Đấu tranh đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị và biểu hiện tự diễn biến trong ngành Công Thương Ngành Công Thương chủ động đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng |
Nhận diện những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch đối với ngành Công Thương
Thứ nhất, các phần tử cơ hội, bất mãn, bị mua chuộc, tổ chức phản động dựa vào thông tin không rõ ràng, sai sự thật, tiếp cận nguồn thông tin trên internet, trang mạng xã hội, các kênh thông tin phản động từ nước ngoài… về đời tư của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của lãnh đạo ngành Công Thương để phát ngôn sai trái, xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ đời tư của lãnh đạo, nhằm hạ bệ uy tín của các lãnh đạo, gây mất niềm tin của nhân dân vào đội ngũ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của ngành Công Thương. Đây là hoạt động, thủ đoạn phá loại uy tín của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng, tổ chức nhà nước từ bên trong, bắt nguồn từ phá hoại niềm tin của nhân dân với cán bộ, đảng viên. Hoạt động chống phá này hết sức xấu xa, thâm độc và nguy hiểm.
Ảnh minh họa: dangcongsan.vn |
Hoạt động bịa đặt thông tin, bôi nhọ đời tư lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của lãnh đạo ngành công thương diễn ra hết sức đa dạng, hình thức tinh vi, phức tạp. Nội dung bịa đặt chủ yếu về đời tư, thành phần xuất thân, gia đình, con cháu ai, ai nâng đỡ, hay là phe cánh của nhân vật nào…vv… Từ những tiểu sử, lai lịch cá nhân đến mối quan hệ, bà con, họ hàng thân thuộc, làng xóm, đến những quan hệ của cán bộ hoặc những hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo của cá nhân của lãnh đạo cũng được chúng đưa ra bình phẩm, chế nhạo,…
Các hành vi này thường diễn ra mạnh mẽ, rầm rộ vào các dịp lễ lớn, sự kiện chính trị của đất nước, của ngành, hay có những thông tin của cá nhân đó về bổ nhiệm, thăng chức, bị kỷ luật,… Các hành vi này, chúng ta chỉ cần gõ vào google, mạng xã hội, sẽ cho thấy hàng triệu kết quả và hàng trăm trang mạng có hành vi và nội dung xuyên tạc, bịa đặt thông tin về cá nhân lãnh đạo của các cấp, các ngành, nhất là cán bộ cấp cao.
Mục đích của các thế lực, thù địch phản động bịa đặt thông tin, xuyên tạc sự thật, phản động là để làm mất uy tín của cá nhân lãnh đạo, dần mất niềm tin của quần chúng nhân dân đối với cá nhân lãnh đạo. Từ chỗ mất niềm tin với lãnh đạo dẫn đến mất niềm tin với tổ chức, Đảng, Nhà nước. Đây là âm mưu sâu xa hòng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, cuối cùng là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, tổ chức đảng, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Thứ hai, các thế lực thù địch, phản động đã xuyên tạc, bịa đặt, phản động đối với công tác phòng chống tham nhũng của Đảng nói chung, của Bộ Công Thương và toàn ngành Công Thương nói riêng. Các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vào thông tin của một số cán bộ trong ngành Công Thương bị kỷ luật, xét xử do sai phạm cụ thể trong thời gian gần đây để đưa ra những phát ngôn sai trái, xuyên tạc, bôi nhọ uy tín cán bộ ngành Công Thương.
Đơn cử qua một số cá nhân bị khởi tố, xét xử từng là lãnh đạo trong ngành Công Thương, chúng cho rằng, hoạt động phòng, chống tham nhũng của Đảng, của ngành Công Thương là quá trình “thanh trừng nội bộ”, các phe cánh của "ông này, bà nọ" đánh nhau; hoặc bị đem ra xét xử, kỷ luật là do không chịu “chi” mạnh, không “chạy đúng cửa” (!).
Mục đích của chúng cũng là để gây mất đoàn kết nội bộ, bôi nhọ, hạ bệ uy tín của Đảng ta, của tổ chức đảng, và Bộ Công Thương, làm cho quần chúng nhân dân mất niềm tin vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và của ngành Công Thương. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng ta phát động, lãnh đạo, thực hiện kiên trì, kiên quyết và đã đạt được những thành công lớn.
