Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã triển khai nhiều hoạt động kết nối chuỗi sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm OCOP địa phương vào các kênh bán lẻ. Trong đó, các trung tâm, điểm bán hàng OCOP tại các địa phương đã mang lại hiệu quả cao trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm. ------ |
Ra đời từ năm 2021, đến nay Trung tâm Trưng bày và Phân phối sản phẩm OCOP Quảng Nam (tại đường Lê Quý Đôn, thành phố Tam Kỳ) do ông Lê Hồng Thái làm chủ đã trở thành địa chỉ tin cậy cho khách hàng khi tìm mua các sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Nam. Ông Thái cho biết, Trung tâm sản phẩm OCOP Quảng Nam được xem như một siêu thị thu nhỏ, hiện có gần 200 sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Nam như: như sâm Ngọc Linh, trầm hương, quế, đông trùng hạ thảo, cùng nhiều nông sản, sản phẩm OCOP tiêu biểu khác... Việc có trung tâm như thế này sẽ giúp khách hàng thuận tiện trong việc lựa chọn, mua sắm sản phẩm mà không cần phải đi đến nhiều nơi. “Trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023 vừa qua, lượt khách hàng đến mua các sản phẩm làm quà Tết tăng mạnh, khoảng 70-80% so với trước đây. Các giỏ quà tặng từ sản phẩm OCOP được tiêu thụ tốt một phần nhờ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh và các sở ngành đã đặt niềm tin vào sản phẩm và doanh nghiệp cung ứng. Điều này cần được lan tỏa để sản phẩm Việt có chỗ đứng và phát triển mạnh mẽ hơn” - ông Thái chia sẻ. |
Để giới thiệu sản phẩm đặc trưng và sản phẩm OCOP của tỉnh với các địa phương khác, ông Thái cũng đã liên kết với các đơn vị để đưa những sản phẩm vào các siêu thị, trung tâm trưng bày ở thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) và dự kiến sẽ đưa sản phẩm sang giới thiệu, bày bán tại Trung Quốc. |
“Việc này nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm đặc trưng của Quảng Nam đến với một số tỉnh thành phố lớn; giúp người tiêu dùng, khách du lịch, doanh nghiệp tại Móng Cái nói riêng, cả nước nói chung biết đến sản phẩm Quảng Nam ngày một nhiều hơn”, ông Thái nói. Tương tự tại thành phố Hội An, anh Đinh Công Quân - chủ sở hữu và là thành viên sáng lập OCOP House Hội An cho biết, cửa hàng được thành lập từ năm 2020 đến nay đã trở thành nơi chuyên cung cấp các sản phẩm OCOP và đặc sản xứ Quảng đến với người tiêu dùng và xa hơn là xuất khẩu. Anh chia sẻ, những đặc sản nổi tiếng của xứ Quảng tuy có thương hiệu được xây dựng nhiều năm, nhưng khâu tiêu thụ còn yếu và thị trường nhỏ, không ổn định. Các chủ sở hữu sản phẩm chỉ tập trung vào cải thiện chất lượng chứ chưa coi trọng vấn đề hình thức, mẫu mã và quảng bá thương hiệu. |
Chính vì thế, OCOP House Hội An đã được thành lập bởi các bạn trẻ tại địa chỉ số 447, đường Cửa Đại, thành phố Hội An với phương châm hoạt động là tập hợp các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Nam để quảng bá, tiêu thụ theo một hệ thống nhất định. “OCOP House được lập ra với vai trò là đầu mối tập hợp các sản phẩm địa phương, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm ở vùng sâu vùng xa, để một phần giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, mặt khác giúp khách hàng có cơ hội tiếp cận sản phẩm của xứ Quảng một cách tối ưu nhất”, anh Quân thông tin. Ngoài ra, với mục tiêu đánh vào tâm lý sức khỏe – đẹp – tiện ích của người tiêu dùng, OCOP House Hội An cung cấp dịch vụ giỏ quà tặng đặc sản với hình thức giỏ quà tặng được đan bằng tre hoặc cói để tạo sự tối giản, thân thiện và gần gũi với môi trường. Các sản phẩm được chọn làm quà không chỉ được chứng nhận về chất lượng, mẫu mã tinh tế, mà còn có giá cả phù hợp với từng đối tượng khách hàng. “Định hướng của cửa hàng là đưa sản phẩm đặc sản, đặc biệt là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ vào thị trường du lịch và tập trung vào tiêu thụ các sản phẩm trong tỉnh nhằm giúp du khách trong nước và quốc tế biết nhiều hơn về các sản vật của quê hương Quảng Nam”, anh Quân nói. |
