa đảo mới, hết sức tinh vi vì các đối tượng đã mạo danh cả con dấu và mạo danh tên doanh nghiệp uy tín lâu năm như Vinalink và Vietlott để lừa đảo, đồng thời liên lạc hoàn toàn qua mạng Telegram. Hình thức này quá mới nên ông Hà Tuấn Anh cho biết, hiện Vinalink đã phát đi cảnh báo về hiện tượng này và cũng thông báo cho phía Vietlott phối hợp xử lý.
Thời gian gần đây, công an cũng đã phát đi cảnh báo người dân về tình trạng lừa đảo xảy ra với thủ đoạn tuyển cộng tác viên mua hàng Shopee, Lazada, Tiki… Theo đó, tội phạm mạng lập các tài khoản mạng xã hội ảo đăng bài, chạy quảng cáo với nội dung “tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki…". Với mỗi lần mua hàng, người mua được hoàn tiền, cộng thêm hoa hồng từ 10 - 20% giá trị đơn hàng. Người mua tin tưởng làm theo sẽ được hướng dẫn vào đường link sản phẩm thật trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Shopee, Lazada.
Sau khi người mua tạo đơn và thanh toán, tội phạm mạng hoàn tiền kèm hoa hồng. Tiếp đó, người mua đặt đơn hàng lớn hơn, số tiền thanh toán nhiều hơn, đối tượng lừa đảo đưa ra nhiều lý do như sai cú pháp soạn tin, lỗi hệ thống, để dụ nạn nhân chuyển khoản thêm tiền, đồng thời dọa nếu không thực hiện theo sẽ bị mất toàn bộ tiền. Hàng trăm nạn nhân trên cả nước đã bị vướng vào chiêu trò lừa đảo này với số tiền lên tới vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi người.