Thứ ba, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng một số vụ việc sai phạm của ngành Công Thương để đưa ra luận điệu xuyên tạc, tuyên truyền sai sự thật về công tác quản lý nhà nước của ngành Công Thương, nhằm hạ thấp uy tín, mất niềm tin của nhân dân với Đảng, Bộ Công Thương, tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức của Bộ Công thương. Chúng dựa vào các thông tin mà các cơ quan báo chí, tuyền hình đã đưa tin làm dẫn chứng, từ đó phát ngôn, bình phẩm, cố ý bóp méo thông tin để vì mục đích câu view, câu like, thu hút sự chú ý của những người hiếu kỳ, tò mò, thậm chí là muốn nghe những phi vụ scandal. Khi có nhiều lượt like, lượt share, lượt comments, chúng bắt đầu lồng ghép những thông tin sai sự thật về các vụ việc sai phạm trong công tác quản lý nhà nước để hòng làm gia tăng bức xúc của nhân dân với Nhà nước, với chế độ, vai trò lãnh đạo của Đảng, làm mất uy tín của cán bộ, công chức nói chung và ngành Công Thương nói riêng.
Thứ tư, các thế lực, thù địch, phản động lợi dụng một số hạn chế, thiếu sót trong thực hiện chính sách, pháp luật trên lĩnh vực quản lý nhà nước của ngành công thương để kích động, nói xấu, xuyên tạc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với ngành công thương. Hình thức này, chúng thường dựa vào những các nội dung chính sách, pháp luật của Nhà nước, của ngành đã ban hành, có mâu thuẫn, bất cập trong tổ chức thực hiện do cơ quan báo chí, truyền hình đã đưa tin, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều hoặc thậm chí chúng còn bịa đặt, thêm thắt một số nội dung sai lệch về chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chúng lập ra một số hội, nhóm mang danh tổ chức xã hội dân sự như: “Hội trí thức” “nhóm phản biện độc lập”, “tiếng nói của những người vì dân”… Tập hợp những đối tượng tham gia chống phá, bịa đặt thông tin, viết bài, phát ngôn trên các trang mạng, nội dung họ đưa ra có vẻ lô-gic, hợp lý, có căn cứ, nhưng thực chất là giả nhân, giả nghĩa, giả dạng, “trí thức dỏm” đã bị mua chuộc, sẵn sàng viết, nói vì tư lợi cá nhân.
Thứ năm, các thế lực, thù địch, phản động lợi dụng một bộ phận nhân dân, tiểu thương thiếu hiểu biết do có sai phạm trong làm ăn, sinh sống bị xử lý, xử phạt theo quy định của pháp luật, quy định của ngành để lôi kéo, kích động, nói xấu, bôi nhọ, chống đối chính quyền, chống đối hoạt động thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ trên các mặt trận quản lý nhà nước của ngành, nhất là các lĩnh vực, ngành nghề nhạy cảm, phức tạp. Hình thức này, mục đích của chúng là dựa vào tâm lý của một số người dân bị cơ quan nhà nước xử phạt, các đơn bị chức năng bắt do sai phạm trong kinh doanh, buôn bán hàng hóa sẽ có tâm lý bức xúc, bất mãn thì dễ dẫn đến “tát nước theo mưa”, “a dua”, “hùa”. Từ những nhóm người này sẽ tạo hiệu ứng đám đông, lan ra cộng đồng, gây mất trật tự xã hội, gây bất ổn định chính trị - xã hội.
Nhận diện rõ thủ đoạn để đấu tranh hiệu quả
Thủ đoạn của các thế lực thù dịch, phản động là hết sức tinh vi, thâm độc, nguy hiểm đối với chế độ nhà nước, chế độ chính trị của đất nước ta, gây mất uy tín, niềm tin, lý tưởng của nhân dân với Đảng, Nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức. Tập trung của các tổ chức, cá nhân hoạt động chống phá, bịa đặt thông tin, xuyên tạc, tuyên truyền sai sự thật tiêu biểu như đối tượng: Trương Quốc Huy lập ra kênh N10TV, BBC tiếng Việt, và đặc biệt các tài khoản cá nhân của những đối tượng phản động trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube, Facebook Messenger, TikTok, Instagram, Mocha, Google+, LINE, Flickr, Pinterest, Telegram, Mocha, Viber, Skype, Whatsapp…
Việt Nam hiện có hàng trăm loại mạng xã hội khác nhau. Hầu hết các mạng xã hội lớn tại Việt Nam đều là các mạng xã hội của các công ty nước ngoài, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào nước ta. Do đó, các tài khoản của các đối tượng thù địch chúng ta khó kiểm soát để kịp thời ngăn chặn. Thông tin, nội dung mà các thế lực thù địch, phản động bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ bệ uy tín, gây chia rẽ trong nội bộ trên các trang mạng xã hội, các kênh thông tin do chúng tự lập ra với các danh nghĩa khác nhau là hoàn toàn sai sự thật, có ý đồ xấu xa, nguy hiểm nhằm chống đối Đảng, Nhà nước và nỗ lực của các ngành, các cấp trong hoạt động quản lý nhà nước.
