Nghị định 15/2022/NĐ-CP đến nay đã thực thi được hơn 2 tháng, tuy nhiên, nhiều DN cho biết, kế toán của đơn vị vẫn "rối như canh hẹ". Để kiểm tra có được hưởng thuế GTGT 8% hay không, DN phải tự tra mã hàng hóa, dịch vụ để xác định, chứ không chỉ tra mã kinh tế. Với những DN có nhiều mặt hàng, việc tra cứu phụ lục của Nghị định 15/2022/NĐ-CP không khác gì "ma trận". Không chỉ vậy, một số trường hợp dễ gây hiểu lầm khi áp dụng thuế suất giá trị gia tăng đối với nguyên vật liệu đầu vào và sản phẩm đầu ra tại các DN sản xuất.
Doanh nghiệp mong muốn có hướng dẫn thống nhất về thuế GTGT |
Ngoài ra, DN còn lo ngại khả năng bị truy thu và phạt kê khai sai. Bởi theo quy định, nếu mặt hàng chịu thuế 10% nhưng DN xuất 8%, bên bán sẽ bị truy thu 2% kèm theo tiền chậm nộp và phạt kê khai sai. Bên mua chỉ được khấu trừ 8%.
Do nghị định mới được ban hành và áp dụng thực tiễn, không thể tránh khỏi DN hiểu chưa sâu sát nội dung và kê khai chưa đúng các vấn đề về thuế suất miễn giảm. Trường hợp thiếu sót, theo quy định, các DN bán hàng sẽ bị phạt và truy thu thêm 2% nhưng DN mua chỉ được khấu trừ 8%.
Mục đích lớn nhất của Nghị định 15/2022/NĐ-CP là giảm thuế GTGT để giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng. Qua đó, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi và phát triển.
Trong công văn gửi Tổng cục Thuế mới đây về thực hiện thuế GTGT cho các loại sợi, Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhấn mạnh, nghị định được thực hiện là chủ trương hữu ích dành cho DN, nhằm cắt giảm chi phí sản xuất, giảm bớt khó khăn bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thời gian từ khi ban hành đến lúc áp dụng chưa đủ nhiều, nên không ít DN gặp lúng túng thực hiện; các địa phương thực hiện không đồng nhất. Cụ thể, DN khi mua sợi trong nước để sản xuất đã phải chịu thuế suất GTGT 8%, có nơi 10%. Vì vậy, Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu quan điểm: Nếu vẫn còn vướng mắc, lúng túng trong quá trình thực thi khiến DN dùng khó được thụ hưởng, dẫn đến chính sách khó đạt hiệu quả như kỳ vọng…
Trước những bất cập tồn tại, đại diện nhiều DN cho rằng, việc điều chỉnh thuế GTGT chỉ nên áp dụng đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ trực tiếp gắn với người tiêu dùng; với DN sản xuất là không cần thiết, thậm chí gây khó khăn cho họ. DN mong muốn có hướng dẫn thống nhất để thực hiện cho đúng. Kể cả không được giảm thuế, nhưng các địa phương áp dụng cùng mức thuế giúp DN có thể ghi hóa đơn và thanh toán hợp đồng; tránh rủi ro pháp lý cho DN, tới kỳ có thể quyết toán được thuế.
Trước những kiến nghị của DN, Bộ Tài chính vừa đưa ra đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định 15/2022 quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, trường hợp cơ sở kinh doanh hàng hóa, cung cấp dịch vụ áp dụng các mức thuế suất khác nhau, trên hóa đơn phải ghi rõ thuế suất hoặc tỷ lệ % tính thuế GTGT được giảm của từng hàng hóa, dịch vụ theo quy định.
Việc mỗi nơi áp một mức thuế khác nhau dẫn tới cuối năm làm thủ tục quyết toán thuế rất rủi ro khi thuế đầu vào và đầu ra khác nhau, sẽ gây khó khăn cho DN. |