Dự thảo Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) sửa đổi đề xuất giảm điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm là nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu hàng tháng.
Như vậy, những trường hợp này trước đây không được hưởng lương hưu, nay sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng, định kỳ mức lương hưu sẽ được Nhà nước điều chỉnh và đồng thời trong thời gian hưởng lương hưu sẽ được quỹ BHXH mua bảo hiểm y tế.
Hơn thế, theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc sửa góp phần hướng tới mục tiêu mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH của Nghị quyết số 28-NQ/TW, để ngày càng có thêm nhiều người hơn được hưởng lương hưu, đồng thời cũng khuyến khích người lao động bảo lưu, tiếp tục tham gia đóng góp BHXH để hưởng lương hưu hằng tháng thay vì nhận BHXH một lần. Quy định này cũng phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, xu hướng nhiều quốc gia trước đây cũng quy định thời gian đóng tối thiểu 20 năm để được hưởng lương hưu thì hiện nay các quốc gia này đều đã có điều chỉnh giảm.
Ảnh: TTXVN |
Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội – ông Nguyễn Duy Cường cho biết, việc giảm thời gian đóng xuống 15 năm chỉ hướng đến một số nhóm đối tượng nhất định, chủ yếu là nhóm tham gia BHXH muộn do không có điều kiện đóng dài, chứ không phải tất cả những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Ngoài ra, khi giảm năm đóng bảo hiểm xã hội đối với nam từ 20 năm xuống 15 năm, theo tính toán mức hưởng cho 15 năm đóng chỉ còn 33,75%, trong khi đó nữ vẫn là 15 năm và mức hưởng là 45%.
Theo ông Nguyễn Duy Cường, nếu như ở các lần sửa đổi Luật BHXH trước đây, việc đảm bảo cân đối, tính bền vững, ổn định lâu dài của Quỹ BHXH được ưu tiên, thì lần này quan điểm chung là ưu tiên hơn cho việc mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, để nhiều người có cơ hội hưởng lương hưu. Vì vậy, công thức tính, mức hưởng lương hưu về cơ bản kế thừa quy định của Luật BHXH các năm 2006, 2014.
Luật BHXH 2006 từng quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu là 15 năm áp dụng cho cả nam và nữ để hưởng 45%. Luật BHXH năm 2014 sửa đổi Luật năm 2006 đã điều chỉnh tăng dần thời gian đóng BHXH tối thiểu của nam lên 20 năm, song với lao động nữ vẫn giữ nguyên 15 năm đóng để hưởng tỷ lệ 45%. “Do đó, giảm năm đóng nhưng cách tính vẫn giữ nguyên thì tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam và nữ có sự chênh lệch”- ông Cường cho hay.
Trước những lo ngại về việc giảm năm đóng dẫn đến mức lương hưu thấp, ông Cường nhấn mạnh, muốn có lương hưu cao thì tỷ lệ đóng phải cao, số năm đóng dài. Song, để mở rộng độ phủ của BHXH, nhà nước chủ trương ưu tiên để có thêm nhiều người từ chỗ chưa có lương hưu đến có lương hưu trước, dần dần mới tính đến chuyện cải thiện mức hưởng. "Bản chất của bảo hiểm xã hội nói chung và chính sách hưu trí nói riêng đều hướng đến tích lũy thời gian đóng khi còn trẻ để về già được hưởng lương hưu. Khi đặt vấn đề này trong xây dựng dự thảo Luật BHXH sửa đổi, chúng tôi cũng rất trăn trở, thấy cần thông tin đầy đủ hơn nữa về chính sách với người lao động" - ông Cường nói.
Đề xuất giảm năm đóng BHXH để hưởng lương hưu là một trong những nội dung lớn, nhận được sự quan tâm của người lao động trong thời gian qua. Trước đó, khi thẩm tra dự án Luật BHXH sửa đổi, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng cho biết nhận được hai luồng ý kiến khác nhau.
Ngoài ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc giảm số năm đóng xuống 15 năm thì còn ý kiến đề nghị giữ quy định 20 năm như hiện hành, nhằm đảm bảo tiền lương hưu được nhận không quá thấp. Đồng thời, có ý kiến cũng lo ngại quy định giảm xuống còn 15 năm dễ tạo điều kiện để người lao động tham gia nhiều lần “rút bảo hiểm một lần”, nhất là trong bối cảnh số lượng người hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng hiện nay.
Tại dự thảo Luật BHXH sửa đổi cũng đề xuất tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH là chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương và người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt (người lao động làm việc không trọn thời gian) tham gia và thụ hưởng 5 chế độ của BHXH bắt buộc. Việc bổ sung các đối tượng trên sẽ đảm bảo phù hợp với những quy định mới của Bộ luật Lao động, đồng thời đảm bảo gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng tham gia và gia tăng diện bao phủ của BHXH.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật BHXH cũng bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Theo luật hiện hành, nhóm đối tượng này mới chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Nếu như Luật BHXH sửa đổi được thông qua sẽ có khoảng 100.000 người được hưởng lợi trực tiếp từ quy định này.
Theo lộ trình, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp cuối tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024, có hiệu lực từ 1/7/2025. |