Ngày càng nhiều máy tính sử dụng phần mềm bất hợp pháp được bán ở Việt Nam
CôngThương - Gần đây, hàng loạt hành động chống lại các công ty bán lẻ đang bị cáo buộc về việc cài đặt các phiên bản phần mềm lậu vào máy tính mới đã được công bố. Các dòng máy tính của Acer, Lenovo, Dell và Compaq nằm trong số những dòng máy được nhập về Việt Nam “trống” (không cài sẵn các phần mềm), sau đó được các nhà bán lẻ máy tính tải vào các phần mềm lậu.
Ông Trương Quang Hoài Nam Cục trưởng Cục Quản lý thị trường: "Phần mềm sao chép lậu “Made in Vietnam” là một vấn đề nghiêm trọng cho tình trạng chung của nền kinh tế và ngành công nghiệp phần mềm nói riêng. Ngành công nghiệp phần mềm trong nước cần được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ như một phương tiện thúc đẩy sự phát triển và đổi mới”. |
Tại TP.Hồ Chí Minh, mới đây, tòa án tối cao đã chấp nhận một vụ kiện chống lại Công ty bán lẻ máy tính Sáng Tạo ở quận 1 đối với việc vi phạm bản quyền. Công ty này bị cáo buộc đã tải phần mềm lậu vào một máy tính xách tay Compaq mới được mua tại cửa hàng máy tính của họ trên đường Bùi Thị Xuân, dù đã nhận được thư cảnh báo thường xuyên rằng, việc bán ra phần mềm lậu sẽ được xem là hành động vi phạm pháp luật. Tòa án yêu cầu phải giải quyết vụ kiện trong vòng 4 tháng. Nếu không đàm phán thành công, tòa án sẽ bắt đầu phiên xử với bên cáo buộc Công ty Sáng Tạo và thiệt hại có thể bao gồm trách nhiệm pháp lý đối với các tổn thất của Microsoft cũng như các chi phí khác.
Tương tự, một số các nhà bán lẻ máy tính cũng đã bị điều tra và đang đối mặt với các khiếu nại luật pháp do kết quả của việc tải phần mềm lậu vào máy tính mới. Đơn cử, Cục Quản lý thị trường đã phạt nhân viên ở 3 cửa hàng Viettel (2 cửa hàng ở TP.Hồ Chí Minh và 1 ở Hà Nội) về hành vi tải phần mềm lậu cho dòng máy Lenovo và Acer mới; kiểm tra 3 cửa hàng PICO và phát hiện các nhân viên ở đây tải phần mềm lậu cho máy tính Lenovo, Acer và Dell.
Hiện nay, tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm của máy tính Việt Nam lên đến 83%. Tỷ lệ trung bình ở châu Á – Thái Bình Dương là 60%. Một số công ty Việt Nam trong liên minh phần mềm doanh nghiệp (BSA) đang phải đối mặt với thách thức hàng ngày về các sản phẩm phần mềm vi phạm bản quyền ở cả mảng doanh nghiệp và bán lẻ.
Đã có sự cảnh báo về việc có sự thay đổi trong quy định của Mỹ với mục đích nhằm loại bỏ các công ty đang sử dụng phần mềm vi phạm bản quyền khỏi các nguồn cung ứng cho các nhà nhập khẩu nước này. Điều Luật Cạnh tranh không lành mạnh nói trên sẽ bảo vệ bản quyền, bao gồm cả những phần mềm sở hữu bởi những nhà phát triển phần mềm Việt Nam.
Ông Đào Anh Tuấn - Đại diện của BSA tại Việt Nam - cho biết: “Làm kinh doanh, ai cũng phải đầu tư, tính toán nên các DN hãy luôn tôn trọng công sức lao động của nhau. Bằng việc tuân thủ các quy định của pháp luật, các DN kinh doanh máy tính sẽ tránh được mọi rủi ro về pháp lý, là cái có thể làm tổn hại DN cả về vật chất lẫn tinh thần”.