Một là, thủ đoạn chống phá bằng cách tung thông tin sai sự thật, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo ngành Công Thương không phải là chiêu trò mới, nhưng từ khi có internet, có mạng xã hội thì hoạt động này càng trở nên phức tạp, đa dạng hình thức, phạm vi tác động rộng, mức lan truyền nhanh. Trong khi đó, những thông tin, nội dung của các thế lực thù địch đưa ra là hoàn toàn bịa đặt, thiếu căn cứ, dẫn chứng và không đúng với hoàn cảnh, điều kiện, xuất thân, thông tin cá nhân của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của ngành.
Ở Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới, thông tin về cá nhân, cuộc sống gia đình của mỗi người dân cũng như của các lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia là vấn đề được pháp luật tuyệt đối tôn trọng và bảo vệ. Thế mà các thế lực thù địch vẫn moi móc, dựng chuyện về đời tư, thân thế của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều đồng chí cán bộ cấp cao để đưa lên trang mạng, mạng xã hội để phân tích, bình phẩm, tạo hiệu ứng để hút dư luận. Đối với những thông tin này, người tiếp nhận thông tin cần tĩnh táo, phân định và tiếp nhận một cách có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, không vội vàng tin theo những lời bịa đặt, xuyên tác như chúng đưa tin.
Hai là, công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng ta lãnh đạo, khởi xướng, toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Đây là chủ trương đúng đắn, quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; nâng cao uy tín của Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bộ Công Thương cũng không nằm ngoài công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành của bộ máy nhà nước đã cố tình xuyên tạc, bịa đặt, bóp méo bản chất vấn đề để thực hiện ý đồ phá hoại uy tín của Đảng, uy tín của cán bộ, làm mất niềm tin của nhân dân với Đảng, của ngành công thương, và cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước.
Các thế lực thù địch không biết, hoặc cố tình không biết về bản chất của tham nhũng là gì? Tham nhũng là căn bệnh cố hữu xuất hiện ở tất cả các chế độ nhà nước chứ không phải riêng ở chế độ ta, nhà nước ta. Trong điều kiện kinh tế thị trường chắc chắn sẽ xảy ra hiện tượng “rút túi” “ăn cắp” trong nền kinh tế. Đây là mặt trái của cơ chế thị trường mà nhà nước nào cũng cần phải điều chỉnh để ngày càng hoàn thiện hơn. Công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và của ngành công thương đã đạt được nhũng kết quả to lớn, góp phần làm trong sạch, vững mạnh của Đảng, của tổ chức bộ máy nhà nước, đội ngũ cán bộ, công chức.
Điều này đã được dư luận, nhân dân đánh giá cao, củng cố niềm tin với Đảng, Nhà nước. Chỉ số đấu tranh, phòng chống tham nhũng cũng được các tổ chức quốc tế tin cậy, đánh giá cao. Nhiều vụ tham nhũng không có vùng cấm được điều tra làm rõ, đưa ra xét xử. Tài sản tham nhũng thu hồi được hàng chục ngành tỷ đồng. Kết quả đó là đáng được ghi nhận, đánh giá cao của nỗ lực, quyết tâm của toàn Đảng, và hệ thống chính trị; chứ không hề giống như những gì các thế lực thù địch hay rêu rao.
Ba là, trong hoạt động quản lý nhà nước, việc xảy ra các sai phạm, khuyết điểm là không phải không có trong bộ máy nhà nước nói chung. Thực tiễn ở nhiều quốc gia phát triển, có thể chế, chính sách chặt chẽ, hoàn chỉnh thì việc sai phạm trong thực thi công vụ vẫn thường xảy ra. Điều đó cho thấy rằng, các vụ việc sai phạm của một số cán bộ, công chức trong lãnh đạo, điều hành, thực thi công vụ của ngành công thương gần đây… là những vấn đề cần được kiểm tra, thanh tra, điều ra để hạn chế những sai phạm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ kết luận, một số vụ việc đã và đang được điều tra, xét xử. Các hoạt động này là tất yếu của bất cứ một đảng, một nhà nước nào, chứ không riêng gì nhà nước ta.
