Đào, mai khoe sắc, người dân đi lễ chùa, xin chữ đầu năm, ánh mắt, nụ cười rạng rỡ, không khí đầm ấm, quây quần chiều 30 Tết … là những hình ảnh ấn tượng, khơi dậy cảm xúc đặc biệt của Tết cổ truyền Việt Nam đối với ông Erwin R. Popov – Giám đốc điều hành khách sạn Hà Nội Daewoo. |
Erwin R. Popov là người Thụy Sỹ, với hơn 35 năm làm trong ngành khách sạn, từng đảm nhiệm cương vị lãnh đạo cao cấp của nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng nổi tiếng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2015, ông đến Việt Nam và trở thành Giám đốc điều hành hành khách sạn Daewoo Hà Nội. Ông từng được trao danh hiệu “Siêu sao khách sạn” của Giải thưởng du lịch và lữ hành châu Á Thái Bình Dương năm 2019; giám đốc khách sạn tiêu biểu của lễ vinh danh các danh hiệu du lịch Việt Nam 2017… Sau thời gian sinh sống và làm việc tại Việt Nam, dẫu phải xa gia đình, nhưng mảnh đất hình chữ S tươi đẹp, người dân nồng hậu, hiếu khách đã trở nên thân thuộc và khiến Erwin R. Popov muốn được làm việc, cống hiến và về hưu tại đây. Hà Nội những ngày giáp Tết, hương sắc mùa xuân đã ngập tràn phố phường. Ông Erwin R. Popov đã dành cho phóng viên Báo Công Thương một buổi chia sẻ những cảm nhận thú vị về Tết Việt Nam! |
Với khoảng thời gian 5 năm tại Việt Nam, chắc rằng ông đã trải qua nhiều lần ăn Tết Nguyên đán của người Việt Nam và điều gì của Tết Việt làm ông ấn tượng, thích thú? Mỗi quốc gia mà tôi từng đến, sinh sống và làm việc đều có những nét văn hóa đặc trưng riêng, nhất là các ngày lễ Tết truyền thống, tuy nhiên, với Việt Nam là nơi đầu tiên tôi cảm nhận được sự độc đáo, khác biệt về văn hóa trong đó có Tết cổ truyền của các bạn. Ấn tượng đậm nét trong tôi trước hết đó là mỗi người dân Việt Nam đều xem Tết là khoảng thời gian để xum vầy, đoàn tụ bên gia đình, hướng về cội nguồn; là dịp đặc biệt để nói làm cảm ơn một cách chân thành. Hình ảnh người Việt xa xứ quay trở về quê hương vào dịp Tết luôn làm tôi xúc động. Hơn thế, tôi cảm nhận được rằng, với mỗi người Việt Nam, một năm qua dù có trải nhiều biến động, xáo trộn, thăng trầm trong cuộc sống nhưng tất cả đều gác lại những cái cũ, cả niềm vui, nỗi buồn để đón cái mới, gieo lên những hy vọng mới khi Tết đến, xuân về. Bầu không khí hối hả, tấp nập mua sắm Tết, hay người dân rộn ràng, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón Tết cũng hết sức thú vị trong mắt những người ngoại quốc như tôi. Dù là người giàu có, hay với người còn khó khăn thì bất cứ người Việt nào cũng cố gắng dành một khoản tài chính nhất định để có một cái Tết đủ đầy, trọn vẹn. Vậy, trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam, ông đã đón Tết theo cách như thế nào? Ngoài kinh doanh, tôi có đam mê khám phá văn hóa và đi du lịch. Vì vậy, vào dịp đặc biệt như Tết của người Việt, lúc rảnh rỗi tôi đều có thói quen đi xe máy vào những ngày giáp Tết để tìm hiểu, cảm nhận được không khí náo nức đón Tết của người dân. Cảm giác đầy phấn khích khi được len lỏi, hòa vào dòng người hối hả trên các con phố đi sắm; rồi thăm vườn đào Nhật Tân, quất Tứ Liên, chợ hoa Hàng