Sau gần 30 năm bình thường hoá quan hệ thương mại, Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới. ------ |
Sau 28 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt bước tiến dài trong hợp tác song phương. Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển sâu rộng, thực chất, toàn diện, đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững tại khu vực và trên thế giới. Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10 đến ngày 11/9/2023. Nhìn lại sự phát triển quan hệ của hai nước, kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây gần 30 năm có thể khẳng định hợp tác về kinh tế là một dấu ấn nổi bật trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. |
Sau hành trình dài nỗ lực của cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ, một sự kiện lịch sử có ý nghĩa đặc biệt diễn ra khi tháng 7/1995, Tổng thống Bill Clinton và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chính thức tuyên bố Hoa Kỳ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ. Quan hệ hai nước bước sang một trang mới. Đây chính là tiền đề để hợp tác kinh tế có những bước phát triển mạnh mẽ. Ngay tháng 8/1995, hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ lần lượt khai trương Đại sứ quán tại Washington và Hà Nội. Các chuyến thăm sau đó của lãnh đạo cấp cao hai nước đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển mạnh mẽ. |
Sau khi bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, 4 Tổng thống Hoa Kỳ đều thăm Việt Nam: Tổng thống Bill Clinton (năm 2000), Tổng thống George W.Bush (năm 2006), Tổng thống Barack Obama (năm 2016) và Tổng thống Donald Trump (năm 2017). Các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng có các chuyến thăm Hoa Kỳ, như Thủ tướng Phan Văn Khải (năm 2005), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (năm 2007), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2008), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2013), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (năm 2015), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (năm 2017)… |
Đặc biệt, tháng 7/2013, trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang theo lời mời của Tổng thống Barack Obama, hai bên đã xác lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, định hình khuôn khổ quan hệ song phương cho giai đoạn mới. Có thể nói, nền tảng quan trọng cho phát triển quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ là sự khẳng định của hai bên về các nguyên tắc cơ bản, như tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Trên cơ sở đó, Việt Nam và Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác chính trị - ngoại giao, duy trì các hoạt động tiếp xúc, trao đổi đoàn các cấp, tăng cường hiểu biết và làm sâu sắc hơn quan hệ song phương. Thông qua các cuộc tiếp xúc song phương tại các diễn đàn đa phương, Việt Nam - Hoa Kỳ đẩy mạnh hợp tác tại các diễn đàn quốc tế và khu vực; phối hợp ngày càng hiệu quả trong giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. |
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, hai nước đã đạt được rất nhiều thành tựu hợp tác, mà cách đây 28 năm ít ai hình dung được. Song phải khẳng định, những “trái ngọt” mà hai nước có được ngày hôm nay không phải do may mắn, hay ngẫu nhiên, mà là kết quả của cả một quá trình nỗ lực vun đắp bền bỉ của nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước. Hồi tháng 3/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden có cuộc điện đàm quan trọng, định hướng và tạo động lực mạnh mẽ cho quan hệ hai nước. Tại điện đàm, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao thành tựu phát triển tích cực, toàn diện của quan hệ hai nước thời gian qua; nhất trí thúc đẩy, phát triển, làm sâu sắc hơn quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, vì lợi ích của hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, theo tinh thần “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”. |
