CôngThương - Đó là nhận định của Liên minh Đất đai (LANDA) với 18 thành viên là các tổ chức xã hội- nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển cộng đồng tại Hội thảo “Chia sẻ kết quả tham vấn cộng đồng và thăm dò ý kiến người dân để đóng góp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)” diễn ra chiều nay (17/10) tại Hà Nội.
Với nội dung của bản dự thảo này, người dân vẫn chưa có được tiếng nói quyết định đối với cuộc sống và sinh kế của mình khi đất đai bị thu hồi. Thực tế thực thi Luật Đất đai năm 2003 cho thấy người có đất bị thu hồi thường bị coi là người ngoài cuộc. Thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội, nhưng thực tế cuộc sống của những người có đất bị thu hồi lại thường khó khăn hơn do mất sinh kế, không tìm được việc làm thay thế, nhiều gia đình vì vậy bị đẩy trở lại tình trạng đói nghèo.
Các cuộc tham vấn cộng đồng trực tiếp và thăm dò ý kiến trên các báo điện tử do LANDA thực hiện cho thấy nguyện vọng sâu xa của người dân là chính sách đất đai và cơ chế chuyển dịch đất đai cần đảm bảo cuộc sống và sinh kế của họ, đặc biệt là nông dân sản xuất nhỏ, người nghèo, phụ nữ và người dân tộc thiểu số. Người dân cần được biết thông tin, được tham gia và được đồng thuận trước những quyết định về đất đai có ảnh hưởng đến đời sống của họ.
Trong cuộc khảo sát của LANDA tại 3 tỉnh Hòa Bình, Yên Bái và Quảng Bình có 84,68% số người được hỏi và thăm dò ý kiến đồng ý không trao thẩm quyền quyết định giá đất cho UBND cấp tỉnh. 92,35% ý kiến đồng ý rằng cần có sự tham gia của tổ chức định giá đất độc lập để thực hiện định giá đất nhằm đề xuất giá đất khách quan, phù hợp với thị trường trước khi cơ quan nhà nước quyết định. 93,3% đồng ý rằng người bị thu hồi đất có quyền tham gia giới thiệu danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập sẽ tham gia đấu thầu định giá đất để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Về cơ chế đồng thuận của người dân đối với phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư có 64,19% cho rằng cần lấy ý kiến của toàn bộ cộng đồng dân cư địa phương và 94,74% đồng ý rằng phương án chỉ được phê duyệt khi đạt được ít nhất 70% ý kiến đồng thuận.
LANDA cũng kiến nghị trong Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định nguyên tắc và tỷ lệ đồng thuận của người dân đối với các quyết định về đất đai có ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân như quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chỉ được phê duyệt khi có sự đồng thuận của 70% người dân địa phương nơi quy hoạch, phương án bồi thường hỗ trợ và tái định cư chỉ được phê duyệt khi có sự đồng thuận của 70% của người dân bị thu hồi đất. Bên cạnh đó, việc định giá đát không nên trao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh mà cần thành lập cơ quan định giá đất quốc gia trực thuộc trung ương, chính phủ hoặc quốc hội. Người bị thu hồi đất có quyền tham gia giới thiệu danh sách các tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập tham gia đấu thầu định giá đất để xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư…
Ông Phạm Văn Thành- Chủ tịch LANDA cho biết, việc Quốc hội quyết định lùi biểu quyết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đến tháng 10/2013 là một cơ hội lớn để người dân và các ban, ngành có thêm ý kiến cũng như cơ quan soạn thảo có thêm thời gian để cân nhắc thấu đáo việc sửa đổi sao cho có lợi nhất cho người dân, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.