Kem chống nắng được rao bán nhiều trên mạng (ảnh minh họa).
CôngThương - Hàng xịn giá “bèo”
Nắng nóng gay gắt khiến cho nhu cầu tìm mua các sản phẩm chống nắng tăng cao. Ngoài các vật dụng chống nắng thông thường như khẩu trang, áo chống nắng… thì kem chống nắng cũng là một trong những “vũ khí” được chị em phụ nữ tận dụng tối đa.
Tại khắp các cửa hàng mỹ phẩm từ lớn nhỏ, hay các quầy hàng mỹ phẩm trong chợ cũng bày bán tràn lan mặt hàng “hot” này. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện không ít các sản phẩm kem chống nắng không rõ nguồn gốc, giá rẻ khiến cho nhiều người rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”.
Dừng chân tại một sạp hàng bán mỹ phẩm tại chợ đêm Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), chị chủ quán đã đon đả mời: “Các em vào xem hàng đi, cửa hàng chị mỹ phẩm nào cũng có, kể cả mấy thương hiệu nổi tiếng đều có hết”.
Để chứng minh cho lời mình nói là đúng, chị chủ quán đưa cho chúng tôi 5, 6 lọ kem chống nắng khác nhau như kem dưỡng da chống nắng, kem chống nắng làm trắng da, kem chống nắng làm trắng da trang điểm tự nhiên… cái nào cũng “hàng xịn, chất lượng đảm bảo”. Tuy nhiên, các mặt hàng này có giá khá “bèo”, giá chỉ từ 40.000 – 70.000 đồng/hộp.
Thấy chúng tôi có vẻ chần chừ vì thấy hàng “xịn” mà giá lại rẻ, chị bán hàng giải thích: “Các em yên tâm, bọn chị lấy hàng ở những nơi bảo đảm, mấy shop lớn cũng lấy hàng từ một mối cả, chẳng qua họ mất thêm tiền thuê cửa hàng, thuê người bán nên mới đắt hơn thôi”. Chị còn trấn an thêm: “Các em cứ mua về dùng, có làm sao ra đây cứ tìm chị mà bắt đền”.
Nhập viện vì hàng dởm
Chị Phương Lan (Kim Mã, Hà Nội) đang điều trị tại Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, tuần trước cơ quan chị tổ chức đi Sầm Sơn. Để tránh bị bắt nắng, chị cũng ra tiệm mỹ phẩm gần nhà mua một tuýp kem chống nắng toàn thân. “Tôi cũng không thường xuyên bôi kem chống nắng nên cũng chỉ mua loại bình thường, giá vài chục nghìn thôi. Sau khi bôi xong, đi tắm biển về tôi thấy ngứa ngứa, nhưng đoán là do nước biển. Tuy nhiên sau vài lần bôi thì tôi vẫn thấy ngứa, hai cánh tay còn bị nổi những nốt đỏ, hậu quả là sau khi về Hà Nội tôi phải đi khám lại ngay”.
Chị Lan chia sẻ, sau khi đi khám thì bác sĩ kết luận chị bị nhiễm trùng da do sử dụng kem chống nắng không đúng cách, lạm dụng loại kem không phù hợp với da.
Khác với trường hợp của chị Lan, chị Hà Vân, nhân viên một công ty về máy tính kể lại vụ chị bị dị ứng năm ngoái do sử dụng kem chống nắng bừa bãi. Chị Vân tâm sự, chị cùng với mấy người bạn đi về nhà một chị ở cơ quan chơi. Do không chuẩn bị kịp nên chị lấy tạm lọ kem chống nắng của đứa em vừa mua ở chợ về. Tuy nhiên, khi bôi đến lần thứ hai thì da chị bắt đầu ửng đỏ, sưng tấy, có những dấu hiệu khác thường.
“Hỏi đứa em thì nó bảo nó thấy ở chợ bán rẻ nên mua, nó cũng chưa dùng lần nào, ai ngờ đâu mình lại là vật thí nghiệm thế này”, chị nói.
BS Nguyễn Thành, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, thời gian gần đây bệnh viện đã tiếp nhận nhiều ca bệnh dị ứng kem chống nắng. Vào mùa hè trường hợp mắc bệnh viêm da tiếp xúc do dùng mỹ phẩm và sản phẩm chống nắng ngày càng tăng nhanh.
Theo bác sĩ, một số người do có cơ địa da dễ bị dị ứng khi tiếp xúc với các sản phẩm mỹ phẩm, chất hóa học hoặc kem chống nắng có chất chống tia UBV cũng có thể gây ngứa da. Một số khác bị viêm da do dùng kem chống nắng sai cách, sử dụng sản phẩm trôi nổi hoặc quá lạm dụng kem chống nắng. Nguy hiểm nhất là những trường hợp sau khi bị dị ứng kem chống nắng đã tự mua thuốc để điều trị khiến bệnh càng nặng thêm, thậm chí nếu không được chữa trị kịp thời có thể dẫn đến ung thư da.
Đối với người tiêu dùng, để sử dụng mỹ phẩm an toàn và hiệu quả thì người tiêu dùng cần được các bác sĩ có chuyên môn tư vấn để phù hợp với cơ địa của mình. Ngoài ra, họ cũng cần phải học sử dụng mỹ phẩm đúng cách để tránh bị viêm nhiễm, tắc nghẽn lỗ chân lông… theo chỉ dẫn của các chuyên gia tư vấn mỹ phẩm.