Đa dạng hình thức tuyên truyền, hướng dẫn người dân về an toàn điện, phòng chống cháy nổ TP. Hồ Chí Minh: Chủ động nhiều giải pháp bảo đảm an toàn điện mùa mưa bão |
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn quốc gia, năm 2024, có khoảng 11-13 cơn bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão (từ tháng 9-11/2024). Điều này không chỉ ảnh hưởng tới việc cung cấp điện mà còn vấn đề sử dụng điện, an toàn điện trong sinh hoạt của người dân.
Thời tiết ngày càng bất thường, không chỉ có bão, áp thấp nhiệt đới mà mưa lũ cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đã có nhiều sự cố, tai nạn điện xảy ra trong mùa mưa bão như đứt dây điện do cây gẫy đổ, hỏng các trạm biến áp, rò rỉ, chập cháy điện ở các vùng ngập úng, bên cạnh đó là các hành vi chủ quan của một số người như bẫy chuột, dùng kích điện đánh cá…. Ở khu vực nông thôn, miền núi hệ thống đường dây điện còn kém, cột điện không chắc chắn thì nguy cơ càng lớn.
Trong mùa mưa bão, chỉ trừ trường hợp có sự cố điện hoặc bị ngập lụt, ngành điện mới cắt điện cục bộ còn mọi hoạt động cung cấp điện vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, việc cấp điện trong điều kiện mưa lớn, giông gió cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn điện, đặc biệt ở những vùng có nhà dân bị ngập lụt.
Để sử dụng điện an toàn, hạn chế thấp nhất rủi ro tai nạn điện xảy ra mùa mưa bão, ngành điện khuyến cáo khách hàng sử dụng điện nên kiểm tra đường dây và hệ thống điện trong khu vực gia đình, công xưởng, cơ quan, cửa hàng; chặt tỉa cây xanh có nguy cơ vướng vào lưới điện; thay thế dây dẫn trên không và dưới đất không an toàn, kiểm tra các mối nối, cầu dao, ổ điện, biển quảng cáo (đặc biệt khu vực ngoài trời); Kiểm tra, lắp đặt các thiết bị điện, đồ dùng điện ở vị trí cao hơn mực nước thường ngập lụt, ẩm ướt.
Trong khi mưa bão, người dân tuyệt đối không đứng gần cột điện, trạm biến áp, các dây nối đất thoát sét, ở dưới đường dây điện hoặc trú mưa ở dưới cây cao khi trời mưa hoặc lúc có giông sét; không tự ý leo lên cột điện hoặc vượt qua hàng rào trạm điện, chạm người vào các thiết bị điện, dây chằng néo cột, dây nối đất, hộp công tơ, hộp cầu dao... để đề phòng điện giật do rò điện.
Không được tự ý tháo gỡ, chiếm dụng, làm thay đổi các kết cấu của công trình điện (dây chằng, thanh giằng, dây tiếp địa, móng trụ điện). Ở khu vực nông thôn, vùng sông nước, không di chuyển, đi lại bằng tàu, thuyền, bè ... trong vùng ngập lụt có đường dây điện gần với mặt nước để tránh bị phóng điện gây tai nạn; không buộc gia súc và thuyền bè vào cột điện để đề phòng cột bị gãy đổ và bị điện giật; sử dụng trụ, móng trụ công trình điện làm lều, quán... bít lối vào; không mang vác, lắp dựng cây, cột bằng kim loại, cột ăng-ten ti vi, cây tre gỗ tươi gần đường dây điện lúc mưa to, gió lớn để tránh va chạm gây nên phóng điện dẫn đến tai nạn; không dùng điện để rà cá, bẫy chim, chuột, chống trộm cắp...
Nếu gặp sự cố điện, cần báo ngay cho đơn vị điện lực gần nhất để được hỗ trợ xử lý kịp thời.