Ngày đầu tiên trong hành trình đến với Trường Sa, trên boong tàu nhìn sóng nước mênh mông, mặt biển xanh ngắt và phẳng lặng, yên ả đến lạ kỳ. Tôi gặp Thiếu tướng - Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Khánh - Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân khi ông đang cùng với một số văn nghệ sỹ nói chuyện về “lính biển”. Ông chia sẻ, người lính hải quân chúng tôi thường có câu nói “Tổ quốc, con tàu và người thuyền trưởng” - đây là câu nói quen thuộc của đời thủy thủ, để khẳng định niềm tự hào trước nhiệm vụ vẻ vang và vai trò của người chèo lái con thuyền trước khó khăn, thử thách. | Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Khánh cùng các sỹ quan, thủy thủ trao đổi công việc trên tàu 571. | Tổ quốc, con tàu và người thuyền trưởng Theo Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Khánh, trên biển rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra, chúng tôi phải làm công tác chuẩn bị rất tốt trước mỗi chuyến đi. Người thuyền trưởng đòi hỏi phải có bản lĩnh vững vàng, giàu kinh nghiệm để xử lý các tình huống, đề phòng các rủi ro bất ngờ, bởi mặt biển rộng bao la, nhưng không phải chỗ nào cũng đi được, bên dưới có thể tiềm ẩn đá ngầm, bãi cạn… tất cả những điều đó tạo nên kỹ năng của người đi biển. Mặc dù không muốn nói về mình trong bài viết, bởi đối với Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Khánh, nhiệm vụ của mình cũng như bao nhiêu chiến sĩ, sĩ quan khác của Hải quân Việt Nam. Bên cạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương còn có nhiệm vụ hỗ trợ bảo vệ ngư dân trên biển, tham gia cứu hộ, cứu nạn. Nhưng tôi vẫn xin phép được ghi lại câu chuyện ông kể, với tôi và có lẽ với nhiều người khác đang được hưởng cuộc sống bình yên trong đất liền sẽ không thể tưởng tượng nổi những sóng gió, khó khăn và cả hiểm nguy mà cán bộ, chiến sỹ làm nhiệm vụ trên biển đã từng trải qua. Họ cũng là những con người bình thường, phía sau họ, là gia đình, người thân đang mong mỏi họ về, nhưng bằng vào ý chí kiên cường và trách nhiệm với Tổ quốc, với Nhân dân, nhiều thời điểm cận kề giữa sự sống và cái chết, họ đã vượt qua nỗi sợ hãi của chính mình trước sức mạnh của giông tố, trước những hiểm nguy không thể lường trước. Với các anh Tổ quốc là thiêng liêng, là trên hết - Tổ quốc, con tàu và Người thuyền trưởng - khi ra khơi người thuyền trưởng sẽ phải tự quyết định tất cả trong suốt hải trình. | | Sinh năm 1967 ở Hải Phòng, vì yêu thích trang phục của người lính hải quân, năm 17 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Viết Khánh quyết định vào quân ngũ và trải qua quá trình đào tạo sĩ quan ở trong nước và nước ngoài. Khi về nước, ông được phân công công tác tại Vùng 1 Hải quân rồi tiếp tục được cử đi đào tạo lớp thuyền trưởng tàu cấp 3. "Sau đó tôi được chuyển sang công tác tại Vùng 5 Hải quân và được giao trọng trách làm thuyền trưởng một tàu có nhiệm vụ tuần tiễu tại khu vực Vịnh Thái Lan để khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương và bảo vệ ngư dân Việt Nam vươn khơi bám biển" - Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Khánh kể. Có thể nói thời gian đó, người sỹ quan trẻ Nguyễn Viết Khánh chủ yếu lênh đênh trên biển, ông cười nói: Với tôi cũng như nhiều chiến sĩ khác khi thực hiện nhiệm vụ đều phải tập trung cao độ cho công việc và chấp nhận xa gia đình, xa vợ con. Ông chia sẻ, là một quân nhân và là thuyền trưởng khi ra ngoài biển, trong hải quân của chúng tôi có câu nói rất đỗi tự hào: Tổ quốc, con tàu và người thuyền trưởng. Khi mình ra biển mình phải tự quyết định xử lý các tình huống khó khăn, bất lợi có thể xảy ra nhất là các khu vực nhạy cảm. | | Để đáp ứng niềm tự hào đó, mỗi người cán bộ, chiến sĩ hải quân, thuyền trưởng phải chấp nhận gian khổ, phải chịu trách nhiệm chỉ huy con tàu và phải đưa ra những quyết định, có những quyết định có thể gây ra chiến tranh do vậy phải hết sức thận trọng và tỉnh táo. Chúng tôi đều thuộc lòng đối sách "9K" khi thực hiện bảo vệ chủ quyền trên biển, đó là: 1 - Kiên quyết, 2 - Kiên trì, 3 - Khôn khéo, 4 - Không khiêu khích, 5 - Kiềm chế, 6 - Không nổ súng trước, 7 - Không mắc mưu khiêu khích, 8 - Không để nước ngoài lấn chiếm biển đảo, 9 - Không để xảy ra xung đột. "Do vậy mình phải bình tĩnh, quyết đoán để đưa ra phương án tốt nhất, nếu