Nhiều “điểm nghẽn” khi chỉnh trang đô thị
Thủ đô Hà Nội - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, hiện đang đối mặt với hàng loạt thách thức trong việc phát triển đô thị bền vững. Việc đô thị hóa ngày càng gia tăng, cơ sở hạ tầng xuống cấp, tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… là những vấn đề cần được giải quyết trong bối cảnh Hà Nội tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.
Trước thực tế đó, việc sửa đổi Luật Thủ đô 2024 đã trở thành một bước đi quan trọng để tái thiết đô thị, thúc đẩy phát triển bền vững, khắc phục những điểm yếu trong quản lý đô thị hiện nay. Và tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá 15 đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều, với nhiều quy định mới về chính sách, cơ chế đặc thù. Đặc biệt là việc phân cấp, phân quyền cho thành phố được xem là động lực, không gian mới để Hà Nội tập trung nguồn lực, bứt phá, phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
![]() |
Tái thiết đô thị là một trong những nội dung quan trọng được nhấn mạnh tại Luật Thủ đô 2024. Ảnh: Đ.N |
Đây chính là bước đi cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định, xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến-Văn minh-Hiện đại”.
Theo nhiều chuyên gia đánh giá, sự thay đổi trong Luật Thủ đô không chỉ mang lại cơ hội phát triển cơ sở hạ tầng mà còn mở rộng không gian cho các nhà đầu tư. Đồng thời, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã tập trung tháo gỡ những hạn chế mà Hà Nội đang gặp phải trong suốt thời gian qua như huy động nguồn lực, đầu tư, quy hoạch, các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, các lĩnh vực về an sinh xã hội. Đặc biệt, có giải pháp mạnh mẽ giúp thành phố có thể khắc phục các bất cập hiện nay về cảnh quan, giao thông, ô nhiễm môi trường.
Người dân Hà Nội đã và đang kỳ vọng việc Luật được cụ thể hoá để đi vào cuộc sống, bởi nỗi trăn trở lớn nhất của người dân Thủ đô hiện nay là tình trạng đô thị hóa mạnh với tốc độ tăng dân số và di cư từ các khu vực khác khiến nơi đây ngày càng "ngột ngạt".
Cùng với đó, hệ thống giao thông không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, khiến tình trạng ùn tắc và ô nhiễm không khí trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt, hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển tương xứng với tốc độ đô thị hóa, làm gia tăng phụ thuộc vào phương tiện cá nhân. Bên cạnh đó, không gian xanh và các công viên vẫn còn thiếu, khiến chất lượng sống của cư dân chưa được cải thiện rõ rệt.
Mặc dù Luật Thủ đô 2024 được kỳ vọng sẽ giải quyết những vấn đề cấp bách, nhưng việc triển khai vẫn đối mặt với một số thách thức lớn. Đặc biệt xoay quanh vấn đề quy hoạch đô thị thiếu đồng bộ. Cụ thể, việc phân bổ quỹ đất chưa hợp lý, không đồng bộ giữa các khu vực trung tâm và các khu đô thị vệ tinh, vẫn có thể tạo ra sự mất cân đối trong phát triển. Một số dự án phát triển bị chậm tiến độ hoặc không hoàn thành theo kế hoạch, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực thi quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng vô cùng nan giải, có thể gặp phải sự phản đối từ người dân hoặc các nhà đầu tư khi quyền lợi không được đảm bảo thỏa đáng.
“Chìa khoá” mở cánh cửa tái thiết đô thị
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, điểm nổi bật trong Luật thủ đô sửa đổi quy định việc quy hoạch để hướng tới xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, trong đó yếu tố quan trọng thứ nhất mang tính xương sống, đó là Luật Thủ đô 2024 đã luật hóa cơ chế phát triển đô thị dựa vào hệ thống giao thông công cộng (TOD).
Bên cạnh đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, điểm nhấn của Luật Thủ đô 2024 - căn cứ cốt yếu để Thủ đô bứt phá đó là việc cụ thể hoá tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW, huy động được nguồn lực từ Nhân dân trong khu vực tái thiết cùng tham gia góp sức vào việc tái thiết đô thị như góp đất, góp nhà và góp sáng kiến như đề xuất phương án quy hoạch, tạo mặt bằng để tái thiết đô thị cho từng khu vực.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng, Hà Nội muốn thực hiện thành công các dự án tái thiết đô thị cần xây dựng cơ chế, chính sách bảo đảm tất cả các bên tham gia đều đạt được lợi ích, đặc biệt là tạo dựng, củng cố được “cơ chế niềm tin” giữa ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Chỉ khi người dân được sống trong các khu nhà chất lượng cao, môi trường sống an toàn và hạ tầng đô thị được cải thiện, Hà Nội mới có thể nâng cao tính cạnh tranh, thu hút sự chú ý và khẳng định đúng vị thế của mình là Thủ đô của cả nước. Đó là lợi ích lớn nhất mà các công cuộc tái thiết, chỉnh trang đô thị mang lại cho sự phát triển bền vững của thành phố.
Có thể khẳng định, Luật Thủ đô sửa đổi 2024 không chỉ là một bước tiến quan trọng trong công tác quản lý và phát triển đô thị, mà còn là động lực thúc đẩy sự tái thiết và nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân Thủ đô. Các quy định mới trong Luật sẽ tạo ra một nền tảng pháp lý vững chắc để Hà Nội phát triển mạnh mẽ, bền vững trong tương lai.
Tuy nhiên, để thành công, các cơ quan chức năng cần nỗ lực triển khai đồng bộ các chính sách, đồng thời kêu gọi sự tham gia của người dân và các nhà đầu tư trong việc xây dựng đô thị thông minh, xanh - sạch - đẹp.