Bắc Giang đã lên kế hoạch tiêu thụ vải thiều ngay từ những ngày đầu tháng 4 để chuẩn bị cho mùa vải năm 2023 dự kiến sẽ được mùa với khoảng trên 180 nghìn tấn. |
Sản lượng vải thiều dự kiến đạt trến 180 nghìn tấn |
Năm 2022, tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều khá thuận lợi, hơn 40% sản lượng được xuất khẩu, trong đó có nhiều thị trường mới tại một số nước thuộc Liên minh châu Âu và Trung Đông. Mặc dù vậy, do thời gian thu hoạch ngắn, lại thiếu liên kết nên tại một số thời điểm giá thu mua thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân; nhiều diện tích đã được cấp mã vùng trồng song do không tuân thủ đúng yêu cầu nên sản phẩm không đủ điều kiện xuất khẩu, thậm chí phải “quay đầu”. Năm 2023, thị trường được đánh giá đang dần ổn định trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát, Trung Quốc mở lại biên giới từ ngày 8/1. Để tiêu thụ vải thiều, UBND các huyện đã sớm xây dựng kế hoạch, phương án tiêu thụ. Nắm bắt cơ hội thị trường Trung Quốc mở cửa, ga Kép trở thành ga liên vận quốc tế, năm nay, UBND huyện Lục Ngạn phấn đấu tiêu thụ 78,3 nghìn tấn vải tươi (chiếm gần 80% sản lượng), trong đó xuất khẩu 43,3 nghìn tấn, chủ yếu sang thị trường Trung Quốc. Đến nay, UBND huyện đã thành lập 2 đoàn công tác, phối hợp cùng Sở Công Thương khảo sát, tìm hiểu thị trường tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc); các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn cũng như các chợ đầu mối phía Nam. Thông tin tại Hội nghị về tình hình sản xuất và kế hoạch tiêu thụ, xúc tiến, xuất khẩu vải thiều năm 2023 do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức mới đây cho thấy, năm 2023, tổng diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang là 29.700ha (tăng 1.400ha so với năm 2022). Tỷ lệ vải ra hoa đạt tương đương năm 2022, vải sớm ra hoa, đậu quả đạt trên 90%; vải chính vụ ra hoa, đậu quả đạt trên 85%. Sản lượng vải thiều toàn tỉnh dự kiến đạt trên 180 nghìn tấn. Nhằm duy trì chất lượng và tiêu chuẩn vải thiều đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang đã đẩy mạnh chỉ đạo các vùng trồng vải duy trì các mã số vùng trồng đối với các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Thái Lan. Đồng thời, phối hợp với các địa phương rà soát 300 cơ sở đóng gói trên toàn tỉnh. Cùng đó, Sở đã hỗ trợ 5 doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện đăng ký xuất khẩu các mặt hàng chế biến có nguồn gốc thực vật sang thị trường Trung Quốc, trong đó Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Lục Ngạn đã được Trung Quốc cấp mã số xuất khẩu, hồ sơ của 4 đơn vị khác đang chờ Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Với thị trường Hoa Kỳ, ngày 17/3 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có buổi làm việc với cơ quan APHIS, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Cục Bảo vệ thực vật để đánh giá, xem xét điều kiện chiếu xạ tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội. Vùng vải thiều sớm Tân Yên dự kiến sẽ cho thu hoạch từ 25/5 - 15/6. Để tập trung làm tốt cho công tác xúc tiến, tiêu thụ vải thiều năm 2023, huyện cũng đang tập trung hướng dẫn, giám sát, quản lý các hộ sản xuất vải thiều sớm về công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên vải thiều; xây dựng kế hoạch cụ thể công tác xúc tiến, tiêu thụ trong thời gian tới đây. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi, duy trì hiệu quả các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đảm bảo theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu. |
Thời gian qua, cơ quan chuyên môn của huyện Tân Yên đã mời các doanh nghiệp đến địa bàn tìm hiểu, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đến nay có một số doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh đặt lịch thăm và dự kiến thu mua vải thiều xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và các nước châu Âu; các công ty: Toàn Cầu, Rồng Đỏ, Ammay cũng đã kết nối với các mã vùng trồng để thu mua sản phẩm phục vụ xuất khẩu, chế biến. Về phía Sở Công Thương Bắc Giang, để chuẩn bị kỹ càng cho công tác tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại vải thiều năm 2023, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, ngay từ đầu năm, Sở đã có sự phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm nắm bắt tình hình sản xuất vụ vải thiều năm 2023. Qua đó thực hiện tốt công tác dự báo, chủ động, sớm có định hướng, chuẩn bị xây dựng chương trình, kế hoạch, phương án dự kiến tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều cho mùa vụ năm 2023. Bên cạnh đó, phối hợp thường xuyên với các cơ quan, đơn vị của Bộ Công Thương nhằm nắm bắt xu hướng thuận lợi, khó khăn tại các thị trường xuất khẩu; đặc biệt quan tâm thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng; qua đó, xây dựng các hoạt động xúc tiến tiêu thụ vải thiều sát với tình hình thực tiễn. Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm có tiềm năng… Cùng với đó, Sở sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ vải thiều tươi và các sản phẩm chế biến từ vải thiều tại các hội chợ, triển lãm... Tổ chức gian trưng bày tham gia quảng bá vải thiều và các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh Bắc Giang tại Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam và Pháp lần thứ 12. Đồng thời, làm việc với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam giới thiệu, quảng bá vải thiều và các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh trên các chuyến bay bằng các tài liệu, ấn phẩm, video clip… |
“Tâm vải” Lục Ngạn lên kế hoạch sớm |
Được coi là trung tâm vùng vải thiều Bắc Giang, năm 2023, huyện Lục Ngạn duy trì sản xuất trên 17,3 nghìn ha vải thiều, sản lượng ước đạt 98 nghìn tấn; trong đó vải sớm khoảng 25 nghìn tấn. Thời gian thu hoạch dự kiến bắt đầu từ đầu tháng 6/2023 đến cuối tháng 7/2023. |
Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tham gia thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều, UBND huyện Lục Ngạn xây dựng kế hoạch thực hiện các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ vải thiều gắn với thu hút phát triển du lịch năm 2023. Năm nay, huyện Lục Ngạn xác định hình thức tiêu thụ chủ yếu là bán quả vải tươi và chế biến vải thiều tại chỗ bằng hình thức sấy khô, đóng hộp, ép nước… |
Ngoài ra huyện cũng đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử khoảng 7 nghìn tấn; sấy khô 9,5 nghìn tấn còn lại bảo quản lạnh, chế biến sâu khoảng 3,2 nghìn tấn. |
Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá để đưa sản phẩm vải thiều xâm nhập sâu hơn vào các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước, huyện sẽ tập trung cao cho công tác xúc tiến tiêu thụ vải thiều ở các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng. Đồng thời, huyện còn phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương triển khai bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Viettelpost, Alibaba, Postmart... |
Đặc biệt, để tạo điểm nhấn cho vụ thu hoạch vải thiều, huyện Lục Ngạn sẽ tổ chức Chương trình du lịch “Lục Ngạn mùa vải chín” lựa chọn các nhà vườn đẹp, kết nối, xây dựng các tua, tuyến du lịch trải nghiệm mùa vải, gắn với các điểm du lịch, thắng cảnh đẹp của huyện. Chương trình được tổ chức với một chuỗi các hoạt động trải nghiệm, văn hóa hấp dẫn. |
Không để bị động trong tiêu thụ vải thiều |
Để đảm bảo niên vụ vải thiều 2023 tiếp tục thắng lợi, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương chỉ đạo sản xuất, hướng dẫn, giám sát nông dân thực hiện đúng quy trình và yêu cầu của thị trường xuất khẩu; tiến hành rà soát, giám sát tất cả mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói để đảm bảo chất lượng vải thiều xuất khẩu năm 2023. |
Đối với kế hoạch xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023, Sở Công Thương có trách nhiệm tiếp tục chủ động tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản, Công hàm gửi các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố, Lãnh sự quán, Tham tán thương mại, cơ quan thương vụ các nước quan tâm, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang mời gọi, kết nối giao thương. Bên cạnh đó, giới thiệu cho tỉnh Bắc Giang các doanh nghiệp, thương nhân lớn, có kinh nghiệm, uy tín tiến hành thu mua, tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang. Tranh thủ tối đa các kênh tiêu thụ thương mại điện tử trong nước và quốc tế. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ UBND các huyện Tân Yên, Lục Ngạn tổ chức Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực của tỉnh. Đối với hoạt động xuất khẩu, trên quan điểm tập trung vào thị trường Trung Quốc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cấp mã vùng trồng xuất khẩu sang Trung Quốc, Sở Công Thương phối hợp với các địa phương, Sở Ngoại vụ kịp thời nắm bắt thị trường xuất khẩu vải sang Trung Quốc tại các cửa khẩu. |
Thực hiện: Phương Lan - Vũ Hạnh
|