Hàng chục phiên chợ kết nối cung cầu được các địa phương tổ chức hàng năm là cơ hội quảng bá, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm miền núi. |
Cơ hội lớn từ các phiên chợ kết nối cung cầu |
Phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) năm 2024 vừa diễn ra từ 14 đến 16/6, tại đường Lê Lợi - thị trấn Ia Kha - huyện Ia Grai có quy mô 40 gian hàng. Phiên chợ đã giới thiệu các sản phẩm đặc trưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sản phẩm OCOP, các mặt hàng nông sản, thực phẩm tiêu dùng, ẩm thực tại địa phương… Phiên chợ được tổ chức với mục tiêu thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương. Tại phiên chợ, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản của huyện được bố trí theo gian hàng của từng xã, hoặc gian hàng của từng hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, với các sản phẩm chủ yếu như: Mật ong, gạo A Sanh, hạt điều, các loại đậu đỗ, rau xanh, trái cây, cá cơm Sê San, sản phẩm từ thổ cẩm, đan lát thủ công, tinh dầu, thảo dược, ẩm thực… Các sản phẩm tham gia đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ và các sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP cấp huyện và cấp tỉnh. Ông Đỗ Văn Đông - Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai cho biết, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Sở Công Thương Gia Lai đã phối hợp với UBND huyện xây dựng kế hoạch tổ chức phiên chợ với kỳ vọng thông qua phiên chợ sẽ giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm nông nghiệp của bà con trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến người dân trên địa bàn và du khách. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng bền vững. Trước đó, cuối tháng 4, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Păh – tỉnh Gia Lai đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn và UBND xã Hà Tây tổ chức phiên chợ thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phiên chợ có 15 gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, hàng hoá công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các sản phẩm đặc trưng như: Rượu ghè mẹ Dung, măng khô, chuối rừng, rau, củ, quả… Các phiên chợ thu hút rất đông người tiêu dùng địa phương, du khách, mở ra một năm mới với nhiều kỳ vọng sáng cho tiêu thụ sản phẩm miền núi của địa phương. |
Phiên chợ giới thiệu sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) năm 2024 (Ảnh: Vũ Thảo) |
Không chỉ tỉnh Gia Lai, nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền núi hiện nay đều dành sự quan tâm đặc biệt và thường xuyên tổ chức các hội chợ, phiên chợ... kết nối cung cầu để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Các gian hàng bao gồm các sản phẩm đặc trưng địa phương như cà phê, trà, mật ong, hạt điều, hạt mắc ca, sản phẩm từ dược liệu, tinh dầu, hàng rau củ quả, hàng tiêu dùng và nhiều hàng hoá đặc sắc của các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây được đánh giá là cơ hội để xúc tiến thương mại hiệu quả, không chỉ với người tiêu dùng địa phương mà còn với du khách. Thông qua các hội chợ, phiên chợ, gian hàng này nhằm tăng cường xúc tiến thương mại, kết nối, hỗ trợ tiêu thụ nông sản giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh với hợp tác xã, doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương; khuyến khích người dân mạnh dạn khởi nghiệp, tạo việc làm, sinh kế để đa dạng nguồn thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Đồng thời, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Đánh giá về việc tổ chức các phiên chợ, các sự kiện kết nối cung cầu khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết, khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa có đặc trưng là nhiều sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP có chất lượng. Tuy nhiên, do những khó khăn về khoảng cách địa lý, về chi phí vận chuyển, chi phí quảng bá giới thiệu sản phẩm nên việc tiêu thụ các sản phẩm này không dễ dàng. “Trong bối cảnh đó, các phiên chợ, hội chợ được tổ chức tại các địa phương chính là cơ hội xúc tiến thương mại quan trọng, không chỉ giúp người tiêu dùng được mua sắm các sản phẩm đặc sản địa phương, mà còn giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã miền núi có cơ hội quảng bá, tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm” – chuyên gia Vũ Vinh Phú chia sẻ. |
Bộ Công Thương đồng hành cùng địa phương |
Nhiều năm qua, Bộ Công Thương luôn quan tâm đến việc tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa, vùng biên giới hải đảo bằng cách dành một nguồn ngân sách lớn cho các địa phương để tổ chức các sự kiện này. Bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế các vùng đặc biệt khó khăn, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển các vùng khó khăn theo phạm vi quản lý Nhà nước được giao. Theo đó, tiếp nối thành công của giai đoạn I, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn II (từ năm 2021 đến năm 2025) được phê duyệt tại Quyết định số 1162/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đang được Bộ Công Thương phối hợp với các địa phương triển khai mạnh mẽ. Đây là chương trình đặc thù, hết sức cần thiết nhằm xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao thu nhập của người dân. |