Khi xảy ra sai phạm của các cá nhân trong quản lý nhà nước là do chính cá nhân thiếu hiểu biết, hoặc cố ý làm trái với quy định của pháp luật, không phù hợp với thực tiễn. Sai phạm của một số cá nhân không thể đánh đồng là sai phạm của tổ chức, của cả ngành. Không thể lấy uy tín của cá nhân đã mất uy tín để so sánh, đánh đồng uy tín của ngành, của cả đội ngũ. Điều này đã bị những kẻ “ngậm” đô la, bất mãn, ngoảnh mặt quay lưng, vong ơn, bội nghĩa với quê hương đất nước đánh tráo, làm lu mờ người xem, người nghe, nhưng chúng không thấy rằng những luận điệu giả dối ấy chỉ là trò mèo nực cười như trẻ con hè phố. Các luận điệu ấy chẳng khác nào như câu chuyện “thầy bói xem voi”.
Thứ tư, chính sách, pháp luật của Nhà nước là hướng đến công bằng, bình đẳng và bác ái đối với mọi thành viên trong xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng vào thực tế, khi tổ chức thực hiện tất yếu không tránh khỏi những bất cập và hạn chế. Điều này là hết sức bình thường trong chu trình xây dựng chính sách, pháp luật ở mọi nhà nước, mọi quốc gia. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta sớm phát hiện, sửa đổi, bổ sung nhằm phù hợp với đối tượng quản lý, thực tế cuộc sống.
Thế nhưng, các thế lực thù địch thường cố tình xuyên tạc, làm sai lệch bản chất của nội dung chính sách, pháp luật của Nhà nước, của ngành để phủ nhận bằng được vai trò của nhà nước, vai trò của cán bộ, công chức thừa hành, cổ súy cho các hành động sai trái, chống phá nhà nước. Cản trở quá trình hoạch định, thực thi, đánh giá chính sách của Nhà nước.
Ngoài ra, chúng lợi dụng những người bị xử lý theo quy định của pháp luật do có sai phạm trong kinh doanh, buôn bán để kích động họ chống đối, lên tiếng phản kích, làm cản trở quá trình thực thi chính sách, thi hành công vụ của cán bộ, công chức của ngành thừa hành.
Hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là hoàn toàn sai trái, không đúng bản chất của vấn đề dựa trên lập trường, quy định của pháp luật Việt Nam. Một khi không có lập trường đúng, không dựa trên căn cứ pháp lý cụ thể thì luận điệu của những kẻ gọi là giả danh trí thức, người yêu nước chỉ là điều bịp bợm, bị mua chuộc, giả nhân, giả nghĩa.
Quan điểm, giải pháp đấu tranh, bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch đối với ngành công thương
Hiện nay, trong kỷ nguyên thông tin, các thế lực thù địch không từ bất cứ thủ đoạn nào, triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội để tuyên truyền chống phá Việt Nam trên nhiều mặt trận, nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng lớn uy tín của Đảng, Nhà nước của ngành công thương và sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, chúng ta cần thức đúng bản chất, đầy đủ và toàn diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Theo đó, chúng ta cần có quan điểm, nhận thức đúng đắn:
Một là, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch vẫn còn diễn ra cùng với sự vận động, phát triển của đất nước.
Diễn biến hoạt động chống phá ngày càng đa dạng, phức tạp; tính chất tinh vi, khó lường; tốc độ diễn diễn ra nhanh, mức tác động lớn;
Hai là, công cuộc đấu tranh, phản bác với các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch diễn ra lâu dài, kiên trì, kiên quyết, khôn khéo, làm từng bước và phải có dự báo;
Ba là, hoạt động đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch không tách rời công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực, lấy hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội làm thước đo và minh chứng cho công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng;
Bốn là, vai trò của ngành công thương đóng vai trò quan trọng đối với giữ gìn hình ảnh, uy tín của Đảng, Nhà nước; hoạt động thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành có tác động lớn đến uy tín của đội ngũ bán bộ, công chức cả nước.
Do đó, ngành công thương cần lấy hiệu lực, hiệu quả trong thực thi công vụ là yếu tố quyết định đến sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Đảng, củng cố niềm tin giữa nhân dân với Đảng.
Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn bộ hệ thống chính trị. Mỗi cấp, mỗi ngành ý thức được sự nghiệp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là bảo vệ Đảng, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc. Để thực hiện đấu tranh, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, sai trái, phản động của các thế lực thù địch đối với ngành Công Thương, chúng ta cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng bộ Bộ, của cấp ủy các cấp, các cơ quan trực thuộc nhằm phát huy vai trò của các cấp ủy đảng trong đấu tranh phản bác lại các quan điểm, sai trái của các thế lực thù địch. Ban chỉ đạo 35 của các đơn vị nắm bắt kịp thời, phân loại, nhận diện bản chất các hành vi bị đặt, sai trái của các thế lực thù địch nhằm đưa ra biện pháp ngăn chặn, định hướng, thông tin chính thống, chính xác. Các cấp ủy đảng trong ngành cần dựa vào công tác nắm bắt dư luận, tình hình cán bộ, đảng viên, và cần có nguồn thông tin đa chiều để đưa ra quan điểm đúng đắn về từng vấn đề.
Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy đảng phát huy được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo về các vấn đề của cơ quan, đơn vị thì ở đó có sự trong sạch, vững mạnh của tổ chức, uy tín của đội ngũ cán bộ, công chức tăng cao. Mỗi chi bộ đảng cần có chương trình, kế hoạch cụ thể về nội dung, chia sẻ thông tin chính thống, đúng đắn về các vấn đề mà trên internet, mạng xã hội xuyên tạc, đưa tin. Vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng là nhân tố hàng đầu để thực hiện việc đấu tranh phản bác với những luận điệu xuyên tạc, sai trái, phản động của các thế lực thù địch.
Lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị cần nêu gương cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong ngành, tạo hiệu ứng, hình ảnh, uy tín tốt cho toàn ngành. “Thủ trưởng nào phong trào đó”, hay “thủ trưởng nào thì nhân viên đó”, nhà dột từ nóc trở xuống. Nếu cơ quan, đơn vị nào thủ trưởng nêu cao tinh thần nêu gương, thì uy tín, hiệu quả trong công tác điều hành, quản lý có hiệu quả và trôi chảy.
Đội ngũ cán bộ, công chức toàn ngành cần tập trung chỉ đạo, thực hiện khắc phục các tồn tại, khuyết điểm để nâng cao uy tín của toàn ngành. Các vụ việc chưa rõ thì tiếp tục tập trung làm rõ, kiên quyết minh bạch thông tin, kịp thời thông tin cho dư luận biết về các vụ việc có xảy ra sai phạm. Không thể để tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh” hay một cá nhân sai phạm làm cả ngành mang tiếng.
Bộ Công thương cần giao nhiệm vụ cho đơn vị chủ quản thuộc bộ chuyên trách (ví dụ Văn phòng Bộ) phụ trách, thực hiện, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động phát ngôn, đưa thông tin cho báo chí, truyền hình nhằm đảm bảo thông tin đưa ra chính xác, khách quan, kịp thời, không bị bóp méo. Các thông tin tốt, có lợi cho uy tín của ngành, của tổ chức đảng, các tấm gương điển hình của đội ngũ cán bộ, công chức của ngành cần được lan tỏa. Chúng ta cần tránh tình trạng đưa thông tin như hiện nay ở một số cơ quan truyền thông, báo chí; tin tốt, cá nhân điển hình thì bố trí ở vị trí khó xem, khó nhìn, hoặc thời lượng ngắn, ít người xem, trong khi tin giật gân, scandal lại được giật tít mạnh, gây chú ý người đọc… thông tin xấu thì lan truyền nhanh, thậm chí bị suy diễn, thêm bớt.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nền tảng tư tưởng của Đảng trong toàn ngành, làm sao để chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thấm sâu vào tư tưởng, nhận thức của cán bộ, công chức. Hình thức tuyên truyền, giáo dục lý luận, nền tảng tư tưởng của Đảng sao cho dễ đọc, dễ nhớ, dễ thực hiện. Do vậy, cần đổi mới hình thức tuyên truyền giáo dục như hiện nay, vận dụng nền tảng công vệ 4.0 vào nội dung này là rất tốt.
Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch không thể thiếu nghiệp vụ, khoa học - kỹ thuật. Do đó, Bộ Công Thương cần tăng cường các giải pháp bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức toàn ngành. Bộ cần phối hợp kịp thời, chặt chẽ, đồng bộ với Bộ Thông tin và Truyền hông, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương trong triển khai thực hiện việc đấu tranh, phản bác lại các thông tin xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, bôi nhọ, phản động của các thế lực thù địch./.