chỉ sơ suất có quyết định sai lầm thì hậu quả sẽ rất nặng nề" - Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Khánh cho hay. | Cứu người trong siêu bão Linda Trong sự nghiệp của mình khi là thuyền trưởng một tàu tuần tiễu ở Vùng 5 Hải quân, Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Khánh không thể nào quên cơn bão số 5 (siêu bão Linda) năm 1997 đã quét qua vùng biển và đất liền các tỉnh Nam Bộ, khiến hàng nghìn người chết và mất tích. Đây là cơn bão lịch sử có sức tàn phá dữ dội. Cơn bão đi qua đã để lại hậu quả vô cùng to lớn với những mất mát về người, thiệt hại về tài sản, những đau thương mất mát do cơn bão gây ra là không thể đo đếm được. | Tác giả và Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Khánh | | Bên ấm trà nóng trong phòng dành cho chỉ huy trên tàu, Chuẩn đô đốc Nguyễn Viết Khánh kể: Khi cơn bão số 5 đổ vào khu vực Vịnh Thái Lan, lúc đó tàu của tôi không phải quá lớn nhưng là tàu “chống sóng”, đêm hôm trước tôi thức bảo đảm an toàn cho tàu, gần sáng chúng tôi nhận được điện báo rất nhiều ngư dân gặp nạn trên biển và phải ra ứng cứu. Lúc đó các lực lượng phân chia từng tuyến, bộ đội biên phòng thì tiến hành khu vực gần bờ, còn chúng tôi phải lao ra ngoài biển. Khi chúng tôi ra khỏi khu vực neo đậu, bão vẫn chưa tan, sóng biển rất cao, sóng lừng từ ngoài biển dồn về, tôi đứng trên đài chỉ huy – nơi cao nhất của con tàu, từng cơn sóng như muốn nhấc bổng con tàu lên, nước tràn qua ướt sũng. Trông thấy sóng như thế các cán bộ, chiến sỹ trên tàu đều biết rằng đây là chuyến đi cực kỳ hiểm nguy có thể sẽ phải hy sinh trên biển. Ngày đó, tàu của chúng tôi dùng máy đề nổ khí, do vậy phải tính toán rơi neo đến điểm nào thì mình đề nổ khí và để tránh va chạm vào đá ngầm hay bãi cạn… | Cả ngày hôm đó chúng tôi đi lại trên mặt boong, nhiều tàu của ngư dân đã bị chìm trên biển, trước những con sóng dữ tôi cảm nhận rõ ràng về những hiểm nguy bủa vây chúng tôi, và chắc chắn nếu chúng tôi gặp nạn trên biển thì sẽ không có ai có thể cứu được. Đến khoảng 4h chiều cùng ngày, trong đống can, phao nổi trên biển, thông qua các tổ quan sát bằng ống nhòm tôi nhận được báo của một thuyền viên vẫn còn người sống. Sóng to, gió lớn như vậy chúng tôi phải tính toán nhanh, xác định cách tiếp cận sao cho không va chạm với người và vớt người lên thuận tiện nhất. Thật may mắn với các quyết định dừng máy và chỉ cần 2 cơn sóng dồn vào là chúng tôi vớt được người mà không cần phải quăng dây hoặc phao, đã cứu được 7 người. Sau khi cứu được đợt đầu tiên (4 người) khí thế của các chiến sĩ trên tàu đã được nâng lên, anh em trên tàu phấn khởi, tập trung quan sát và cứu thêm được 3 người nữa. Sau đấy, chúng tôi tiếp tục dùng đèn pha tìm kiếm trong đêm xung quanh khu vực Hòn Chuối (Cà Mau). Trở lại khoang tàu gặp ngư dân được cứu để thăm hỏi, qua lời kể của một ngư dân khiến tôi rất cảm động. Theo lời ngư dân kể: Tầm 3h sáng sóng to, gió lớn tàu bị bục ra, mọi người đã tát nước tìm cách cứu con tàu, có người ngư dân già có kinh nghiệm đi biển khuyên hãy chấp nhận tàu chìm và giữ sức để chờ lực lượng ứng cứu và thấy cái gì có thể ăn được mà nổi lên (kể cá tươi) thì cầm giữ lấy để khi đói có thể ăn. | Sau khi cứu sống được các ngư dân đó chúng tôi chuyển các ngư dân sang tàu cứu hộ khác để tiếp tục hành trình thực thi nhiệm vụ tuần tiễu trên biển. May mắn là hơn 30 cán bộ chiến sĩ trên tàu mặc dù một ngày đêm vật lộn sóng dữ để cứu ngư dân nhưng tất cả mọi người đều an toàn, không ai bị thương. Chuẩn đô đốc tâm sự, trong cơn bão Linda đó, trước những cơn sóng dữ nhiều thủy dày dạn kinh nghiệm đi biển cũng khó tránh khỏi sự xao động, những lúc như vậy người thuyền trưởng phải bình tĩnh, tỉnh táo. Giữa giông bão, tàu cá của ngư dân mình nhỏ nhoi lắm, những lúc như vậy phải nhìn bằng ống nhòm mới có thể thấy được những chấm đen giữa biển khơi. Không chỉ hỗ trợ ứng cứu ngư dân trên biển, cùng với lực lượng hải quân, Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng trong những năm qua đã tổ chức, xây dựng một số âu tàu, làng chài, Trung tâm dịch vụ nghề cá… để ngư dân vào trú, tránh bão, tiếp nhận các dịch vụ nghề cá, thực hiện vươn khơi bám biển. | Những món quà từ đất liền được gửi đến các chiến sĩ, người dân ở Trường Sa. | Xem tiếp bài 3: Vòm ngực mẹ Tổ quốc giữa trùng khơi | |