TikTok trước làn sóng “bị cấm” Tiktoker xe lăn tái xuất, xin lỗi chủ quán phở và nộp phạt 5 triệu đồng |
Mạng xã hội đang thay đổi thói quen tiêu dùng của đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ. Ngày nay, việc tiêu dùng, mua sắm hay đi du lịch đều có thể thông qua mạng xã hội một cách dễ dàng, nhanh chóng và tiện lợi.
Cung cấp thông tin du lịch, dịch vụ hàng đầu
Dịp nghỉ lễ vừa qua, các hộ kinh doanh dịch vụ homestay, ăn uống, thuê xe hay các điểm nhà vườn ở Mộc Châu (Sơn La) được mùa bội thu. Lượng khách hàng tìm kiếm, giao dịch và sử dụng dịch vụ thông qua các trang mạng xã hội như facebook, tiktok tăng cao, có hộ lượng khách đến từ mạng xã hội chiếm đến 70%.
Thác nàng tiên (huyện Vân Hồ - Sơn La) điểm đến được yêu thích trên mạng xã hội. Ảnh Le Travel |
Xu hướng du lịch của giới trẻ ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội, họ xem các đề xuất, đánh giá từ mạng xã hội là nguồn tin quan trọng để lựa chọn điểm đến. Có thể nói, mạng xã hội đã là những kênh không thể thiếu trong việc phát triển các dịch vụ du lịch ở Mộc Châu.
Những năm gần đây, lượng khách biết và tìm đến Mộc Châu chủ yếu từ các trang mạng xã hội. Mỗi ngày các trang mạng xã hội về Mộc Châu có hàng chục bài viết mới với hàng trăm lượt chia sẻ, comment tương tác giữa khách hàng có nhu cầu, những chia sẻ kinh nghiệm và những người cung cấp dịch vụ rất sôi nổi.
Trước chuyến đi khách hàng thường tìm hiểu thông tin điểm đến, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống sẽ sử dụng khi lưu lại đây qua các trang mạng xã hội. Các trang này sẽ cung cấp cho khách hàng những đề xuất, đánh giá về dịch vụ, giá cả, tiện ích từ đó khách hàng quyết định cho mình những dịch vụ phù hợp.
Các hộ kinh doanh dịch vụ ở Mộc Châu hầu hết đều đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm dịch vụ của mình trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, tiktok, instagram hay Youtube… Các hình ảnh dịch vụ, video clip giới thiệu điểm đến, dịch vụ, cung đường được đăng tải thường xuyên trên các nền tảng nhằm thu hút khách du lịch. Để tìm kiếm và trả lời khách hàng nhanh nhất mỗi hộ đều có người thường trực tương tác trên các nền tảng và tư vấn cho khách hàng khi có nhu cầu.
Mỗi ngày các trang mạng xã hội về Mộc Châu có hàng chục bài viết mới |
Anh Phan Tiến, địa chỉ 189 đường Tô Hiệu, thị trấn Mộc Châu - người cung cấp dịch vụ thuê xe máy du lịch cho biết: “Tôi làm việc với khách hàng chủ yếu qua điện thoại và trên các trang mạng xã hội facebook, zalo, tiktok… Tôi thường vào các trang đó để tìm kiếm khách hàng và giới thiệu dịch vụ cho họ, thỏa thuận số lượng, giá cả xong tôi sẽ giao xe đến tận nơi cho khách. Bây giờ nếu không có các trang mạng này tôi chưa hình dung ra mình sẽ phải xoay sở thế nào để kết nối được với khách hàng”.
Homestay Thái Hà Tourism (thị trấn Mộc Châu) mấy ngày qua luôn kín khách đặt phòng. Anh Hà – chủ homestay cho biết: Homestay nhà anh ít khi có khách vãng lai, khách đến nghỉ nhà anh thường là khách quen hoặc được người quen giới thiệu. Ngoài ra, lượng lớn khách tra cứu trước thông tin, tìm hiểu những đánh giá dịch vụ, giá cả qua các số điện thoại trên facebook, tiktok của anh rồi mới đặt phòng và các dịch vụ khác.
Kênh giới thiệu, quảng bá dịch vụ hiệu quả
Các hộ kinh doanh ở Mộc Châu lập ra những trang chuyên cung cấp thông tin cho khách hàng và quảng cáo dịch vụ như: Mộc Châu review tất tần tật, Mua bán Mộc Châu, Mộc Châu - Sơn La… Quản trị viên liên kết các hộ kinh doanh dịch vụ với khách hàng nhằm mang đến những dịch vụ phù hợp nhất với yêu cầu của khách hàng.
Vườn mận Hải Yến (tiểu khu Chờ Lồng, huyện Mộc Châu) dịp nghỉ lễ vừa qua mỗi ngày đón hàng nghìn lượt khách đến thăm vườn. Chị Yến – chủ vườn mận cho biết: Khách nhà chị mấy hôm nay chủ yếu là khách đoàn biết đến vườn chị qua facebook, tiktok. Khi khách có nhu cầu, chị giới thiệu, tư vấn cho họ nên họ điện thoại đặt trước để nhà vườn bố trí xe và người dẫn đoàn đi thăm quan vườn được chu đáo.
Chị Quyên (sinh năm 2001) – một du khách trẻ đến từ Hà Nam cho biết: Chị biết đến Mộc Châu khi xem những hình ảnh bạn bè chụp đi trải nghiệm tại đây, các video clip giới thiệu điểm du lịch, văn hóa ẩm thực. Trước khi đến đây chị đã tìm hiểu rất nhiều review và những đánh giá dịch vụ qua các trang mạng xã hội rồi mới liên hệ để chốt địa điểm và dịch vụ. “Tuy lần đầu đến đây nhưng tôi không thấy bỡ ngỡ hay lo sợ gì. Tất cả các thông tin cần thiết đều được chia sẻ trên mạng xã hội, các dịch vụ đều có số điện thoại liên hệ và địa chỉ rõ ràng. Nếu còn phân vân điều gì chỉ cần đăng vào các trang mạng đó sẽ có người tương tác hỗ trợ và tư vấn rất nhanh”. Chị Quyên nói.
Có thể thấy, mạng xã hội giờ đây là kênh thông tin không thể thiếu của cả người kinh doanh và người sử dụng dịch vụ. Nơi trao đổi thông tin, giới thiệu dịch vụ và cung cấp nguồn khách hàng tiềm năng cho các hộ kinh doanh.
Chị Đinh Thị Hường – Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu cho biết: Để khách hàng yên tâm hơn khi giao dịch qua mạng xã hội cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo cho du khách có những trải nghiệm tích cực tại địa phương, UBND huyện Mộc Châu đã quán triệt các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, không ép khách, không tăng giá dịch vụ, nhất là vào dịp cao điểm; vận động các hộ cam kết thực hiện nghiêm các quy định trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, niêm yết và bán đúng giá niêm yết; ứng xử văn hóa, văn minh trong các hoạt động du lịch.
Dịp nghỉ lễ vừa qua, Mộc Châu đón 112.000 lượt khách, lượng khách lưu trú 37.800 người, công suất sử dụng buồng phòng đạt 95%, tổng doanh thu từ du lịch đạt 86,24 tỷ đồng.