Longform
08/08/2024 12:06
Longform | Xây dựng và bảo vệ thương hiệu 'quốc bảo' sâm Ngọc Linh

08/08/2024 12:06

Các địa phương, cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công Thương đã tích cực vào cuộc bảo vệ, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho cây sâm Ngọc Linh.
Longform | Xây dựng và bảo vệ thương hiệu 'quốc bảo' sâm Ngọc Linh

Từ “cây thuốc giấu” của đồng bào Xê Đăng, sâm Ngọc Linh đã trở thành sản vật quý hiếm bậc nhất của người dân miền núi 2 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Các địa phương, cơ quan chức năng, trong đó có Bộ Công Thương đã tích cực vào cuộc bảo vệ, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho loại cây quý này.

Cây sâm QUÝ trên đỉnh núi mờ sương

Từ hàng ngàn năm nay, người Xê Đăng sinh sống xung quanh vùng núi Ngọc Linh (thuộc địa phận giao giữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Nam) đã xem củ sâm Ngọc Linh là "thần dược", giúp họ chống chọi được với bệnh tật nơi rừng thiêng nước độc. Loại củ nhỏ bằng ngón tay cái, lại mọc tận giữa rừng sâu được dân làng quý trọng gọi là cây “thuốc giấu”.

Các nóc làng người Xê Đăng sống quanh quần ở lưng chừng đỉnh núi Ngọc Linh cao hơn 2.589 mét mây phủ quanh năm nên muốn lên đây chỉ có cách duy nhất là leo núi với những dốc cao dựng đứng. Trên đỉnh núi mờ sương như chạm đến mây trời là nơi sinh sống của cây sâm Ngọc Linh quý hiếm.

Longform | Xây dựng và bảo vệ thương hiệu 'quốc bảo' sâm Ngọc Linh
Trên đỉnh núi mờ sương như chạm đến mây trời là nơi sinh sống của cây sâm Ngọc Linh quý hiếm

Những già làng Xê Đăng đã sống cả cuộc đời gần đỉnh Ngọc Linh cho biết, cây sâm Ngọc Linh có từ hàng ngàn năm trước và được dân làng xem như một loại thần dược để chữa bệnh. Theo tiếng Xê Đăng thì củ sâm Ngọc Linh bây giờ có tên gọi là củ Kang. Cách đây khoảng hai mươi năm về trước, củ Kang mọc đầy rẫy trong rừng già. Mỗi khi có người ốm đau, bệnh tật chỉ cần vào rừng nhổ về giã nhuyễn để trị bệnh. Từ xa xưa, cha ông đã biết dùng loại củ này để cầm máu viết thương sau mỗi chuyến đi săn thú rừng. Hoặc những lúc trẻ nhỏ bị đau bụng, tiêu chảy, người già kiệt sức, đột quỵ, sốt rét… chủ yếu dựa vào củ Kang để giữ sinh mệnh. Nhưng bây giờ, do khoa học phát hiện đây là loại sâm quý nhất ở Việt Nam nên sâm tự nhiên trong rừng già đã không còn nữa. Thay vào đó là những vườn sâm tập trung được người dân xung quanh tự nhân giống đưa vào trồng để bán lấy tiền, làm giàu.

Sâm Ngọc Linh là loài cây đặc hữu, quý hiếm, phân bố hẹp và được xem như là một trong những quốc bảo của Việt Nam do có giá trị dược liệu vượt trội so với các loài sâm khác trên thế giới thuộc chi Panax. Đây là loại sâm quý hiếm được tích tụ những tinh hoa của đất trời nên chứa dưỡng chất quý giá tốt cho sức khỏe và được thế giới đánh giá rất cao với cái tên “Nhất Đẳng Hùng Sâm”.

Kết quả nghiên cứu dược lý thực nghiệm cho thấy sâm Ngọc Linh có nhiều tác dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh, nhất là có tác dụng phục hồi sự suy giảm chức năng; kháng các độc tố gây hại tế bào, giúp kéo dài sự sống của tế bào... Bởi lẽ đó, sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế rất cao, trồng 1 ha, sau 8 năm lợi nhuận có thể đạt hơn 2,7 tỷ đồng. Đây được xem là cây trồng xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, là cây trồng chiến lược cho các nhà đầu tư.

Longform | Xây dựng và bảo vệ thương hiệu 'quốc bảo' sâm Ngọc Linh

Ở tỉnh Quảng Nam, cây sâm Ngọc Linh chủ yếu trồng ở huyện Nam Trà My. Theo quy hoạch, huyện Nam Trà My có hơn 15.500 ha trồng sâm Ngọc Linh ở 7/10 xã. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Nam Trà My đã có 9/10 xã trồng sâm Ngọc Linh và các loại cây dược liệu khác.

