Thuốc lá thế hệ mới: Thí điểm để có cơ sở đánh giá toàn diện Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới |
Tại Hội thảo “Tháo gỡ quan ngại để quản lý thuốc lá thế hệ mới” tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua tại Hà Nội về các vấn đề thời sự liên quan đến thuốc lá thế hệ mới được dư luận quan tâm trong nhiều năm qua, đại diện các bộ ngành đã cập nhật tiến độ, bàn thảo và thống nhất giải pháp phù hợp thực tiễn.
Ngoài ý kiến cần nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Nghị định 67 sửa đổi dưới Luật phòng chống tác hại thuốc lá hiện hành, để làm khung pháp lý cho thuốc lá thế hệ mới nói chung, nhằm sớm trình Chính phủ ban hành, các chuyên gia của nhiều bộ ngành đều thống nhất rằng thuốc lá làm nóng đã nghiễm nhiên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này, do trong thành phần có chứa nguyên liệu thuốc lá.
Thuốc lá làm nóng được xác nhận là thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật
Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội (Văn phòng Quốc hội) chỉ ra, theo quy định của Luật phòng chống tác hại thuốc lá thì thuốc lá làm nóng (thuốc lá nung nóng) được hiểu là thuốc lá và thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.
Đại diện các bộ ngành tại Hội thảo khẳng định thuốc lá làm nóng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật phòng chống tác hại thuốc lá vì chứa nguyên liệu thuốc lá |
Ông Nguyễn Hồng Ngọc nhấn mạnh rằng, đến nay thuốc lá thế hệ mới vẫn chưa có biện pháp quản lý phù hợp. Vì vậy, việc tăng cường quản lý nhà nước về thuốc lá thế hệ mới là hết sức cần thiết. Các bộ có liên quan cần khẩn trương rà soát các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá để trình Chính phủ sửa đổi hoặc sửa đổi, bổ sung. Ông Ngọc cũng đặc biệt nêu rõ vai trò và trách nhiệm các bộ ngành liên quan trong tiến trình sớm kiểm soát các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới đủ điều kiện. Trước hết là Bộ Công Thương cần phối hợp với các bộ có liên quan sớm trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 67/2013/NĐ-CP ngày 27/6/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng chống tác hại thuốc lá về kinh doanh thuốc lá.
Ông cũng nhắc nhở rằng Bộ Y tế và các bộ có liên quan cần thực hiện tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Luật phòng chống tác hại thuốc lá, đánh giá tác động những vấn đề mới phát sinh cần luật hóa, cần sửa đổi, bổ sung, những hạn chế vướng mắc làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện và có giải pháp nhằm hoàn thiện pháp Luật phòng chống tác hại thuốc lá.
Cụ thể hơn về Luật phòng chống tác hại thuốc lá, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự-Kinh tế, Bộ Tư pháp dẫn định nghĩa: "Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác” (khoản 1 Điều 2). Như vậy, để được coi là thuốc lá, cần phải có sự hội tụ của hai yếu tố: Nguyên liệu sản xuất, và hình thức sản phẩm. Trong khi quy định của Luật tương đối mở về hình thức sản phẩm (“các dạng khác”), yêu cầu về nguyên liệu sản xuất đòi hỏi phải có “nguyên liệu thuốc lá”. Tuy nhiên, nguyên liệu thuốc lá được quy định là “lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá” (khoản 3 Điều 2)”. Ông Lê Đại Hải khẳng định rằng, định nghĩa thuốc lá được quy định tương đối mở trong Luật và như vậy, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có thể thuộc định nghĩa thuốc lá trong Luật phòng chống tác hại thuốc lá.
Đã thực hiện thiết lập tiêu chuẩn chất lượng cho thuốc lá làm nóng
Thêm một thông tin đáng quan tâm tại hội thảo, ông Lê Thành Hưng, Trưởng phòng Tiêu chuẩn nông nghiệp thực phẩm, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ cho biết, Bộ đã tích cực hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho nhóm thuốc lá thế hệ mới để đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Theo đó, cuối năm 2020, Bộ KHCN đã ban hành Quyết định số 3458/QĐ-BKHCN về việc công bố 3 tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm thuốc lá làm nóng, bao gồm 2 tiêu chuẩn về phương pháp thử nghiệm và 1 tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật.
Bộ Khoa học - Công nghệ đang tích cực hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho nhóm thuốc lá thế hệ mới |
Bộ Khoa học - Công nghệ cũng đồng tình với đề nghị cần sớm rà soát, xây dựng văn bản pháp luật, chính sách quản lý thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng ở Việt Nam cho phù hợp. “Đối với thuốc lá làm nóng là sản phẩm có điếu thuốc được chế biến từ thuốc lá, tách riêng với thiết bị làm nóng, có thể được xác định là dạng khác của thuốc lá. Bộ Khoa học Công nghệ thống nhất với đề xuất của Bộ Công thương là việc quản lý thuốc lá làm nóng thực hiện theo Luật phòng chống tác hại thuốc lá và các văn bản pháp luật hiện hành,” ông Hưng cho biết.
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá, do đó cần chịu sự điều chỉnh của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) và tương ứng với Luật phòng chống tác hại thuốc lá của từng quốc gia. Theo báo cáo của WHO tháng 7/2021, hiện nay đã có 184/193 (trên 95%) quốc gia thành viên của tổ chức này quản lý thuốc lá làm nóng theo luật về kiểm soát thuốc lá hoặc phân sản phẩm này vào danh mục hàng hóa khác. Chia sẻ về vấn đề kiểm soát thuốc lá thế hệ mới lậu để phòng tránh buôn lậu và biến tướng trên thị trường trong suốt thời gian qua, ông Lê Đại Hải thông tin, Bộ Công thương được Chính phủ giao chủ trì việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 về kinh doanh thuốc lá để đưa các dòng thuốc lá mới vào vòng kiểm soát. Dự thảo Nghị định này đã được Bộ Tư pháp thẩm định và đang trong quá trình hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét ban hành. Bước cuối cùng của tiến trình này là sự đồng thuận chính thức từ các Bộ ngành liên quan trước khi Chính phủ có câu trả lời chính thức trong năm 2022.