Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc ưu tiên thực hiện trước Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông theo hình thức PPP là rất cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn tới. Bởi theo nghiên cứu, dự báo của các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế, đến năm 2020 nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm. Nếu không có tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông hoặc đường sắt tốc độ cao thì nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam sẽ vượt tổng năng lực của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao yêu cầu nguồn kinh phí rất lớn, công nghệ phức tạp, chắc chắn không thể triển khai trước năm 2025.
Mô hình thiết kế một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông |
Chính phủ Việt Nam đã quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc đến năm 2020, tầm nhìn 2030 gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411 km, trọng tâm là tuyến đường bộ cao tốc trên hành lang kinh tế Bắc - Nam kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài khoảng 2.109 Km (đã khai thác và đang đầu tư khoảng 601 km). Trong đó, Dự án Cao tốc Bắc -Nam phía Đông triển khai trong giai đoạn 2017-2020, nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam sẽ thực hiện đầy đủ các cam kết trong cộng đồng ASEAN, WTO và hội nhập quốc tế sâu rộng; Đáp ứng nhu cầu vận tải một số đoạn cấp bách trên tuyến Bắc - Nam với năng lực lớn, an toàn, tốc độ cao, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông; Từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đảm bảo quốc phòng - an ninh; Kết nối Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với 4 vùng kinh tế trọng điểm, các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp trọng yếu và các cửa khẩu, cảng biển quốc tế.
Ngày 22 tháng 11 năm 2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 52/2017/QH14 thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, gồm 11 dự án thành phần, với chiều dài khoảng 654 Km, tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng (vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án là 55.000 tỷ đồng); tiến độ thực hiện yêu cầu cơ bản hoàn thành năm 2021. |
Chính phủ cam kết: Bố trí vốn thực hiện toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng; bố trí vốn góp của Nhà nước để hỗ trợ xây dựng công trình nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính cho dự án; ưu đãi và bảo đảm đầu tư cho nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án; nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn hoặc được giảm tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai; bảo đảm về quyền sở hữu tài sản trong thời gian dự án; các ưu đãi và bảo đảm khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết thêm, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tham gia dự án tính toán trong báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu với tỷ lệ 20% tổng vốn đầu tư BOT. Sử dụng giá trị vốn góp của Nhà nước thông qua đấu thầu là giá trị thanh toán cho nhà đầu tư. Sau khi đã giải ngân hết 50% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư và đủ điều kiện giải ngân phần vốn vay, sẽ thực hiện giải ngân song song theo tỷ lệ phần vốn đầu tư của Nhà nước, vốn vay thương mại và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư trên cơ sở khối lượng thực hiện được nghiệm thu và được quy định tại hợp đồng dự án.
Nhà nước khuyến khích nhà đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại trong tổ chức thi công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Việc thay đổi giải pháp kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ mới dẫn đến kinh phí tăng - giảm do nhà đầu tư tự chịu hoặc được hưởng.