Sáng 14/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi) Quốc hội chính thức thông qua Luật Dầu khí sửa đổi |
Luật Dầu khí sửa đổi gồm 11 chương, 69 điều, quy định về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có liên quan đến điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.
Một trong những điểm nổi bật của Luật Dầu khí sửa đổi đó là đã dành một Chương VI để quy định về ưu đãi trong hoạt động dầu khí và chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí khai thác tận thu.
Đánh giá về những quy định này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh: Một số ý kiến nhất trí chính sách khai thác tài nguyên đối với mỏ dầu khí khai thác tận thu để nâng cao hiệu quả của hoạt động này, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam; đề nghị Chính phủ sớm quy định chi tiết nội dung này, bảo đảm chính sách đi vào cuộc sống.
Nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư trong lĩnh vực dầu khí đã được bổ sung, sửa đổi tại Luật Dầu khí sửa đổi |
Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Đây là chính sách mới của luật với nhiều nội dung mang tính đột phá, là cơ sở pháp lý cần thiết để khai thác hiệu quả hơn tài nguyên dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước trong bối cảnh dự báo những năm tới có nhiều mỏ dầu khí ở giai đoạn cuối đời mỏ sẽ chuyển sang thời kỳ khai thác tận thu.
Bên cạnh đó, tại Điều 54 của Luật cũng quy định Hợp đồng dầu khí đối với lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 32%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 10% và mức thu hồi chi phí tối đa 70% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.
Hợp đồng dầu khí đối với lô, mỏ dầu khí được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 25%, thuế suất thuế xuất khẩu dầu thô là 5% và mức thu hồi chi phí tối đa 80% sản lượng dầu khí khai thác được trong năm.
Trước đó, báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án Luật Dầu khí (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định: "Dự án Luật hướng đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia, bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế; tăng cường năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ của các bộ, các ngành. Dự án Luật đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết”.
Ngày 14/11, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ tư, Quốc hội đã họp phiên toàn thể tại hội trường, biểu quyết thông qua Luật Dầu khí (sửa đổi).
Luật Dầu khí sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.
Xem đầy đủ nội dung Luật Dầu khí (sửa đổi) tại đây