Theo đó, để tiếp tục phát triển sâu sắc, bền vững và thực chất quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra một số phương hướng lớn, tăng cường tiếp xúc, trao đổi giữa các cấp, các ngành dưới các hình thức linh hoạt, trong đó có việc thúc đẩy quan hệ Chính phủ, Quốc hội, quan hệ giữa các đảng và nhân dân hai nước. Trong đó, Tổng Bí thư đề nghị hai bên tiếp tục mở rộng và đưa hợp tác kinh tế, khoa học, công nghệ là trọng tâm và động lực cho quan hệ, thực hiện các thỏa thuận hợp tác quốc phòng - an ninh, coi trọng thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững, hợp tác bảo đảm chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực mới như logistics, kinh tế số, chuyển đổi xanh, y tế, đẩy mạnh hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh… Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định: "Việt Nam là đối tác quan trọng; ủng hộ một Việt Nam “độc lập, tự cường và thịnh vượng”; tái khẳng định tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của Việt Nam; nhất trí rằng sự tôn trọng là một nền tảng quan trọng của quan hệ hai nước". |
Song hành cùng quan hệ chính trị tốt đẹp, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư cũng là lĩnh vực hợp tác thành công giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, trở thành trọng tâm, nền tảng và động lực phát triển cho quan hệ chung giữa hai nước. Hoa Kỳ luôn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Kể từ khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (Hiệp định BTA) được ký kết vào năm 2000, thương mại đã trở thành một trụ cột của mối quan hệ song phương ngày càng phát triển của hai nước. Tính từ năm 1995 đến nay, tăng trưởng thương mại hai nước đã tăng 240 lần, từ 450 triệu USD năm 1995 lên mức hơn 130 tỷ USD vào năm 2022. Kim ngạch thương mại song phương tăng bình quân khoảng 16%/năm. Hoa Kỳ duy trì là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ, đồng thời là đối tác lớn nhất ở khu vực ASEAN. |
Số liệu của Cục thống kê Mỹ (US Census) cho thấy, năm 2022, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 25,2%, chiếm xấp xỉ 3,9% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ. Tính đến hết tháng 8 năm 2023, kim ngạch thương mại với Hoa Kỳ đạt gần 62,3 tỷ USD, giảm gần 18% do khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhưng vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, năm 2022 nhập khẩu từ Hoa Kỳ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thặng dư thương mại của Việt Nam - Hoa Kỳ đạt hơn 116 tỷ USD và xếp thứ 3 trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ (sau Trung Quốc với 382,9 tỷ USD và Mexico với 130,6 tỷ USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ có tốc độ tăng tích cực gồm máy và thiết bị điện tử, thu âm, thu hình; giày dép; sản phẩm da, túi, ví, ô dù; nhựa và sản phẩm nhựa; đồ chơi, game và dụng cụ thể thao. Cùng đó, các mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ có tốc độ tăng trưởng mạnh là máy bay, thiết bị, phụ tùng; hóa chất; 176,8%); nhựa và sản phẩm nhựa. |
Về hợp tác đầu tư, lũy kế đến ngày 20/7/2023, cả nước có 37.839 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 452,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 285,58 tỷ USD, bằng 63,1% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực. Hoa Kỳ đứng vị trí số 11 trong số các nhà đầu tư vào Việt Nam với 1.277 dự án và tổng vốn đăng ký là 11,76 tỷ USD. Trong 7 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ đứng vị trí thứ 8 với tổng số vốn đăng ký khoảng 450,2 triệu USD cho 60 dự án cấp mới. |
Theo Bộ Công Thương, Hoa Kỳ là một trong những thị trường nhập khẩu quan trọng nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất của Việt Nam, cung cấp sản phẩm nguồn như bông, thức ăn gia súc, ngô, đậu tương, hóa chất, máy móc, công nghệ… Do đó, việc tăng cường nhập khẩu các sản phẩm nguồn này từ Hoa Kỳ tạo ưu thế quan trọng là giúp làm "sạch hóa" chuỗi cung ứng khi có nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất có chứng nhận, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Mặt khác, Việt Nam và Hoa Kỳ có tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế. Bởi Hoa Kỳ có nhu cầu nhập khẩu lớn sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hoặc sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh dựa trên điều kiện kinh tế tự nhiên thuận lợi, lợi thế về nhân công trnhư dệt may, da giày, máy móc thiết bị điện tử… Bên cạnh đó, Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu lớn nhiều loại máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị hàng không, viễn thông, sản phẩm nông nghiệp phục vụ đầu vào cho hoạt động sản xuất để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao và sự mở rộng nhanh chóng của nền kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình gần 7%/ năm, dân số gần 100 triệu người, Việt Nam được dự báo sẽ là thị trường đầy tiềm năng cho công ty của Hoa Kỳ hoạt động trên tất cả các lĩnh vực. Những kết quả tích cực đạt được này gần như là điều không tưởng cách đây ba thập kỷ. Từ góc độ quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đánh giá cao sự đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp hai nước với sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ trong suốt chặng đường gần 30 năm qua. Trong mỗi bước phát triển của quan hệ hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, cộng đồng doanh nghiệp hai nước đều đã và đang đóng vai trò hết sức quan trọng. |
