Luật SHTT dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10/2021 và trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp tháng 5/2022. Ông có thể chia sẻ về các chính sách lớn được sửa đổi bổ sung trong Luật SHTT lần này?
Ảnh minh họa |
Nội dung sửa đổi Luật SHTT lần này cơ bản sẽ tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn. Đầu tiên, sẽ bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền. Thứ hai, các quy định liên quan đến việc xác định quyền sở hữu, quyền khai thác đối với các nghiên cứu khoa học do nhà nước đầu tư vốn cũng sẽ được quy định rõ ràng và chi tiết hơn. Thứ ba, tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền. Các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ... tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch. Thứ tư, các quy định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền SHTT sẽ được rà soát, cân đối để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội. Thứ năm, các quy định nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hệ thống SHTT cũng được rà soát để sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ trách nhiệm, phân loại chi tiết phạm vi hoạt động. Thứ sáu, các quy định liên quan đến thực thi quyền SHTT sẽ được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền SHTT được hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn. Thứ bảy, bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.
Ông Đinh Hữu Phí - Cục trưởng Cục SHTT |
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA, CPTPP...) và làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, việc sửa đổi Luật SHTT lần này sẽ tập trung nội dung gì để bảo hộ quyền lợi của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam thưa ông?
Quyền lợi DN Việt Nam nói riêng, quyền lợi của toàn bộ xã hội Việt Nam nói chung luôn là trọng tâm trong việc xây dựng các quy định trong các chính sách lớn của Luật SHTT sửa đổi lần này, từ các khâu sáng tạo, xác lập quyền, bảo hộ quyền, cho đến khai thác và thực thi quyền SHTT. Ví dụ, các quy định về tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền như các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ… sẽ được cải thiện theo hướng gọn nhẹ, thuận tiện, minh bạch, giúp các DN có thể xác lập quyền SHTT một cách nhanh chóng, dễ dàng hơn.
Hay, các quy định về bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập được xây dựng với quan điểm thi hành cam kết quốc tế ở mức độ phù hợp nhất với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm cho DN có đủ thời gian bắt kịp với những thay đổi của quá trình hội nhập. Ngoài ra, các quy định về tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT, nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT cũng giúp cho việc thực thi quyền SHTT nghiêm minh hơn, hiệu quả hơn, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh cho DN.
Hiện nay, tại Việt Nam khâu thực thi quyền chưa được như kỳ vọng. Theo ông nguyên nhân do đâu và điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc thực thi các hiệp định của Việt Nam, thưa ông?
Nguyên nhân của tình trạng trên là do lĩnh vực SHTT còn mới mẻ, việc xác định hành vi xâm phạm quyền SHTT phức tạp, trong khi năng lực các cơ quan thực thi còn hạn chế. Bên cạnh đó, chưa có nhiều tổ chức giám định SHTT trong việc giúp các cơ quan thực thi quyền xác định hành vi xâm phạm. Sự phổ biến của công nghệ cũng là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền tinh vi hơn, dễ thực hiện hơn, phổ biến hơn, đặc biệt là các hành vi xâm phạm quyền trên môi trường internet.
Nếu tình trạng xâm phạm SHTT nhiều sẽ triệt tiêu sự sáng tạo và không thu hút công nghệ mới, đồng thời, phản ánh môi trường kinh doanh không có cạnh tranh lành mạnh và từ đó sẽ hạn chế thu hút đầu tư FDI. Theo đó, để cải thiện vấn đề này cần triển khai thực hiện Chiến lược SHTT; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thông qua chương trình hợp tác phòng chống xâm phạm quyền SHTT (chương trình hành động 168 giai đoạn III (2019-2023); sửa đổi các quy định về thực thi quyền trong Luật SHTT.
Xin cảm ơn ông!