Tại Kon Tum, sâm Ngọc Linh được trồng chủ yếu ở huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei. Kon Tum hiện có khoảng 1.240 ha sâm. Số lượng này tập trung chủ yếu ở huyện Tu Mơ Rông với hơn 1.190 ha, còn lại ở huyện Đăk Glei.

Tỉnh Kon Tum đang hướng đến mục tiêu phát triển sản phẩm đặc hữu sâm Ngọc Linh Kon Tum gắn với đẩy mạnh quảng bá và khẳng định thương hiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh Kon Tum tại thị trường trong nước và quốc tế; sớm đưa sâm Ngọc Linh Kon Tum trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực quốc gia, có vị thế hàng đầu trong nước và trên thị trường thế giới. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Kon Tum sẽ có khoảng 10 nghìn ha với 100 triệu cây sâm Ngọc Linh.

Doanh nghiệp vào cuộc giữ gìn cây sâm

Sâm Ngọc Linh là sản phẩm quý, có giá trị cao, tác dụng rất tốt với sức khoẻ người sử dụng. Tuy nhiên ít ai biết rằng, sản phẩm này đã có thời gian đứng bên bờ vực tuyệt chủng.

Ông Trần Hoàn - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sâm Ngọc Linh Kon Tum chia sẻ, những năm 1990, sâm Ngọc Linh đang bên bờ tuyệt chủng. Bởi vậy, cứ nghe ở đâu bà con đi rừng kiếm được sâm, ông cùng mọi người lại tới mua mang về ươm trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh, cây phát triển rồi lấy hạt nhân giống tiếp. Công ty đang cùng người dân bảo vệ rừng, đồng thời cung cấp giống cho bà con để phát triển nguồn sâm. Mảnh đất Tu Mơ Rông nói riêng đã có rất nhiều tỷ phú nhờ sâm Ngọc Linh.

Longform | Xây dựng và bảo vệ thương hiệu 'quốc bảo' sâm Ngọc Linh

Với giá trị kinh tế cao và được tỉnh Kon Tum chọn là cây thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số tại hai huyện Đắk Glei và Tu Mơ Rông, công ty chúng tôi sẵn sàng bán cây giống, hạt giống sâm Ngọc Linh cho người dân. Không chỉ cung cấp giống, chúng tôi cam đoan sẽ hướng dẫn kỹ thuật trồng, cách chăm sóc cây sâm Ngọc Linh và bao tiêu toàn bộ sản phẩm” - ông Trần Hoàn khẳng định.

Đã gắn bó với cây sâm Ngọc Linh hơn 15 năm, với ước mơ phát huy thật tốt giá trị của cây sâm quý, ông Trần Đức An - Tổng Giám đốc Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông (Kon Tum) chia sẻ, dù là loại dược liệu quý, song những củ sâm tươi rất dễ hư, thối và khó bảo quản, khiến hiệu suất tiêu thụ của người dân không cao. Thương công sức của ba mẹ và người dân, tôi nhận ra nhược điểm này và quyết định tìm tòi cách cải thiện.

Với sự kiên định và nỗ lực không ngừng, cộng với việc đầu tư nghiên cứu nghiêm túc về cây sâm, ông Trần Đức An và những cộng sự đã từng bước vượt qua thử thách và bước đầu đạt được thành công. Những cây sâm đầu tiên bắt đầu bám rễ, lớn lên và bám chặt vào đất núi Tu Mơ Rông. Những giọt mồ hôi, nước mắt và cả công sức của người dân đổ xuống đã đổi lại những vườn sâm xanh mướt mát, bạt ngàn. Hiện nay, Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông tự hào sở hữu vườn sâm Ngọc Linh rộng lớn, có chất lượng hàng đầu cả nước.

Từ nguồn nguyên liệu chất lượng, quý giá, Công ty cổ phần Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông bắt đầu đi vào sản xuất ra nhiều sản phẩm chất lượng, góp phần cải thiện sức khỏe và đời sống của người tiêu dùng Việt.

Xác định đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng nhất từ nguồn sâm quý, Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông đã tập trung nghiên cứu kỹ lưỡng và cam kết về chất lượng sản phẩm. Theo đó, công ty đã nghiêm túc đầu tư vào nghiên cứu công nghệ chiết xuất hoạt tính từ sâm Ngọc Linh để tạo ra những sản phẩm chăm sóc sức khỏe hiệu quả cao” – ông Trần Đức An thông tin.

