Sẵn sàng tốn chi phí để sản xuất sạch
3 năm trở lại đây, diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện Yên Châu đã tăng gấp 3 lần, đạt khoảng trên 7.000 héc-ta. Trong đó, xoài, nhãn, chuối, chanh leo… là những cây ăn quả chủ lực, được Yên Châu dồn nguồn lực tập trung phát triển thành sản phẩm hàng hóa với giá trị ngày một nâng cao.
Xoài Yên Châu theo quy trình VietGAP |
Thực hiện chương trình hỗ trợ, đẩy mạnh ghép cải tạo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, đến nay, Yên Châu cũng đã tiến hành xây dựng được các diện tích cây ăn quả theo quy trình VietGap cho hầu hết các HTX cây ăn quả trong huyện. Không chỉ tuân thủ đúng các yêu cầu của tiêu chuẩn VietGap; hiện các diện tích xoài của nhiều HTX ở Yên Châu đã được thực hiện bao trái 100%, có thể chủ động điều chỉnh màu sắc quả theo mong muốn khách hàng nước ngoài (xoài vỏ xanh bọc túi bao quả màu trắng, xoài màu vàng bọc túi bao quả màu nâu).
“Sản xuất theo quy trình VietGAP và áp dụng bao trái tốn thêm chi phí từ 1.500 - 2.000 đồng/quả xoài, nhưng giá bán cho các doanh nghiệp để xuất khẩu lại cao hơn khoảng 10.000 đồng/quả (dao động từ 22.000 - 25.000đ/kg, cao hơn sản xuất truyền thống 50 - 60%). Bên cạnh đó, năng suất xoài sản xuất theo quy trình mới cũng tăng thêm 30% sản lượng so với trước đây, với chất lượng, mẫu mã rất đồng đều…” – ông Hà Văn Sơn, Giám đốc HTX Chiềng Hặc khẳng định.
Đứng chân tại vùng trồng nhãn nức tiếng của Yên Châu, mấy năm trở lại đây, HTX Trồng trọt – Chăn nuôi Phương Nam (xã Lóong Phiêng) đã triển khai nhiều chương trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc an toàn, thực hiện “4 đúng”, tiến hành tỉa cành, tạo tán và mức độ thâm canh cao. Năm 2019, HTX Phương Nam đã đưa vào sử dụng thiết bị tách lọc phân tại các trang trại chăn nuôi cho các hộ thành viên trong HTX nhằm có nguồn phân chuồng ủ hoai mục để bón cho hàng trăm héc-ta nhãn của HTX…
Sản xuất an toàn - hướng đi bền vững
Được biết, không chỉ có HTX Chiềng Hặc, HTX Phương Nam…, với sự ra đời của hơn 30 HTX cây ăn quả, huyện Yên Châu đang tích cực đẩy mạnh liên kết trong sản xuất cây ăn quả an toàn, nhằm tạo cơ sở cho việc hợp tác với doanh nghiệp trong thu mua, tiêu thụ và xuất khẩu hoa quả.
Tới thăm và kiểm tra về tình hình phát triển cây ăn quả chủ lực ở một số địa bàn tại tỉnh Sơn La hồi đầu tháng 5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đi thực tế nhiều mô hình sản xuất cây ăn quả tại Yên Châu. Đánh giá mô hình chuyển đổi quy trình sản xuất tại HTX Chiềng Hặc và HTX Phương Nam chính là hướng đi phù hợp với định hướng tái cơ cấu của ngành nông nghiệp, nhất là trái cây theo hướng hàng hóa, tập trung, nâng cao giá trị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhắc nhở: Khi các mô hình được nhân rộng, bà con tham gia đông đảo thì càng phải hết sức lưu ý tuyên truyền, hướng dẫn để bà con tuân thủ những nguyên tắc trong canh tác cây ăn quả. Bởi lẽ, sản xuất an toàn chính là hướng phát triển bền vững mà ngành nông nghiệp phải chú trọng đặt lên hàng đầu.
Với riêng tỉnh Sơn La, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ đạo hệ thống khuyến nông cần xây dựng các mô hình canh tác cây ăn quả, nhất là cây ăn quả trên đất dốc bền vững. Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị, UBND tỉnh Sơn La tăng cường chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ, phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương bạn bố trí cho các HTX, tổ hợp tác, nông dân đi tham quan, học tập các mô hình về sản xuất bền vững, cũng như các hình thức tổ chức liên kết sản xuất, cả về “liên kết ngang” theo tổ hợp tác, HTX và “liên kết dọc” với các doanh nghiệp, nhà máy chế biến, thu mua xuất khẩu… Với việc được học hỏi các đơn vị đi trước đã thành công, cùng tinh thần lao động nỗ lực, năng động của đồng bào ở Sơn La, tin rằng, trái cây của Sơn La không chỉ phục vụ tốt nhu cầu trong nước, mà còn xuất ngoại với sản lượng và giá trị ngày một gia tăng.