Longform
06/03/2023 06:00
Longform | Quảng Ninh: Phát triển thị trường bền vững cho sản phẩm OCOP

06/03/2023 06:00

Tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực các hoạt động xúc tiến, kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh.
Longform | Quảng Ninh: Phát triển thị trường bền vững cho sản phẩm OCOP

Để phát triển hệ thống, thúc đẩy việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, đẩy mạnh khai thác lợi thế của các địa phương, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tích cực các hoạt động xúc tiến, kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của tỉnh.

***

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã và đang phát huy tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương khi phát triển bền vững sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 569 sản phẩm, Trong đó, nhiều sản phẩm OCOP được người tiêu dùng yêu thích. Chương trình OCOP tỉnh Quảng Ninh từ một Đề án trở thành Chương trình phát trển kinh tế quan trọng của tỉnh ở khu vực nông nghiệp, nông thôn mang bản sắc riêng của Quảng Ninh.

Longform | Quảng Ninh: Phát triển thị trường bền vững cho sản phẩm OCOP

Lợi thế từ nguồn sản phẩm

Quảng Ninh sở hữu vùng sản xuất nông sản khá dồi dào, với 14 vùng trồng cây ăn quả cho sản lượng khoảng 4.500 tấn/năm. Sản lượng khai thác thủy sản trung bình hằng năm đạt trên 145.000 tấn. Tỉnh cũng đã quy hoạch 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hiện nay, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng các công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt... Tỉnh có 3 cơ sở đóng gói hoa quả tươi; 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Với nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào, Quảng Ninh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất... Với nhiều sản vật, đặc sản mang tính vùng miền độc đáo, tận dụng lợi thế này, tỉnh luôn chú trọng bảo đảm chất lượng sản phẩm gắn với lợi thế bản địa, từ đó thúc đẩy kết nối thị trường, tạo sự phát triển bền vững cho từng sản phẩm OCOP.

Longform | Quảng Ninh: Phát triển thị trường bền vững cho sản phẩm OCOP

Năm 2022, việc triển khai liên kết chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, tổng số đã có 40 chuỗi liên kết tăng 05 chuỗi so với năm 2021; Có 26 hợp tác xã tham gia liên kết, tăng 04 hợp tác xã so với năm 2021. Các địa phương đã phê duyệt và triển khai hỗ trợ 21 dự án liên kết cấp huyện cho khoảng 659 cá nhân/tổ chức, đã có nhiều mô hình liên kết điển hình ở các địa phương, hoạt động có hiệu quả góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm, sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ứng dụng công nghệ cao, tích cực tham gia chuỗi liên kết.

Chương trình OCOP Quảng Ninh được tỉnh tập trung chỉ đạo từ tỉnh đến xã, coi đây là chương trình kinh tế quan trọng khu vực nông thôn, do đó, tỉnh đã tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu, xây dựng và quản lý nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh Quảng Ninh, chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường. Đến nay, toàn tỉnh đã có 569 sản phẩm thuộc 6 nhóm tham gia chương trình OCOP; trong đó có 336 sản phẩm đạt từ 3-5 sao gồm: 3 sản phẩm đạt 5 sao cấp Trung ương, 87 sản phẩm đạt 4 sao và có 246 sản phẩm đạt 3 sao. Năm 2022 đã có 30 tổ chức mới tham gia chương trình OCOP tại 12/13 địa phương (vượt 15 đơn vị so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2022). Toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP (trong đó: có 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ sản xuất).

Ông Ty Văn Bích, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Trường Sơn, cho biết: Nhờ có chương trình OCOP, sản phẩm củ cải Đầm Hà đã được nâng tầm giá trị, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn, lợi nhuận của HTX tăng từng năm. Với diện tích gieo trồng khoảng 100 ha, mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường 30 tấn củ cải phên, 8 tấn củ cải khô, 15 tấn củ cải ăn liền.”

Longform | Quảng Ninh: Phát triển thị trường bền vững cho sản phẩm OCOP

Nâng tầm sản phẩm OCOP

Đặc biệt, với mục tiêu nâng tầm sản phẩm OCOP trên thị trường, các sở, ngành chức năng của tỉnh Quảng Ninh, trực tiếp là Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý trên cơ sở phát huy có hiệu quả phần mềm quản lý chương trình OCOP, phần mềm chấm điểm sản phẩm OCOP, Website OCOP, Kênh truyền thông YouTube OCOP Quảng Ninh… Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm đã có thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, học tập kinh nghiệm. Các sở, ngành liên quan và các địa phương tập trung xây dựng các dự án liên kết chuỗi đối với các sản phẩm OCOP chủ lực, bảo đảm gia tăng cao về giá trị kinh tế, phát triển thương hiệu, sản phẩm OCOP Quảng Ninh tiếp tục vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước.

Longform | Quảng Ninh: Phát triển thị trường bền vững cho sản phẩm OCOP

Ngoài ra, hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh, riêng giai đoạn 2017-2022 Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 16 lượt Hội chợ OCOP cấp tỉnh, đã thu hút trên 1 triệu lượt khách đến tham quan và mua sắm tại các hội chợ (bình quân trên 60-70 nghìn lượt người/hội chợ). Tổ chức 28 tuần kết nối tiêu dùng sản phẩm OCOP tại Khu tập trung đông dân cư thuộc 13 địa phương trong tỉnh, Khu du lịch Hạ Long, Trung tâm thương mại BigC (Go), mỗi tuần có từ 150-180 sản phẩm OCOP tỉnh tham gia, thu hút trung bình mỗi đợt khoảng 5.000 lượt khách đến tham quan và mua sắm. Riêng năm 2022 cấp tỉnh tổ chức 03 Hội chợ OCOP trên địa bàn tỉnh với quy mô trung bình trên 450 gian hàng; tại Hội chợ tỉnh đã dành riêng khu thương mại điện tử và giải pháp số, giới thiệu quảng bá sàn thương mại điện tử Voso, Postmart, Lazada, Tiki và các đơn vị cung ứng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các gian hàng để giới thiệu, tư vấn trực tiếp cho đơn vị, doanh nghiệp hộ kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử. Đến nay toàn tỉnh đã hình thành 29 trung tâm, điểm bán hàng OCOP42. Các điểm bán hàng OCOP đã phát huy hiệu quả quảng bá giới thiệu và tiêu thụ lượng lớn hàng hóa cho chủ thể OCOP, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển.

Đến hết năm 2022, đã có 383/569 đạt 67% sản phẩm OCOP, trong đó có 256/336 (đạt 76%) sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh từ 3-5 sao trở lên được đưa lên sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn. Chương trình này đến nay đã được người sản xuất (tổ chức, hộ gia đình) tự nguyện sản xuất và tham gia hoạt động thương mại một cách tích cực; sản xuất tập trung theo quy mô lớn dần hình thành và thu hút một số doanh nghiệp lớn tham gia.

Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Thà – Giám đốc Hợp tác xã Hoa Phong (thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) cho rằng: Việc triển khai phát triển sản xuất tập trung và liên kết tiêu thụ sản xuất chưa tương xứng với tiềm năng. Vẫn cần có sự hướng dẫn của cán bộ cơ quan nhà nước giúp hợp tác xã tham gia chương trình OCOP tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mai, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh thông qua các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối…

Longform | Quảng Ninh: Phát triển thị trường bền vững cho sản phẩm OCOP

Thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia

Thông qua việc đầu tư khoa học - công nghệ, giá trị các mặt hàng nông sản đã nâng lên rõ rệt. Nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, sản phẩm có thế mạnh của tỉnh ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có 420 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản; 565 sản phẩm thuộc 5 nhóm tham gia chương trình OCOP; trong đó, có 267 sản phẩm được cấp chứng nhận hạng sao OCOP. Toàn tỉnh có 219 chủ thể sản xuất tham gia chương trình OCOP (trong đó có 54 doanh nghiệp, 87 hợp tác xã, 78 hộ sản xuất).

Hằng năm Quảng Ninh tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Từ đó, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, đạt tiêu chuẩn theo quy định, có kiểu dáng bao bì đẹp, hiện đại, phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng để cung ứng sản phẩm cho phát triển dịch vụ, thương mại của tỉnh. Tỉnh cũng hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực để vươn ra thị trường trong và ngoài nước, nâng tầm chương trình OCOP thành thương hiệu mạnh của tỉnh Quảng Ninh trên phạm vi cả nước và từng bước vươn ra thị trường khu vực và quốc tế.

Longform | Quảng Ninh: Phát triển thị trường bền vững cho sản phẩm OCOP

Để tăng mức độ phổ biến, giúp người tiêu dùng biết đến nhiều hơn về các sản phẩm OCOP Quảng Ninh, thời gian qua, Sở Công Thương Quảng Ninh đã phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh và các địa phương triển khai nhiều chương trình kết nối, tuần xúc tiến, hội chợ… Thông qua các kỳ hội chợ, tuần xúc tiến thương mại được tỉnh Quảng Ninh tổ chức đã giúp các chủ thể OCOP không chỉ quảng bá sản phẩm hiệu quả, được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến mà còn giúp tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Tại các kỳ hội chợ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và các nhà cung cấp cũng đã thiết lập mã QR để khách hàng thanh toán điện tử mà không cần dùng tiền mặt. Ngoài giao hàng nhanh, sàn cũng cung cấp đầy đủ dịch vụ bởi VNPT Post và về sau có thể là Viettel Post... giúp đa dạng nguồn giao. Nhờ tiện ích mới, thời gian tới, doanh nghiệp có thể quản lý được đơn hàng trên mọi phương tiện từ máy tính cho tới thiết bị di động thông minh.