Longform | Xây dựng và bảo vệ thương hiệu 'quốc bảo' sâm Ngọc Linh

Từ tình yêu với cây sâm quê nhà, bằng sự đầu tư nghiêm túc vào chất lượng sản phẩm, đến nay, Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông tự hào sở hữu dòng sản phẩm đa dạng và có nhiều ưu thế nổi trội so các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Trong đó, nguồn nguyên liệu được trồng tại vườn của công ty với diện tích rộng lớn và được quản lý chặt chẽ để bảo đảm luôn tươi mới và đạt tiêu chuẩn. Công nghệ sản xuất sản phẩm hiện đại, tiên tiến với quy trình sản xuất hiện đại, kết hợp với kỹ thuật truyền thống để bảo đảm chất lượng cao nhất. Danh mục sản phẩm đa dạng từ củ tươi, trà hòa tan, rượu sâm đến thạch collagen làm đẹp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng.

Năm 2023, Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông vinh dự trở thành 1 trong 2 đơn vị được cấp chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ. Điều này góp phần tạo nên sự uy tín rất lớn cho sâm Ngọc Linh và các sản phẩm khác của công ty.

Tăng cường quảng bá cho sản phẩm

Để quảng bá cho sản phẩm sâm Ngọc Linh, đặc biệt là để người dân phân biệt được các loại sâm thật giả, Lễ hội Sâm Ngọc Linh đã được tỉnh Quảng Nam tổ chức liên tiếp trong 6 năm nay.

Longform | Xây dựng và bảo vệ thương hiệu 'quốc bảo' sâm Ngọc Linh

Lần thứ 6 được tổ chức, Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ VI năm 2024, với chủ đề Ngọc Linh - Mãi mãi tự hào diễn ra từ ngày 1 - 3/8/2024 nhằm quảng bá, giới thiệu đến với bạn bè trong và ngoài nước một loại cây dược liệu quý của nước ta, đó là cây sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam; đưa Sâm Ngọc Linh trở thành cây dược liệu có thương hiệu, giá trị kinh tế cao, sánh ngang những loại sâm trên thế giới như sâm Hàn quốc, sâm Mỹ, sâm Nga, sâm Canada...

Đáng chú ý, để tạo sức hút với người tiêu dùng, trong khuôn khổ các hoạt động của Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ VI năm 2024, hội thi sâm Ngọc Linh là một hoạt động khá sôi nổi và thú vị, thu hút được đông đảo người dân tham và và du khách đến trải nghiệm. Hội thi sâm Ngọc Linh năm nay thu hút hơn 100 hộ dân tham gia. Theo đó, các hộ đã mang tới hội thi khoảng 300 "thí sinh sâm" ở các độ tuổi: 1-4 năm tuổi, 5 năm tuổi, 7 năm tuổi, 9 năm tuổi và 10 năm tuổi.

Sau khi đoạt giải, các cây sâm được bán đấu giá để ủng hộ Quỹ xoá nhà tạm cho hộ nghèo trên địa bàn huyện Nam Trà My. Kết quả, buổi đấu giá đã thu về hơn 361 triệu đồng, toàn bộ kinh phí trên dùng để ủng hộ công tác xóa nhà tạm trên địa bàn huyện Nam Trà My. Đây là một trong những hoạt động không chỉ góp phần làm phong phú thêm cho lễ hội sâm Ngọc Linh năm 2024, mà còn có ý nghĩa nhân văn.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, cho biết: Tỉnh Quảng Nam, huyện Nam Trà My cũng có cơ chế hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển cây sâm Ngọc Linh, trong đó có việc cho thuê dịch vụ môi trường rừng, hỗ trợ 80% vốn cho người dân trồng sâm Ngọc Linh. Hiện, trên địa bàn huyện Nam Trà My có 18 doanh nghiệp đầu tư trồng và phát triển cây sâm Ngọc Linh và 1 doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến dược liệu. Trong tương lai, Quảng Nam mong muốn thu hút nhiều doanh nghiệp vào đầu tư để chế biến sâu các sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh, như: Dược liệu, dược phẩm, mỹ phẩm, nước uống… nâng cao giá trị sâm Ngọc Linh.

Về phía Bộ Công Thương, để hỗ trợ cho người trồng sâm Ngọc Linh, năm 2023, Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức mở cửa Phòng Trưng bày chuyên đề “Nhận diện đúng Sâm Ngọc Linh trên thị trường”. Bên cạnh trưng bày các sản phẩm củ tươi để so sánh thật giả, Phòng Trưng bày “Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường” còn giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm khác được chiết xuất từ sâm như: Rượu lá sâm Ngọc Linh; rượu hoa sâm Ngọc Linh... cùng các sản phẩm khác như: Trà sâm Ngọc Linh, nước tăng lực sâm Ngọc Linh, tổ yến sâm Ngọc Linh, tổ yến sâm Ngọc Linh K5 Kids, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sâm Ngọc Linh, dịch chiết Sâm Ngọc Linh...

