Lễ ông Công ông Táo: Thả cá chép như thế nào để không phạm đại kỵ? Cách chọn cá đẹp, khỏe cúng ông Công ông Táo |
Sáng ngày 2/2/2024 (tức 23 tháng Chạp), giữa tiết trời Hà Nội dày đặc sương mù, nhiều người dân đã tập trung rất đông tại các hồ, ao lớn để thả cá chép, tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Từ sáng sớm nhiều người dân đã mang cá chép ra sông, hồ lớn thả |
Theo quan niệm của người Việt, hàng năm đúng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo Quân cưỡi cá chép bay về trời để bẩm báo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình của gia chủ cho Ngọc Hoàng.
Trong ngày này, cá chép là vật cúng không thể thiếu bởi nhiều người tin rằng, Táo quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để báo cáo về chuyện làm ăn, cư xử của gia đình trong năm vừa qua.
Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân sẽ quay về hạ giới để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của mình.
Thông thường hàng năm, việc thả cá chép xuống sông, hồ được người dân đổ trực tiếp cá vẫn còn trong túi nilon và mạnh ai người đó thả đã khiến cho nhiều con cá được thả từ cầu cao xuống sông, chưa được bao lâu thì đã chết hoặc bị người dân vớt tại các hồ.
Nhằm giảm thiểu việc thả túi nilon, vừa tránh ô nhiễm môi trường vừa tránh tình trạng cá chết ngạt khi được thả xuống sông, hồ. Nhiều bạn trẻ là tình nguyện viên đã đứng dọc 2 bên cầu Long Biên với các khẩu hiệu kêu gọi "thả cá đừng thả túi nilon".
Nhằm tuyên truyền ý thức của người dân, cũng như mong muốn giảm rác thải ra sông, nhiều tình nguyện viên đã có mặt từ sớm cầm băng rôn, khẩu hiệu |
Người dân cùng lực lượng chức năng thả cá vào xô lớn |
Theo ghi nhận của phóng viên, từ sáng sớm lực lượng chức năng đã có mặt tại Hồ Tây hỗ trợ đông đảo người dân thả cá chép, tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Lực lượng chức năng phường Bưởi (quận Tây Hồ, Hà Nội) đã bố trí nhiều chốt trực tại đường Trích Sài để tuyên truyền, hướng dẫn người dân thả cá chung vào một thùng lớn 180 lít, rồi thu gom mang ra sông Hồng thả nhằm hạn chế tình trạng cá chết do nước hồ Tây bị ô nhiễm.
Phần lớn người dân tới thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời tại hồ Tây đều thắc mắc về việc đưa cá vào thùng chứ không thả xuống hồ. Tuy nhiên, sau khi nghe tuyên truyền và giải thích, phần lớn người dân đều vui vẻ thả chung vào thùng lớn và khen ngợi cách làm mới của chính quyền địa phương.
Việc này nhằm giảm thải túi nilon xuống hồ |
Người dân chấp hành việc thả cá vào xô lớn |
Chị Vũ Kim Loan (Chi Hội trưởng Hội phụ nữ số 2 phường Bưởi) cho biết, do nước tại hồ Tây bị ô nhiễm nên 2 năm gần đây, lực lượng chức năng phường Bưởi đã bố trí các chốt trực tại đường Trích Sài để hướng dẫn người dân thả cá chung vào thùng, sau đó mang ra sông Hồng thả nhằm bảo vệ cá và cảnh quan hồ Tây.
Ông Chức (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi rất đồng tình và ủng hộ việc thả cá chung và mang ra sông Hồng thả. Cách làm mới này sẽ giúp cá chép sống và bảo vệ được cảnh quan, môi trường tại hồ Tây".
Đồng thời tại thời điểm đó, công nhân Công ty THNN MTV thoát nước Hà Nội túc trực phối hợp đi thu gom rác thải.
Lực lượng chức năng "hộ tống" cá ra sông lớn |