Với hơn 2.000 làng nghề truyền thống đang hoạt động, các sản phẩm làng nghề đã và đang góp phần tạo việc làm và thu nhập cho đông đảo lao động nông thôn. Hơn thế, với bàn tay khéo léo và óc sáng tạo, nhiều thế hệ nghệ nhân tài hoa đang ngày lại ngày “dệt gấm thêu hoa”, giữ lại những nét văn hóa truyền thống độc đáo, đậm đà bản sắc của dân tộc trên mỗi sản phẩm làng nghề…
Nhận thức rõ vai trò làng nghề trong việc phát triển kinh tế nông thôn… từ năm 2007, với Thông tư 01/2007/TT- BCN ngày 11/1/2007 quy định về tiêu chuẩn xét Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT), Bộ Công Thương (khi đó là Bộ Công nghiệp) đã tổ chức xét danh hiệu NNND và NNƯT cho các nghệ nhân 2 năm 1 lần vào dịp quốc khánh 2/9. Từ đó, những nghệ nhân tài hoa, có nhiều đóng góp cho nghề và làng nghề truyền thống đã có thể tự hào với danh hiệu cao quý.
Sau đó, Bộ Công Thương quy định 3 năm xét tặng danh hiệu NNND và NNƯT một lần vào dịp quốc khánh 2/9 bắt đầu từ năm 2015. Thực hiện thông tư này, đến nay cả nước đã có 22 NNND, 192 NNƯT được phong tặng.
Theo ông Nguyễn Như Chinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, việc tôn vinh nghệ nhân tiêu biểu đã và đang thực hiện không chỉ góp phần khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi, nhà thiết kế trong việc sáng tạo, duy trì các sản phẩm làng nghề, mà còn góp phần truyền nghề, cấy nghề, bảo tồn, giới thiệu các sản phẩm văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm làng nghề
Song song với hoạt động tôn vinh NNND, NNƯT, những năm gần đây, Bộ Công Thương đã tích cực tổ chức, triển khai nhiều nội dung, hoạt động có liên quan tới công tác quảng bá, phát triển bền vững sản phẩm làng nghề truyền thống thông qua Chương trình khuyến công được thực hiện hàng năm tại các địa phương… Từ nguồn hỗ trợ của các chương trình khuyến công, hàng nghìn cơ sở sản xuất đã được đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất. Nhiều làng nghề và làng có nghề đã có thêm kinh phí để mua sắm thiết bị, dụng cụ sản xuất; duy trì và phát triển làng nghề. Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, riêng Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã được Bộ Công Thương giao thực hiện 19 đề án khuyến công quốc gia với kinh phí hỗ trợ 2,9 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, hiệp hội đã có thêm điều kiện để cùng các Sở Công Thương tổ chức 15 hội thảo chuyên đề phổ biến kiến thức, tập trung vào các nội dung như: Kết nối doanh nghiệp với làng nghề truyền thống trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô; tạo lập nhận thức và năng lực pháp lý đối với ngành thủ công mỹ nghệ trong thời kỳ hội nhập; tư vấn xây dựng thương hiệu…
Thông qua các hội thảo, đã nâng cao năng lực quản lý cho hơn 3.000 lượt người của các cơ sở trong làng nghề. Đồng thời, tạo môi trường để các đơn vị làng nghề, phố nghề; nghệ nhân, thợ thủ công, hộ gia đình, câu lạc bộ, hợp tác xã; hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, trang trại, cơ sở làng nghề… giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, kết nối xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm truyền thống.
Quảng bá, xúc tiến mở rộng thị trường
Thời gian qua, Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) đã thường xuyên phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam triển khai một số hoạt động gắn liền với chuỗi sự kiện bình chọn và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2017 và năm 2019. Trong đó, Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu tháng 9/2019 tại Hoàng Thành Thăng Long, Hà Nội là một trong những hoạt động thu hút được sự quan tâm của nhiều làng nghề nổi tiếng và khách tham quan.
Dành nhiều tâm huyết và gắn bó với các hoạt động Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã nhiều năm, ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - cho rằng, các cuộc bình chọn, tôn vinh, thi sản phẩm có giá trị sáng tạo, mẫu mã mới, hàm lượng văn hóa cao đã và đang có đóng góp không nhỏ trong việc khuyến khích phát triển sản phẩm làng nghề. Từ các cuộc thi này, có thêm nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo của các làng nghề được biết đến; đây cũng là cơ sở để tính đến các cuộc thi sáng tác ra những sản phẩm làng nghề đặc biệt, làm quà tặng cấp quốc gia; giới thiệu tinh hoa Việt Nam đến bạn bè trên khắp thế giới.
Đặc biệt hơn, với sự kiện phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT, Bộ Công Thương đã góp phần động viên rất lớn về tinh thần đối với những nghệ nhân tài hoa trên các vùng miền đất nước.
Đáng ghi nhận từ chỗ sản phẩm làng nghề chủ yếu tiêu thụ tại địa phương trong nước; tiếp cận với khách quốc tế thông qua các điểm du lịch, giới thiệu sản phẩm… mấy năm gần đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại đưa các nghệ nhân, doanh nghiệp, cơ sở làng nghề sản xuất, giới thiệu tay nghề, sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Cùng với đó, hỗ trợ thiết kế bao bì sản phẩm của làng nghề; tập trung quảng bá, tiếp thị sản phẩm bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng…
Đổi thay và những tồn tại cần khắc phục
Đến với các làng nghề truyền thống hôm nay, tận mắt chứng kiến những đổi thay trong sản xuất, tiêu thụ, quảng bá sản phẩm làng nghề, thấy rõ sự góp sức thường xuyên, liên tục của Bộ Công Thương. Nhờ hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá được thực hiện hiệu quả đã duy trì và tăng số hộ sản xuất, số lao động tại các làng nghề; đáp ứng sản lượng, sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều làng nghề truyền thống đang đối mặt với khó khăn, khi thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp do các sản phẩm của làng nghề ít được cải tiến, sáng tạo, trong khi các sản phẩm công nghiệp cùng loại lại có chất lượng, mẫu mã tốt hơn; một số cơ sở sản xuất tại làng nghề chỉ làm theo đơn đặt hàng có sẵn mẫu và cũng khó thực hiện theo đúng thời gian và hợp đồng với số lượng lớn... Ngoài ra, người sản xuất tại làng nghề chưa được đào tạo về chuyên môn kỹ thuật, kiến thức quản lý nên khó thích ứng với thị trường. Hệ thống ngành sản xuất hỗ trợ (các khâu sản xuất, khai thác và xử lý nguyên liệu phục vụ cho các làng nghề) còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của làng nghề.
Từ thực tế này, ông Nguyễn Như Chinh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam - đề xuất, các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh hơn nữa. Các doanh nghiệp phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn mong muốn, ngành Công Thương tiếp tục hỗ trợ thông qua hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại để các làng nghề được tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, có các chương trình đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng về quản trị doanh nghiệp, marketing, đàm phán ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Song song với đó, đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề theo nguyên tắc ưu tiên làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền; làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt; làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; làng nghề gắn với bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống.
Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam diễn ra tối ngày 15/12/2020, tại Hà Nội. Đây là năm thứ hai lễ trao tặng được tổ chức trong khuôn khổ Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2014 - 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 634/QĐ-TTg ngày 29/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. |