Hàng đoàn tàu cặp bờ đưa hải sản đánh bắt lên đảo |
Sức sống ở huyện đảo tiền tiêu
Có nhà văn đã nói rằng, muốn hiểu cuộc sống của một vùng biển, hãy ra cảng cá vào buổi sớm. Quả thực, ra cầu tàu cá Lý Sơn buổi sáng sớm, chứng kiến hàng đoàn tàu đưa hải sản vào cập cảng sau nhiều giờ lênh đênh trên biển, người người tấp nập phân loại cá đưa đi tiêu thụ, loại tiêu thụ ngay trên đảo, loại đóng bao chở vào đất liền…, mới thấy sức sống ở huyện đảo tiền tiêu này thật mãnh liệt.
Ở huyện đảo có trên 21.000 dân này, đàn ông chủ yếu đi biển. Biển là nguồn sống và là nghề truyền thống nhiều đời của các ngư dân nơi đây. Chẳng thế mà, từ thế kỷ 17, Chúa Nguyễn đã tổ chức Hải đội Hoàng Sa lấy người Lý Sơn ra quần đảo Hoàng Sa đánh bắt hải sản quý hiếm và khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.
Chúng tôi gặp ngư dân Bùi Cừ, 65 tuổi. Bác cho biết, do tuổi cao, không còn khỏe nên đã 2 năm nay bác không đi biển nữa. Hiện con trai bác là anh Bùi Hải, 42 tuổi, vẫn hàng ngày theo tàu cá bám biển khơi. Tuy không còn đi biển, nhưng nhớ vị mặn mòi của biển, hàng ngày, bác vẫn ra cảng cá đón tàu về. Nghề đi biển vốn khó nhọc, lại càng cực hơn khi tàu cá của ngư dân Lý Sơn thường bị tàu lạ quấy nhiễu không cho đánh bắt hải sản ở vùng biển truyền thống của mình. Bác Bùi Cừ cho hay, tàu của bác cũng đã nhiều lần bị tàu nước ngoài cố tình đâm phá hoại, có lần chúng còn cướp bóc hết hải sản và cả ngư lưới của tàu. Khi được hỏi sau những lần bị đâm, bị cướp bóc như vậy, tại sao các bác và những ngư dân Lý Sơn vẫn kiên trì bám biển, bác trả lời bình thản: Đó là vùng biển của nước mình, cha ông mình đã đánh cá hàng bao đời rồi, hà cớ gì mà mình không tiếp tục ra khơi đánh cá.
Câu trả lời của bác Cừ đơn giản mà sâu sắc, bởi Hoàng Sa là của Việt Nam, đó là sự thật hiển nhiên đã ăn sâu vào máu từng người dân Lý Sơn. Và Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa theo tập tục văn hóa của địa phương được tổ chức hàng năm là minh chứng hùng hồn về chủ quyền không thể tranh cãi của đất nước Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Lần đầu tiên được đặt chân lên đảo Lý Sơn, đến Nhà trưng bày Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, được tận mắt chiêm ngưỡng những hiện vật và hình ảnh cũng như tài liệu của Hải đội Hoàng Sa năm xưa, chúng tôi càng khâm phục lòng can trường của ngư dân đảo Lý Sơn.
Tỏi lên xanh rì hứa hẹn một mùa bội thu |
Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo
Có lẽ thiên nhiên thật công bằng khi ban tặng cho Lý Sơn- huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc- điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng để tạo nên loại tỏi độc đáo, đã thành thương hiệu với thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là loại tỏi có tên rất lạ “tỏi cô đơn”. Đây là loại tỏi chỉ có 1 tép duy nhất, tròn trịa như củ hành, chỉ xuất hiện trên ruộng tỏi khi mất mùa. Mỗi hecta đất trồng tỏi chỉ có khoảng 2 kg tỏi cô đơn, nông dân muốn tăng sản lượng hay trồng riêng loại này cũng không được. Vì vậy, tỏi cô đơn được coi như sản vật đặc biệt và trở thành thương hiệu của Lý Sơn, mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân nơi đây, đồng thời thu hút khách du lịch đến với huyện đảo này. Lượng khách đến với Lý Sơn ngày càng tăng. Năm 2014, đã có 36.620 lượt du khách đến huyện, trong đó có 381 khách quốc tế, tăng 7.766 lượt khách so với năm 2013. Trong quý I/2015, đã có khoảng 15.880 lượt khách đến Lý Sơn để tham quan thắng cảnh, tìm hiểu và thưởng thức các lễ hội truyền thống nhân dịp Xuân Ất Mùi.
Nói về kinh tế biển, Phó Bí thư Huyện ủy Lý Sơn Nguyễn Tài Luân cho biết, hiện toàn huyện Lý Sơn có 403 chiếc thuyền với tổng công suất 51.192 CV; trong đó có khoảng 150 tàu đánh bắt xa bờ chủ yếu khai thác ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Đến nay, huyện đã có 2 nghiệp đoàn nghề cá là An Vĩnh và An Hải. Huyện cũng đang cho triển khai đầu tư đóng mới hệ thống tàu thép, tăng cường phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá.
Lý Sơn tháng 4/2015 Huyện đảo Lý Sơn gồm 2 đảo Lớn và Bé, thuộc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý, diện tích gần 10 km2. Nằm trên con đường biển từ Bắc vào Nam, cửa ngõ của cả khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung, quê hương của đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa được xác định là 1 trong 6 đảo của cả nước phải xây dựng mạnh về kinh tế, vững về quốc phòng. |
Điện lưới quốc gia được kéo ra đảo Lý Sơn vào tháng 9/2014 đã tạo sức bật mới cho Lý Sơn. Đến nay, sau 7 tháng có điện, cuộc sống của người dân Lý Sơn đã có sự đổi thay rõ rệt. Với ngư dân Lý Sơn, có điện, các dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển đã giúp tiết kiệm được nhiều chi phí cho những chuyến biển xa. Còn với người nông dân Lý Sơn, có điện, công việc của họ bớt được nhọc nhằn, bởi những công đoạn vất vả như tưới nước đã có hệ thống phun nước tự động thay thế.
Kinh tế đã phát triển, đời sống người dân được nâng cao, nhưng theo ông Luân, Lý Sơn vẫn còn nhiều lắm những khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao. Năm 2015, Lý Sơn phấn đấu thu nhập bình quân đạt 21 triệu đồng/người/năm (tăng 2,3 triệu đồng/người/năm so với năm 2014), giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 14,31%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 8,73%. Để đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Tài Luân, Lý Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ mới theo hướng tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng truyền thống là hành, tỏi; quản lý tốt thương hiệu Tỏi Lý Sơn. Đồng thời tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân cải hoán, đóng mới tàu thuyền có công suất lớn, có năng lực đánh bắt xa bờ; đổi mới phương thức đánh bắt hải sản trên biển có tổ chức, theo công nghệ hiện đại, gắn với bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền biên giới biển đảo của Tổ quốc.
Rời Lý Sơn, in đậm trong chúng tôi là tình đất và người nơi đây. Chúng tôi thầm cảm ơn sự quả cảm, kiên cường bám biển của ngư dân Lý Sơn từ các bậc tiền nhân đến thế hệ hôm nay đã góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.