BRICS mở rộng sẽ trở thành lực lượng thay đổi trật tự thế giới BRICS đang trở thành khối địa chính trị và kinh tế quan trọng Bí mật đằng sau nỗ lực kết nối Nga và BRICS |
BRICS là lựa chọn chiến lược?
Theo tạp chí Tuần san châu Á (Hong Kong), Malaysia xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) dựa trên 3 điểm: Thứ nhất, tìm cách tham gia nhiều nền tảng quốc tế để đạt được lợi ích quốc gia; thứ hai, tăng cường đa dạng hóa kinh tế - thương mại và giảm thiểu rủi ro; thứ ba, đây là một phần của chiến lược phòng ngừa rủi ro.
Chiến lược ngoại giao gần đây của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim có liên quan chặt chẽ đến việc nước này mong muốn gia nhập BRICS. Ông Anwar được cho đã tìm kiếm sự ủng hộ từ các thành viên BRICS như: Trung Quốc, Ấn Độ và Nga, đồng thời nhiều lần bày tỏ lý do Malaysia muốn gia nhập BRICS tại các diễn đàn ở trong nước và quốc tế.
Các giới ở Malaysia có phản ứng khác nhau trước việc ông Anwar tích cực tham gia BRICS. Một số nhà phân tích cho hay, cách tốt nhất để nhìn nhận việc Malaysia gia nhập BRICS là coi tổ chức này là nền tảng bổ sung để Malaysia - quốc gia tầm trung - có tiếng nói quốc tế và thu được lợi ích kinh tế lớn hơn.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 diễn ra ở Kazan (Nga). Ảnh: RIA |
Tuy nhiên, các nhà phân tích có quan điểm bảo thủ cảnh báo, việc gia nhập BRICS có những rủi ro nhất định, có thể gây ra các lệnh trừng phạt từ phe phương Tây như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).
Một số nhà bình luận lo ngại, động thái này của Malaysia đánh dấu sự thay đổi trong chính sách không liên kết mà nước này theo đuổi trong nhiều năm, chuyển hướng sang thiết lập quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc và Nga, đồng thời tách khỏi phe phương Tây.
Trong mọi trường hợp, các phân tích lạc quan đều nhận định, không nên hiểu lầm lập trường của Malaysia. Quyết định gia nhập BRICS không nên được coi là Malaysia “đối đầu” Mỹ. Mặc dù BRICS được coi là một khối đối trọng với phương Tây, nhưng chính sách đối ngoại của Malaysia vẫn là không liên kết và đã duy trì lập trường này từ những năm 1970, khi Malaysia tham gia Phong trào Không liên kết và thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.
BRICS động lực cho tăng trưởng kinh tế Malaysia
Những năm gần đây, cùng với cục diện thế giới dần rời xa trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo, các nước BRICS đã nhận được nhiều sự quan tâm. Kể từ khi thành lập đến nay, nền tảng chính sách đối ngoại của Malaysia luôn là Tổ chức Hợp tác Hồi giáo và ASEAN. Có thể lý giải mong muốn tham gia BRICS từ 3 cấp độ và tất cả đều phù hợp với lợi ích quốc gia.
Thứ nhất, từ khi xung đột giữa Israel-Hamas bùng nổ đến nay, nhà lãnh đạo Malaysia đã lên án Israel và ra sức bảo vệ Palestine, người dân Malaysia, đặc biệt là các nhóm Hồi giáo và tổ chức phi chính phủ, đã tẩy chay các công ty có liên quan đến Mỹ. Mặc dù lập trường ủng hộ của ông Anwar đối với Palestine không được một số nhóm Hồi giáo và người không theo đạo Hồi hoan nghênh, nhưng đã giúp nâng cao hình ảnh chính trị ở trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, xét cho cùng, việc Malaysia tìm cách gia nhập hoặc tăng cường hợp tác với BRICS có thể là một động thái ngăn ngừa rủi ro chính trị.
Năm nay, Nga giữ chức chủ tịch luân phiên của BRICS. Theo ước tính của các tổ chức tài chính toàn cầu, các nước thành viên BRICS hiện chiếm khoảng 46% dân số thế giới và 37% GDP toàn cầu. Ảnh: Sputnik |
Ngược lại, việc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo gần đây không đạt được đồng thuận về cuộc xung đột ở Dải Gaza cho thấy tổ chức tự xưng là tiếng nói chung của thế giới Hồi giáo đã có nhiều thay đổi. Tháng 11/2023, Saudi Arabia đã tổ chức hội nghị đặc biệt của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo và Liên đoàn Arập về Dải Gaza nhưng không thống nhất được cách thức ngăn chặn xung đột.
Các nước BRICS cũng dốc sức cho thương mại giữa các quốc gia ở Nam bán cầu, trong đó Trung Quốc là nước lãnh đạo chủ yếu. Malaysia là thành viên của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) do Trung Quốc giữ chủ đạo, vì vậy việc gia nhập BRICS có thể được coi là tiến trình tự nhiên.
