Cập nhật tình hình ngập, úng tại Nam Định Nam Định: Nước sông Ninh Cơ dâng cao, tràn nước đê bối xã Phương Định |
Theo bản tin lũ khẩn phát lúc 12 giờ ngày 11/9 của Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Nam Định, mực nước trên các sông của tỉnh đang tăng nhanh. Vào lúc 11 giờ 30, mực nước trên sông Đào tại Trạm thuỷ văn Nam Định là 5,04 m (trên báo động 3 là 0,74 m); trên sông Ninh Cơ tại Trạm Trực Phương là 3,64 m (trên báo động 3 là 1,04 m). Lúc 11 giờ ngày 11/9, mực nước trên sông Đáy tại Trạm Ninh Bình là 3,87 m (trên báo động 3 là 0,3 m); tại Phủ Lý là 4,99 m (trên báo động 3 0,99 m); trên sông Hồng tại Trạm Tiến Đức là 6,63 m (trên báo động 3 0,33 m).
Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh dự báo mực nước các sông tiếp tục lên và khả năng đạt đỉnh vào trưa đến chiều tối ngày 11/9; biên độ lũ 2-3,2 m; độ sâu ngập lụt bãi bồi ven sông 0,7-1,7 m. Trên sông Đào tại Nam Định; trên sông Ninh Cơ tại Trực Phương; trên sông Đáy tại Ninh Bình, Phủ Lý; trên sông Hồng tại Tiến Đức tiếp tục duy trì ở mức trên báo động 3.
Lũ trên các sông đạt cấp độ 3: Nam Định phát cảnh báo khẩn về ngập lụt, sạt lở. Ảnh: Nguyễn Nhung |
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ trên các sông cấp 3; cần đề phòng sạt lở vùng ven đê sung yếu và ngập lụt, sạt lở đất ở bãi bồi, vùng ven sông.
Ngay từ sáng sớm hôm nay 11/9, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại huyện Trực Ninh và thành phố Nam Định.
Tại các điểm kiểm tra, lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong một vài ngày tới, tình hình mưa, lũ còn diễn biến phức tạp, bất thường; vì thế yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai các địa phương cần tập trung tối đa nhân lực, thiết bị để sẵn sàng phương án ứng cứu với các tình huống ngay giờ đầu.
Chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để trong tình huống khẩn cấp tổ chức di dời 100% người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, kể cả cưỡng chế di dời nếu cần thiết; chuẩn bị đầy đủ chỗ ở, lương thực, thực phẩm cho người dân tại nơi tránh trú, thường xuyên cử người thường trực, chuẩn bị các loại vật tư sẵn sàng phòng, chống, đảm bảo an toàn tuyến đê... Theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết và tình hình thực tế tại các điểm xung yếu; phát hiện các tình huống phát sinh, kịp thời báo cáo tỉnh để điều động nhân lực, thiết bị ứng phó, đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng của nhân dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.