Với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, nằm trong địa phận rừng nguyên sinh, đồi rừng cọ, nương chè, khí hậu trong lành, con người thật thà đôn hậu, hiếu khách, truyền thống văn hóa dân tộc Tày đậm đà bản sắc, đặc biệt 3 năm qua, được sự hỗ trợ từ dự án Great, chị em phụ nữ Tày Bản Liền đã học tập, truyền dạy, giữ nghề làm nón lá cọ gắn với du lịch, đã đưa Bản Liền trở thành điểm đến mới hấp dẫn của du khách khi đến với miền cao nguyên trắng Bắc Hà. ------- |
Xuôi dòng tây nam miền cao nguyên trắng Bắc Hà tới thăm quan điểm du lịch mới nổi Bản Liền những ngày đầu tháng 4 giao mùa, chuyển bị chuyển sang tiết trời mùa hạ, nắng vàng rực trên những rừng, nương chè, đồi cọ xanh ngát… thực sự ấn tượng đất và người vùng cao và hình ảnh ban đầu để lại sâu đậm nhất trong bức tranh đa sắc màu đó chính là hình ảnh thôn nữ Tày trong trang phục truyền thống màu đen, nước da trắng nõn, khuôn mặt hiền hậu xinh đẹp, đầu đội chiếc nón cọ, rủ nhau lên đồi hái chè xuân, cất bước tới chợ phiên, đội nón lá cọ, dưới nền trời nắng mới, đi rao bán chè tuyết Shan… Xã Bản Liền là xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Mông, Dao nằm cách trung tâm huyện gần 30 km về hướng đông nam, trên tuyến đường nối giữa Bắc Hà với huyện Xín Mần (Hà Giang), có nhiều tiềm năng lớn để phát triển du lịch cộng động, du lịch miệt vườn trải nghiệm đồi chè Shan cổ thụ, thưởng thức hương vị chè, trải nghiệm thăm rừng cọ, hái lá về làm nón và khám phá bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc… Như đã hẹn, chị Vàng Thị Ngân, chủ tịch Hội phụ nữ xã Bản Liền- tổ trưởng tổ quản lý vay vốn dự án Great- Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch, với việc hỗ trợ vay vốn để đầu tư phát triển du lịch cộng đồng giới thiệu và đưa chúng tôi đi thăm thú phong cảnh, thăm quan các mô hình du lịch cộng đồng homestay, khám phá tìm hiểu bản sắc văn hóa dân tộc địa phương và chị Ngân cho biết một trong những nghề truyền thống mới được khôi phục gắn với du lịch đã tạo nên bản sắc hấp dân của du lịch địa phương chính là nghề làm nón lá của phụ nữ dân tộc Tày vốn được làm bằng tàu lá cọ nguyên bản, không phơi khô, không làm trắng. Chính cái mộc mạc đó càng tôn lên sự khéo léo của đôi bàn tay phụ nữ Tày. Người Tày Bản Liền làm nón cũng không dùng khung, khó nhất là phải bẻ cuống sao cho 2 chiếc lá ráp vào nhau rồi khâu lại thật tỉ mỉ, cầu kì. Thành quả sẽ là những chiếc nón thật sự hữu ích, gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và tạo sản phẩm du lịch độc đáo. |
Tới thăm nghệ nhân Vàng Thị Tánh, 78 tuổi- một trong số ít người cao tuổi còn giữ gìn và đã có công truyền dạy nghề cho chị em hội viên phụ nữ Tày địa phương trong suốt 3 năm qua. |
Trò chuyện, bà Tánh cho biết ngày xưa, theo văn hóa của người Tày, con gái mới lớn sẽ được ông bà, bố mẹ truyền dạy kỹ thuật đan nón lá cọ, để có một chiếc nón cọ đẹp, người làm phải đến rừng cọ chọn những chiếc lá đủ to, mỏng đều, sau đó mang về phơi vừa nắng, tạo độ dai cần thiết cho chiếc lá, tiếp đó mới đến công đoạn cắt thớ lá và ép phẳng rồi mới đan nón. Vành nón được làm bằng cật tre để đảm bảo vừa dẻo vừa có độ bền cao. Khi đan, người làm cần khéo tay để tránh lá bị rách hoặc chia lá không đều khiến khó đan. Chỉ khâu ngày xưa được dùng bằng sợi đay, ngày nay đã có dây cước vừa chắc chắn, vừa tạo được mũi khâu đẹp. Công đoạn sau cùng và quan trọng nhất là bảo quản chiếc nón sao cho được bền, bà con thường treo trên gác bếp để tránh mục, mọt rồi mới đưa ra sử dụng. Bà Tánh cũng phấn khởi bảo trước còn ít người biết, đội trẻ không tha thiết học nghề, lo mất song từ ngày có dự án du lịch, mình và mấy bà già còn biết làm được mời đi truyền dạy, thỉnh thoảng có một số con cháu đến học hỏi để làm du lịch. Nay thì có nhiều cháu gái biết làm nón lá cọ, lại bán cho khách du lịch có thêm ít tiền. Mừng lắm nghề xưa còn giữ rồi! |