Thủ tướng Anwar cho rằng, các nước BRICS đang xây dựng sức mạnh ở Nam bán cầu và Malaysia có thể hưởng lợi từ hợp tác kinh tế trong đó. Ông cũng nhấn mạnh, Chính phủ Malaysia luôn giữ thái độ cởi mở và tự do trong hợp tác quốc tế. Nhà lãnh đạo Malaysia sẽ thận trọng tránh cắt đứt bất kỳ mối quan hệ thực chất nào với Mỹ, đối tác quân sự truyền thống và ổn định của Malaysia và là nước đóng góp lớn cho nền kinh tế Malaysia. Vì vậy, Malaysia vẫn có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau với các nước phương Tây và các nước phương Tây vẫn là nguồn chuyển giao công nghệ và vốn đầu tư nước ngoài quan trọng của Malaysia. Đầu tư từ Mỹ và EU vào Malaysia cho thấy, nước này đang đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong các lĩnh vực như chất bán dẫn.
Thứ hai, phương diện kinh tế, Malaysia có thể được hưởng lợi từ những lợi ích kinh tế và thương mại do sự mở rộng kinh tế của các nước BRICS mang lại. Theo ước tính, các nước BRICS chiếm 37% GDP toàn cầu, việc gia nhập tổ chức này có nghĩa là tìm kiếm sự hợp tác được thể chế hóa nhiều hơn với các nước lớn mới nổi. Quan hệ ngoại giao, kinh tế - thương mại giữa Malaysia và Trung Quốc tiếp tục đi vào chiều sâu nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, nhưng Malaysia cũng đang tích cực tìm kiếm thêm đối tác để đa dạng hóa thương mại. Anwar gần đây đã đến thăm Ấn Độ để tăng cường quan hệ đầu tư và quốc phòng giữa hai nước. Ảnh hưởng của Ấn Độ trên toàn cầu tiếp tục gia tăng và BRICS có thể giúp Malaysia xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh mạng và có thể giúp ngành bán dẫn của Malaysia nâng cao chuỗi giá trị.
Ngoài ra còn một yếu tố khác là ngăn ngừa rủi ro tài chính. Các nước BRICS luôn cho rằng thế giới sẽ ổn định hơn nếu các nước có thể từ bỏ đồng USD và sử dụng các loại tiền tệ khác trong giao dịch. Theo Malaysia, việc tham gia BRICS có thể thúc đẩy quá trình phi USD hóa tài chính dần dần, giúp Malaysia chống lại rủi ro biến động ngoại hối và tăng cường sự ổn định của đồng Ringgit và nền kinh tế đất nước.
Thứ ba, gia nhập BRICS là một phần trong chiến lược phòng ngừa rủi ro. Malaysia hy vọng Mỹ sẽ nhìn thẳng vào lợi ích của mình ở Đông Nam Á, yêu cầu Mỹ và các đồng minh phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Kể từ khi nhậm chức vào tháng 11/2022, ông Anwar đã thực hiện chuyến thăm chính thức Trung Quốc nhưng vẫn chưa thăm chính thức Mỹ, dù ông đã tới Mỹ tham dự các cuộc họp của Liên Hợp Quốc và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Sự vắng mặt của Tổng thống Mỹ tại Hội nghị cấp cao ASEAN thường niên đã khiến nhiều nước ASEAN thất vọng và việc Mỹ miễn cưỡng tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như không cung cấp khả năng tiếp cận thị trường thông qua Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) cũng được coi là thiếu cam kết. Tuyên bố của Malaysia và nỗ lực gia nhập BRICS của Thái Lan đều là tín hiệu để Mỹ đánh giá lại chiến lược Đông Nam Á của mình.
Trong các cuộc tiếp xúc với các nước BRICS, chuyến công du của ông Anwar tới Nga vào tháng 9 thu hút nhiều sự chú ý. Đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của ông Anwar sau khi nắm quyền. Malaysia từng có quan hệ chặt chẽ với Nga nhưng mối quan hệ này sau đó đã nhạt dần. Thủ tướng Anwar chọn thăm Nga trong bối cảnh địa chính trị nhạy cảm hiện nay và gặp Tổng thống Putin để thảo luận về việc tăng cường hợp tác sâu rộng giữa Malaysia và Nga trên mọi lĩnh vực, chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của trong và ngoài nước.
Ông Anwar cũng mời ông Putin tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN và nhấn mạnh Malaysia, với tư cách Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2025, sẽ tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Nga. Tất nhiên, gia nhập BRICS là chương trình nghị sự chính trong chuyến thăm Nga.
Việc Malaysia có thể hưởng lợi như thế nào từ BRICS và có thể ứng phó với nhận thức của các quốc gia khác về việc Malaysia đi ngược lại chiến lược không liên kết thì vẫn cần theo dõi. Về mặt kinh tế, Malaysia cần thu hút đầu tư chất lượng cao và nâng cao giá trị trong chuỗi giá trị toàn cầu. Các nước BRICS có thể là đối tác đầu tư có giá trị nhưng khó có thể thay thế Mỹ và EU trong vai trò là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài.