Tiếp tục giám sát trường hợp viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân ở trẻ em |
Cần hiểu đúng về bệnh viêm gan B
Theo các bác sỹ Bệnh viện đa khoa Medlatec, viêm gan B là một trong các bệnh lý nguy hiểm cho lá gan, do virus HBV gây ra. Virus HBV lây truyền qua nhiều con đường, chủ yếu nhất là đường máu. Tốc độ lây truyền của bệnh lý rất nhanh. Virus HBV không loại trừ ai, nhưng hầu hết người lớn bị nhiễm bệnh dễ dàng hơn trẻ em.
Khi bị viêm gan B kéo dài khoảng 6 tháng trở lên là chuyển sang giai đoạn mãn tính |
Viêm gan B nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời rất dễ chuyển sang giai đoạn mạn tính, biến chứng thành xơ gan, suy gan, thậm chí ung thư gan. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi phát hiện bệnh thì đã ở cấp độ nặng, do viêm gan B ít biểu hiện ra những dấu hiệu rõ ràng. Nó diễn biến và sinh sản, tàn phá cơ thể một cách âm thầm, hoặc dễ khiến bệnh nhân lầm tưởng sang các bệnh khác.
Mặc dù vậy, khi nhận thấy cơ thể có những biểu hiện lạ như: Sốt nhẹ, người mệt mỏi, chán ăn; nước tiểu màu vàng, sẫm; vàng mắt, vàng da; đau hạ sườn phải; bụng chướng… thì cần đến cơ sở y tế để có kết luận chính xác nhất.
Hơn nữa, khi bị viêm gan B kéo dài khoảng 6 tháng trở lên là chuyển sang giai đoạn mãn tính. Đây là giai đoạn nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng như xơ gan, ung thư gan. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sức khỏe sẽ nhanh chóng chuyển biến xấu đi và đe dọa tính mạng con người.
Khi mắc bệnh cần điều trị như thế nào?
Thông thường từ khi nhiễm viêm gan B, C đến khi hình thành ung thư là 20 - 30 năm. Thế nhưng, chỉ 10% người bệnh chẩn đoán ung thư gan giai đoạn sớm, còn lại vào giai đoạn muộn, lúc này điều trị khó khăn và chi phí điều trị lớn.
Theo TS.BS Đỗ Anh Tú - Phó giám đốc Bệnh viện K: Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm viêm gan B rất cao, lên tới 15-20% dân số, khoảng 80% bệnh nhân ung thư gan do tiến triển từ viêm gan B và khoảng 5% bệnh nhân ung thư gan do nhiễm viêm gan C.
Khi bệnh nhân ung thư gan được phát hiện ở giai đoạn muộn, sau khi điều trị chỉ kéo dài thời gian sống thêm từ 6 tháng đến 1 năm. Vì vậy, để giảm tỷ lệ mắc và tử vong do căn bệnh này, cần làm tốt công tác dự phòng. Tiêm vắc xin phòng bệnh viêm gan B và C, hạn chế sử dụng rượu bia, có các luật hạn chế uống rượu bia. Duy trì lối sống vận động lành lạnh, ăn uống lành mạnh, duy trì cân nặng hợp lý.
Người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm. Với những người có nguy cơ cao như hay sử dụng rượu bia, làm việc trong môi trường nhiều khói bụi... càng nên đi tầm soát sớm hơn 6 tháng/lần bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh, thăm khám tại các cơ sở chuyên khoa
Việc điều trị viêm gan B tùy thuộc vào thời gian bị nhiễm bệnh. Nếu mới tiếp xúc với virus trong khoảng 2-3 ngày, việc điều trị khẩn cấp có thể giúp bạn không bị nhiễm bệnh. Nếu bị viêm gan B cấp tính, bệnh nhân có thể được điều trị để giảm các triệu chứng trong khi cơ thể chống lại nhiễm trùng chứ không trị được dứt điểm.
Nếu bị viêm gan B mãn tính (trên 6 tháng), bệnh nhân có thể được điều trị bằng các loại thuốc kiểm soát virus và giảm nguy cơ tổn thương gan. Viêm gan B mạn tính không điều trị được dứt điểm mà thường cần điều trị lâu dài hoặc suốt đời và theo dõi thường xuyên để kiểm tra bất kỳ vấn đề nào về gan.
Để sống chung với viêm gan B, các bác sỹ tại Trung tâm tiêu hóa Bệnh viện Hồng Ngọc khuyến cáo người bệnh nên: Thực hiện các biện pháp phòng ngừa để tránh lây lan bệnh, chẳng hạn như không dùng chung bàn chải đánh răng hoặc dao cạo râu với người khác. Người có những tiếp xúc gần gũi khác cần phải được tiêm phòng; không có chế độ ăn uống đặc biệt cho người bị viêm gan B. Tuy nhiên người bị viêm gan B nên có chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh để cơ thể khỏe mạnh, tránh nhiễm những bệnh khác; tránh uống rượu bởi vì điều này có thể làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề nghiêm trọng về gan. Nếu bệnh nhân viêm gan B mang thai, cần có sự tư vấn của bác sỹ...
Các triệu chứng của ung thư gan bao gồm: Sụt cân mà không biết nguyên; chán ăn, ăn không ngon miệng; luôn thấy chướng bụng, kể cả khi ăn rất ít; người mệt mỏi, xanh xao; da và mắt màu vàng (vàng da). |