Phạm vi áp dụng của Chương trình bao gồm 287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thuộc 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là những địa bàn gặp nhiều khó khăn về vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở, trình độ lao động và quy mô thị trường. “Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của bà con vẫn còn hạn chế do địa bàn chia cắt, đi lại khó khăn” - bà Lê Việt Nga nêu rõ. Đồng thời cho biết, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng thấp và chất lượng mẫu mã là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân vùng này. Do đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chú trọng vào các hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản, các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương như: Hỗ trợ triển khai kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản; tổ chức các Hội nghị, hội thảo, hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của các địa phương nhằm kết nối tiêu thụ ổn định vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương tổ chức xây dựng mô hình phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của các địa phương. Đồng thời, tổ chức Hội nghị, Hội thảo giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm thế mạnh của địa phương vào các kênh phân phối hiện đại, bước đầu hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững. Những sự kiện này đã và đang mang lại hiệu quả đáng kể trong việc mở rộng đầu ra cho các sản phẩm miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo. Đến nay, nhiều sản phẩm địa phương đã vào được các kênh phân phối ở các thành phố lớn. Cụ thể, các sản phẩm như miến dong, mật ong, nấm hương, mộc nhĩ, gia vị, hàng thổ cẩm… đã được bày bán tại nhiều siêu thị lớn như Saigon Coop, Go, Hapro và được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng. Các nền tảng thương mại điện tử như Postmart, Lazada, Sendo… cũng tích cực hỗ trợ các địa phương tiêu thụ sản phẩm. |
Giải "bài toán" chất lượng sản phẩm |
Xúc tiến thương mại qua các phiên chợ được đánh giá vẫn là giải pháp quan trọng để hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương. Song, chuyên gia Vũ Vinh Phú chỉ rõ, các phiên chợ thường chỉ tổ chức trong thời gian ngắn, cho nên hiệu quả tiêu thụ nông sản chưa cao. Điều quan trọng là trong phạm vi các sự kiện đó, phải mời đến các doanh nghiệp phân phối để gắn kết được người sản xuất và doanh nghiệp phân phối, lúc đó mới có thể nâng cao hiệu quả tiêu thụ nông sản. “Về phía các địa phương, cần lưu ý duy trì bằng được chất lượng sản phẩm. Đồng thời, các kênh phân phối luôn yêu cầu phải có được nguồn hàng hoá ổn định, lâu dài, nên phải nâng cao sản lượng để đáp ứng yêu cầu, giữ vững vị trí tại các kênh phân phối” – ông Vũ Vinh Phú nói. |
Về phía các cơ quan nhà nước, bà Lê Việt Nga chia sẻ, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát hoạt động liên quan đến hỗ trợ cho các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, bằng việc rà soát lại những văn bản của Bộ Công Thương đang triển khai, những nhóm nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao để cập nhật và thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho khu vực đặc thù này. Bên cạnh đó, tiếp tục hướng dẫn các địa phương triển khai tổ chức những hoạt động kết nối cung cầu gắn với văn hóa, du lịch để vừa tôn vinh văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, vừa phát triển và bán được sản phẩm hàng hóa của bà con. Đồng thời, thông qua các Đề án, Chương trình, Bộ Công Thương xây dựng những mô hình thí điểm phù hợp với điều kiện kinh tế từng vùng, miền, đặc biệt là mô hình thí điểm về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đặc biệt, đào tạo nguồn nhân lực về quản lý nhà nước, về kinh doanh cho bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để hỗ trợ cho việc tiêu thụ hàng hóa một cách thuận lợi hơn. |
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp cho biết, việc tổ chức các phiên chợ nhằm đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương, doanh nghiệp, nông dân, hợp tác xã... khu vực miền núi là hoạt động sẽ tiếp tục được tổ chức mạnh mẽ. Trong đó, điểm nhấn là hoạt động livestream bán nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP trên các nền tảng mạng xã hội. Đây là một trong những hoạt động thiết thực để không chỉ tiêu thụ sản phẩm mà còn thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy thương mại miền núi phát triển. |
Phương Lan Đồ họa: Linh Chi |