Ông Trương Cảm - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc (1 trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023) cho biết, Cửa hàng thực phẩm sạch - hữu cơ Ái Nghĩa Organic được đơn vị thành lập từ năm 2022 và là điểm bán hàng OCOP đầu tiên của huyện Đại Lộc với mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, giới thiệu đến khách hàng nhiều sản phẩm của ngành nông nghiệp và nhất là các sản phẩm OCOP. Đây cũng là nơi tiêu thụ sản phẩm OCOP, đồng thời giúp người tiêu dùng nắm bắt được giá cả, chất lượng sản phẩm. “Từ khi thành lập đến nay, ngoài bán sản phẩm OCOP gạo an toàn Ái Nghĩa (OCOP 3 sao) và bánh tráng Đại Lộc (OCOP 4 sao) của Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa, cửa hàng cũng đã trưng bày và bán hơn 200 sản phẩm OCOP, sản phẩm sạch Quảng Nam đến với người tiêu dùng” – ông Cảm nói và cho biết thêm qua việc có điểm bán hàng này, người tiêu dùng dần hiểu ra được rằng sản phẩm OCOP là gì và tại sao phải nên dùng các sản phẩm sạch, sản phẩm OCOP. |
Theo báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, bên cạnh những hiệu quả và sự lan tỏa, việc triển khai chương trình OCOP cũng đã huy động các nguồn lực phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, sắp xếp, chuyển đổi mô hình quản lý, đầu tư phát triển mạng lưới phân phối các sản phẩm OCOP. Đến nay toàn tỉnh đã có 02 Trung tâm OCOP cấp huyện, 22 điểm bán hàng OCOP; nhiều chủ thể đã tích cực đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử như: Sàn Postmart.vn; Voso.vn,... Theo kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP năm 2023, tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển, nâng cấp 333 sản phẩm đã được công nhận. Phấn đấu ít nhất 70% sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó có 10-15 sản phẩm 4 sao. Hỗ trợ củng cố, nâng cấp/thành lập mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế tham gia OCOP; 100% chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm theo quy định về an toàn thực phẩm. Kế hoạch cũng đặt mục tiêu xây dựng, nâng cấp các điểm, trung tâm bán hàng OCOP cấp huyện. Đảm bảo đến cuối năm 2023, tất cả 18 huyện, thị xã, thành phố đều có ít nhất một điểm bán hàng OCOP. Phấn đấu các sản phẩm sau 1 năm được công nhân OCOP hạng 3 sao trở lên tăng doanh thu và lợi nhuận lên đến 1,5 lần so với thời điểm sản phẩm chưa tham gia OCOP. |
Ông Trần Việt Phương - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) cho biết, trên địa bàn huyện Đại Lộc có 20 sản phẩm, chủ thể sản phẩm được công nhận OCOP giai đoạn 2018 – 2022. Thời gian qua, chương trình OCOP đã giúp một số chủ thể có điều kiện đầu tư phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng và hoàn thiện sản phẩm theo đúng quy định của nhà nước, nâng cao hiểu biết của các chủ thể sản xuất về các quy định của pháp luật trong việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa, từ đó chấp hành tốt hơn các quy định của pháp luật có liên quan. Xác định Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Do đó, phương hướng phát triển OCOP trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị; có nhiều sản phẩm tốt và bán hàng thật tốt đó là mục tiêu cao nhất mà OCOP hướng đến. “Huyện phấn đấu đến cuối năm 2025, có thêm 15 sản phẩm đạt 03 sao trở lên (trong đó 12 sản phẩm 3 sao; 3 sản phẩm 4 sao). Củng cố, phát triển sản phẩm đã có; phát triển mới các sản phẩm có thế mạnh và tập trung vào chế biến, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị chủ lực của địa phương, gắn với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu. Đồng thời, vận động các tổ chức kinh tế tham gia OCOP thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã để phát triển sản xuất kinh doanh; đưa sản phẩm tham gia các Hội chợ triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại. Huyện cũng phấn đấu xây dựng 01 Trung tâm OCOP cấp huyện và 02 điểm bán hàng OCOP”, ông Phương cho hay. |