Gia đình chị Vàng Thị Thông, Tổ đan lát thôn Đội 3 xã Bản liền, cũng là 1 trong 5 hộ đầu tiên tham gia dự án làm du lịch cộng đồng homestay ở Bản Liền cho biết; khi tham gia dự án, mình và nhiều chị em được tham gia lớp học nghề làm nón lá cọ truyền thống và một số sản phẩm làm từ lá cọ như mũ cọ, túi xách, giỏ lá cọ… mở tại trung tâm học tập cộng đồng xã gần tháng trời. về mình thỉnh thoảng đến nhà các cụ bà nghệ nhân học them đến nay đã làm thành thạo. |
Nhà mình làm du lịch cộng đồng đã hơn 3 năm qua và đã có nhiều khách đến, khách quen, ngoài ngắm cảnh, trải nghiệm thăm, thưởng thức chè Shan tuyết, các món măn đặc sản dân tộc Tày, mua chè về làm quà, du khách còn rất thích trải nghiệm đi hái lá cọ về làm nón lá và mua về làm quà kỷ niệm. Để làm 01 cái nón lá cọ, mình và các chị em phải mất từ 2 đến 3 ngày và thường là khách du lịch đặt nên làm ra đến đâu là bán hết đến đó. Mỗi tháng, có thể làm ra khoảng 10 chiếc nón lá cọ. Người mua nón có thể tìm đến nhà nghệ nhân hoặc tham gia phiên chợ thứ 5 hàng tuần tại Bản Liền và mua trực tiếp trải nghiệm làm nón và mua tại các homestay. Nón lá nhỏ có giá 50.000 đến 80.000 đồng, nón lá cỡ lớn có giá 120.000 đồng. Bây giờ khách du lịch đến Bản Liền còn ít, có tháng bán được 5-10 cái, có tháng không cái nào. Sắp tới đường về xã được nâng cấp, mở rộng, du lịch phát triển, hi vọng nghề này tang thu nhập song song với du lịch homestay. |
Chị Vàng Thị Ngân, chủ tịch Hội phụ nữ xã Bản Liền cho biết mình Nón lá cọ được người dân tại xã Bản Liền sử dụng lâu đời, lúc đó nón được chị em phụ nữ sử dụng trong cuộc sống hàng ngày như che nắng, che mưa...chưa được nhiều người biết đến. Nhằm phát triển và gìn giữ nét đẹp truyền thống của chị em phụ nữ dân tộc Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong những năm qua cấp ủy, địa phương đã chỉ đạo thành lập tổ đan lát và nhóm cùng sở thích tham gia làm nón lá cọ để phục vụ đời sống cũng như phát triển dịch vụ du lịch và giao cho Hội phụ nữ xã quản lý. Vào cuối năm 2020, Hội phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng và Du lịch cộng đồng mở các lớp truyền dạy nghề cho 32 hội viên phụ nữ thuộc các thôn Đội 2, Đội 3, Đội 4 và thôn Pắc Kẹ nhằm lưu giữ nghề truyền thống. Hiện tại trên địa bàn xã Bản Liền đã có khoảng 61 hội viên phụ nữ Tày đã biết đan nón thành thạo. |
Chiếc nón lá cọ theo người thiếu nữ Tày buổi về nhà chồng, theo chân các bà, các chị lên nương hái chè, trong những ngày lao động sản xuất. Bà con người Tày nơi đây vẫn miệt mài giữ nghề với kì vọng, dịch bệnh covid- 19 đã được kiểm soát, đẩy lùi, các hoạt động đời sống và sản xuất đã trở lại bình thường, du lịch phục hồi và ngày phát triển, nón lá cọ sẽ là món quà tặng ý nghĩa, theo chân khách du lịch đi khắp mọi miền và tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập, cải thiện, từng bước nâng cao đời sống đồng bào dân tộc Tày địa phương. |
Thực hiện: Tráng Xuân Cường - Thanh Vân
|