Longform | Quảng Ninh: Phát triển thị trường bền vững cho sản phẩm OCOP

Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có khoảng 29 điểm, trung tâm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, hướng tới đối tượng khách hàng tiêu dùng hằng ngày, tại địa phương. Một số điểm cũng đang dần được đầu tư quy mô lớn hướng đến nhóm khách hàng du lịch. Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục được tỉnh thực hiện triệt để với phương châm “linh hoạt, đổi mới, sáng tạo” với nhiều hoạt động, như các chương trình xúc tiến OCOP tại Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ Thương mại Du lịch quốc tế Việt Nam – Trung Quốc... hay mở rộng xúc tiến vào các thị trường nước ngoài cụ thể như Lào, Campuchia, Thái Lan... Đáng chú ý là sau các chương trình này, nhiều doanh nghiệp OCOP đã nhận được các đơn hàng, các đề nghị hợp tác, cung ứng sản phẩm từ các thị trường.

Tuy nhiên, mặc dù có nhiều lợi thế về nông sản và sản xuất nhưng tỷ lệ nông sản đưa vào chế biến còn thấp, vì vậy, thị trường ngành chế biến nông sản còn nhiều dư địa. Một số sản phẩm OCOP của Quảng Ninh vẫn chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến; tỷ lệ vào siêu thị và các hệ thống bán lẻ của một số sản phẩm OCOP chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do các sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc thù, quy mô nhiều sản phẩm còn nhỏ…

Longform | Quảng Ninh: Phát triển thị trường bền vững cho sản phẩm OCOP

Để phát triển bền vững sản phẩm OCOP

Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục một số hạn chế và đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục coi trọng việc chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm... Tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể OCOP phát triển, hoàn thiện sản phẩm và chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông, tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh… Từ đó, nâng cao sức cạnh tranh và giá trị kinh tế của các sản phẩm OCOP.

Được biết, trước mắt, để phát triển thị trường trong nước, ngành nông nghiệp sẽ thúc đẩy tiêu dùng tại các tỉnh, thành phố lớn trong nước; hỗ trợ đơn vị, doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng của nông nghiệp tại các tỉnh thành có tiềm năng. Bên cạnh đó, kết nối sản xuất tiêu thụ nông sản thông qua các hội nghị, hội thảo, diễn đàn; tổ chức các hoạt động kết nối nông sản, OCOP vào đơn vị phân phối, hệ thống bán lẻ hiện đại, bếp ăn tập thể. Đối với thị trường nước ngoài, Quảng Ninh sẽ tổ chức các hoạt động kết nối xuất khẩu, kết nối giao thương, xúc tiến thương mại, quảng bá... tại các địa phương biên giới, trong tỉnh nhằm duy trì, mở rộng xuất khẩu tại thị trường quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường Trung Quốc và thị trường Đông Bắc Á. Từng bước hoàn thiện các danh mục sản phẩm hoặc nhóm các sản phẩm đáp ứng các yêu cầu, quy định của các nước nhập khẩu về xúc tiến, quảng bá và đưa các mặt hàng này vào thị trường nước ngoài cần tiêu thụ.

Ông Nguyễn Kiên – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương Quảng Ninh cho biết: Hiện đơn vị đang tập trung nâng cấp sàn thương mại điện tử của tỉnh, sau đó sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các sản phẩm OCOP đã xếp hạng sao lên các sàn. Đồng thời, đơn vị cũng đang là cầu nối, kết nối các ngân hàng, dịch vụ kết nối tham gia cùng các doanh nghiệp, tổ chức các khóa tập huấn, khu gian hàng điện tử tại các hội chợ cấp tỉnh.

Longform | Quảng Ninh: Phát triển thị trường bền vững cho sản phẩm OCOP
Từ nay đến năm 2025, cùng với tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm và ổn định về sản lượng, Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát triển 12 sản phẩm OCOP chủ lực cấp tỉnh, 6 sản phẩm OCOP định hướng cấp quốc gia gắn với triển khai Quyết định số 4078/QĐ-BNN-VPĐP ngày 28/10/2019 của Bộ NN&PTNT "Phê duyệt kế hoạch khung chỉ đạo điểm triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm".

Thực hiện: Tiến Dũng - Linh Chi

Longform | Chương trình OCOP trên địa bàn Hà Nội: Điểm tựa cho sản phẩm làng nghề Thủ đô Bắc Giang: Thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch

PV

Có thể bạn quan tâm

Thấy gì từ vụ chồng bị khởi tố vì đập vỡ điện thoại của vợ?

Thấy gì từ vụ chồng bị khởi tố vì đập vỡ điện thoại của vợ?

Chuyên gia pháp lý cho rằng, việc cơ quan công an xử lý hình sự người chồng về hành vi đập phá tài sản của vợ ở Quảng Ninh là vụ việc khá hy hữu.
Tuyên Quang: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp huyện Na Hang tăng 12%

Tuyên Quang: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp huyện Na Hang tăng 12%

Năm 2024, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với địa phương này.