Bà Nguyễn Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Co.opmart Tam Kỳ (thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết, đối với Co.opmart, chất lượng luôn là đòi hỏi cao nhất đối với tất cả mặt hàng bày bán ở siêu thị này. Chính vì vậy, khi nhà cung cấp chào hàng thì siêu thị sẽ đến lấy mẫu đem kiểm tra và định kỳ 6 tháng/lần kiểm tra sản phẩm. Ngoài ra, để ký kết hợp đồng và tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm tiêu dùng công nghiệp thì chủ cơ sở phải đảm bảo được sản lượng, giá cả phải cạnh tranh. Hơn nữa, các sản phẩm OCOP, khởi nghiệp so với các sản phẩm hàng hóa công nghiệp khác cũng tương tự nhau nên chủ cơ sở sản xuất phải tạo sản phẩm đặc trưng thông qua thiết kế mẫu mã, bao bì, xây dựng được câu chuyện gắn vào văn hóa của địa phương để thu hút khách. |
Ngoài ra, các sản phẩm công nghiệp thay đổi liên tục theo thị trường cũng như theo thị hiếu người tiêu dùng nên các sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp phải bắt nhịp kịp thời để không bị tụt hậu. Và nên hướng tới sản phẩm dành cho sức khỏe, sản phẩm hữu cơ vì khách hàng của dòng sản phẩm này đang tăng trưởng. Đồng ý kiến, ông Trương Cảm - Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa cho rằng, muốn sản phẩm OCOP ngày càng vươn xa hơn, được nhiều người biết đến hơn và nghĩ đến chuyện xuất khẩu thì các chủ thể cần phải nâng tầm sản phẩm. Chú trọng và bao bì, nhãn mác và sản phẩm phải đảm bảo chất lượng. “Với Hợp tác xã Nông nghiệp Ái Nghĩa, mục tiêu của chúng tôi là thời gian đến sẽ đầu tư phát triển, đưa sản phẩm bánh tráng Đại Lộc nâng tầm lên sản phẩm OCOP 5 sao, phát triển vào các thị trường lớn trên toàn quốc và hướng đến xuất khẩu” - ông Trương Cảm nhấn mạnh. Theo thống kê, toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 333 sản phẩm của 260 chủ thể của các tổ chức kinh tế khác nhau tham gia, trong đó có 126 hộ kinh doanh, 90 hợp tác xã 90, 44 doanh nghiệp và tổ hợp tác. Ông Hường Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện đơn vị đã xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng và hỗ trợ quảng bá, kết nối, xúc tiến sản phẩm Quảng Nam năm 2023. Theo đó, mục đích là định hướng chiến lược trong việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tích cực hơn cho các doanh nghiệp, làng nghề, các sản phẩm nông sản của tỉnh tìm kiếm đối tác, thúc đẩy cơ hội trao đổi, mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ; chú trọng hỗ trợ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của tỉnh. |
Đồng thời, duy trì và mở rộng mạng lưới phân phối, ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị trí thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu và đứng vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế với nhiều biến động. Bên cạnh đó, tạo sự chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, giảm dần tỷ trọng hàng xuất khẩu thô. Khuyến khích phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh, có khả năng thâm nhập, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và tạo thị phần ổn định trên thị trường. Khai thác, huy động tối đa nguồn lực của các thành phần kinh tế vào thực hiện công tác xúc tiến thương mại góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động và nhân. “Thời gian tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát, nghiên cứu thiết lập các điểm tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Nam tại một số tỉnh, thành phố lớn. Triển khai hiệu quả kế hoạch, phương án tiêu thụ, xuất khẩu đối với các mặt hàng trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Đồng thời, lồng ghép đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, xúc tiến du lịch; phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng cao, độc đáo để thúc đẩy sự quan tâm, thu hút và giữ chân khách”, ông Hường Văn Minh thông tin. |
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn, thời gian đến tỉnh hỗ trợ phát triển/nâng cấp các sản phẩm đã được công nhận, phấn đấu trong năm 2023 có ít nhất 70% số sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, có 10 - 15 sản phẩm 4 sao. Tỉnh hỗ trợ nâng cấp/thành lập mới ít nhất 10 tổ chức kinh tế (doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã) tham gia OCOP. UBND tỉnh yêu cầu tất cả chủ thể đăng ký tham gia có cam kết sản xuất sản phẩm an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác, đóng gói được nâng cấp đảm bảo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong quá trình sản xuất, lưu thông cũng như truy xuất nguồn gốc. |
Thực hiện: Hạ Vĩ – Nhật Khôi |