Bên cạnh kinh tế, nhiều năm qua cũng chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực hợp tác khác như vấn đề khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục được ưu tiên, tăng cường hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Về giáo dục đào tạo, hiện có khoảng 30.000 du học sinh Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại Hoa Kỳ, nhiều thứ 5 trên thế giới. Trong đại dịch COVID-19, Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho Việt Nam hơn 40 triệu liều vaccine. Trong thông điệp nhân kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken nhấn mạnh, hai nước có cơ hội hợp tác trong nhiều lĩnh vực mới, nhất là thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và bao trùm. |
Về hợp tác khu vực và quốc tế, hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề cùng quan tâm, nhất là trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cũng như tại các diễn đàn khu vực, như ASEAN, APEC… và trong các vấn đề toàn cầu. Hoa Kỳ đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong ASEAN. Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã phối hợp thúc đẩy các bên liên quan đạt đồng thuận để nâng cấp quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Cùng với đó, Việt Nam tích cực tham gia thảo luận cùng Hoa Kỳ và các đối tác khác về Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF). |
Ông Ted Osius - Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho biết: "Năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Nhà Trắng theo lời mời của Tổng thống Obama và từ thời điểm đó có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hợp tác giữa hai nước, trong các lĩnh vực như y tế, môi trường, kinh doanh và cả trong lĩnh vực giáo dục nữa. Tôi muốn nhấn mạnh rằng các lĩnh vực này đều có sự hợp tác sâu sắc trong những năm qua". Cùng với hợp tác kinh tế, thương mại, quan hệ quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cơ bản duy trì đà phát triển, nổi bật là việc Việt Nam ba lần đón tàu sân bay Hoa Kỳ thăm cảng Đà Nẵng trong các năm 2018, 2020 và 2023. Đồng thời, hai bên cũng tổ chức thành công Đối thoại chính sách quốc phòng và thông qua Kế hoạch hành động quốc phòng giai đoạn 2022-2024, tiếp tục triển khai các cơ chế đối thoại thường niên và phối hợp thúc đẩy Chương trình Đối tác Thái Bình Dương năm 2023. Song song với đó, hợp tác nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh giữa hai nước tiếp tục là ưu tiên cao và đạt nhiều kết quả cụ thể. |
Trên những cơ sở này, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hà Kim Ngọc cho rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden từ ngày 10-11/9 tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho thấy, hai bên đều rất coi trọng nhau trong chính sách đối ngoại của mình và trong chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nói riêng. Đối với Hoa Kỳ, chuyến thăm thể hiện Hoa Kỳ coi trọng thể chế chính trị của Việt Nam, coi trọng vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và của lãnh đạo Việt Nam. Đây cũng là cột mốc rất quan trọng trên hành trình nỗ lực chung của hai nước để hiện thực hóa mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong bức thư tháng 2/1946 gửi Tổng thống Hoa Kỳ Harry Truman, đó là Việt Nam có quan hệ hợp tác đầy đủ với Hoa Kỳ. Chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam lần này của Tổng thống Joe Biden được kỳ vọng sẽ hướng tới nâng tầm quan hệ hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế - thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giao lưu nhân dân. Đây cũng sẽ là bước hiện thực hóa khẳng định của Tổng thống Joe Biden trong cuộc điện đàm hồi đầu năm nay với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Hoa Kỳ ủng hộ một Việt Nam "độc lập, tự cường và thịnh vượng". |
Ảnh: AFP/Getty |
Thực hiện: Hoa Quỳnh - Hà Hương
|