Longform | Xây dựng và bảo vệ thương hiệu 'quốc bảo' sâm Ngọc Linh

Phòng Trưng bày với chủ đề “Nhận diện đúng sâm Ngọc Linh trên thị trường” diễn ra trong tháng 4 nhằm giúp người tiêu dùng, khách tham quan trang bị những kiến thức trong việc nhận diện đúng sản phẩm sâm Ngọc Linh trồng tại Kon Tum và một số loại sâm khác. Đồng thời, giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc chọn mua sâm Ngọc Linh và các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ngoài ra, Phòng Trưng bày cũng hướng tới mục tiêu giới thiệu các địa chỉ uy tín, chính hãng trong việc kinh doanh, phân phối các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh; qua đó góp phần phòng, tránh mua phải hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Mặt khác, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ trên thị trường.

Quan tâm đặc biệt đến sản phẩm sâm Ngọc Linh, ngày 7/8, tại buổi làm việc với tỉnh Kon Tum, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đưa ra cảnh báo về tác động của Quy định chống phá rừng của châu Âu (EUDR) đến các loại nông sản tại tỉnh Kon Tum nói riêng, vùng Tây Nguyên nói chung.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Kon Tum là tỉnh miền núi và là 1 trong 6 tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước; có lợi thế phát triển các loại cây nông nghiệp giá trị cao gắn với các sản phẩm đặc thù như cà phê, cao su, mắc-ca, sâm Ngọc Linh, cây dược liệu. Để thúc đẩy xuất khẩu, tỉnh Kon Tum cần tận dụng lợi thế về các loại cây nông nghiệp có giá trị cao.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, EUDR sẽ được áp dụng từ tháng 1/2025 đối với nhà nhập khẩu lớn và từ tháng 6/2025 đối với doanh nghiệp nhỏ. Theo đó, châu Âu sẽ cấm nhập khẩu các sản phẩm được sản xuất trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng thuộc 7 nhóm hàng nông sản (chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, dầu cọ, cao su, đậu nành, gỗ và sản phẩm từ gỗ). Với tỉnh Kon Tum, có 3 mặt hàng chủ đạo bị ảnh hưởng bởi quy định này là cà phê, cao su, gỗ và các sản phẩm từ gỗ.

“Thậm chí, ngay cả sâm Ngọc Linh, nếu chúng ta không làm tốt công tác truyền thông, không có cách giải mã vướng mắc về EUDR thì sẽ không ra được thế giới. Một là bị đánh thuế rất cao, hai là thế giới không mua. Đây là một thực tế mà chúng tôi mong muốn tỉnh Kon Tum phải lưu ý, nhất là các Sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ của tỉnh phải quan tâm, giải mã thách thức” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý.

Thời gian tới, hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum xác định tận dụng lợi thế về cây dược liệu, cây sâm Ngọc Linh để tập trung phát triển du lịch sinh thái, nhất là du lịch vùng sâm; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, trồng, tái sinh rừng; gắn chặt việc trồng sâm với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái rừng trên địa bàn; xây dựng thương hiệu mạnh để gìn giữ nguồn sâm quý của địa phương.

Phương Lan

Đồ họa: Ngọc Lan

Ảnh: Phương Lan, Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ

Phương Lan - Ngọc Lan

Có thể bạn quan tâm

Trường Đại học Điện lực đề xuất phối hợp với Nhật Bản để phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân

Trường Đại học Điện lực đề xuất phối hợp với Nhật Bản để phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân

Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực đề xuất phối hợp với một số tập đoàn lớn của Nhật Bản xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân.
Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nhân lực cho dự án điện hạt nhân Việt Nam

Nhật Bản sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nhân lực cho dự án điện hạt nhân Việt Nam

Các doanh nghiệp, trường đại học của Nhật Bản đều bày tỏ vui mừng khi Việt Nam tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân và mong muốn sẵn sàng hợp tác.
Chiến sự Nga-Ukraine sáng 22/12: Lính NATO thiệt mạng ở Kharkov; bất ngờ cách tuyển quân của Ukraine

Chiến sự Nga-Ukraine sáng 22/12: Lính NATO thiệt mạng ở Kharkov; bất ngờ cách tuyển quân của Ukraine

Lính NATO thiệt mạng ở Kharkov, bất ngờ cách tuyển quân của Ukraine,... là những thông tin đáng chú ý trong bản tin chiến sự Nga-Ukraine sáng 22/12.