Lược… Còn sang ngày mùng 1, 2, 3 tôi cũng hay ghé thăm các ngôi chùa, dạo xe trên các con phố vắng vẻ, ngắm hình ảnh trẻ nhỏ ríu rít mặc áo dài cùng bố mẹ đi chúc Tết… Cảm giác rất đỗi yên bình và tôi thấy ấm lòng rất nhiều dù không có gia đình bên cạnh. Ngày đầu năm, tôi còn rất thích được đi xin chữ ông đồ để có một may mắn, sức khỏe và bình an của phong tục người Việt. Đặc biệt là đến nhà bạn bè, đồng nghiệp để được thưởng thức nhiều món ăn truyền thống dịp Tết. Tôi cực kỳ yêu thích món bánh chưng, bánh tét, đây không chỉ là món ăn đơn thuần mà còn thể hiện biểu tượng của nền văn hóa lúa nước, tượng trưng cho trời đất qua hình vuông, tròn. |
Tết đã góp phần tô đậm bản sắc văn hóa và là lẽ sống in sâu vào tâm thức người Việt. Tuy vậy, không ít lo ngại rằng, những giá trị của Tết truyền thống sẽ phai nhạt bởi Việt Nam đang hội nhập với thế giới, giao thoa với nhiều nền văn hóa. Ông có chia sẻ gì về điều này? Với tôi, toàn cầu hóa không làm mất đi bản sắc văn hóa, trong đó có ngày Tết truyền thống. Bởi, suốt thời gian ở Việt Nam, tôi đều thấy người dân mong ngóng, đón đợi Tết. Và kể cả người Việt khắp năm châu, bất cứ ai cũng háo hức khi nhắc tới Tết Việt. Tôi nghĩ rằng, Tết cổ truyền đã ngấm sâu, chảy trong huyết quản của người Việt. Trải qua nhiều năm ở Việt Nam, tôi may mắn và hạnh phúc đã được ăn Tết nguyên đán Việt Nam, vì vậy tôi có cơ hội để tìm hiểu, cảm nhận, thấu hiểu rõ nét cách nâng niu những giá trị, ý nghĩa của Tết truyền thống của người dân nơi đây. Vì vậy, chúng ta không nên quá lo lắng các giá trị của Tết phai nhạt. Dù thời gian có trôi qua, bao nhiêu thế hệ đi nữa thì tôi hy vọng và có niềm tin rằng nét văn hóa này vẫn được người Việt gìn giữ, trân trọng. |
Tết năm 2020 được biết ông đã có một trình xuyên Việt rất ấn tượng. Ông có chia sẻ nào về hành trình dọc dài đất nước Việt Nam trong thời gian đặc biệt như vậy? Quả thật, đến nay trải nghiệm này vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí tôi. Ngay khi đến Việt Nam, tôi đã có ước muốn khám phá dọc dài đất nước xinh đẹp này bằng xe máy nên đã tậu cho mình một chiếc “ngựa sắt”. Tuy nhiên, do công việc nên ý định này chưa thực hiện được sớm. Và thường niên, từ dịp Tết Dương lịch đến Tết Nguyên đán, gia đình tôi đang sinh sống ở nước Nga sẽ đến Việt Nam thăm tôi và du lịch. Nhưng, năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên họ không thể đến Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, hoặc là bây giờ, hoặc là không bao giờ, đây là thời điểm hoàn hảo nhất, tuyệt vời và lý tưởng nhất để bắt đầu hành trình đi dọc Việt Nam, một mình bằng xe máy. Và tôi đã quyết định đi xuyên Việt, đón Tết ở nhiều địa phương. Hành trình của tôi bắt đầu từ Hà Nội. Giây phút đầu tiên khi tôi vừa bước lên tàu Thống nhất vào TP. Hồ Chí Minh cảm giác như là một bộ phim ly kỳ hấp dẫn vậy. Trước khi thực hiện chuyến du ký, tôi đã đọc rất nhiều bài báo về đất nước các bạn, mọi thứ đều rất ấn tượng. Và trên thực tế còn tuyệt vời hơn. Theo bánh tàu lăn, trước mắt tôi biển cả xanh thẳm, đồi núi, cánh đồng lúa trải dài mênh mông, mọi thứ đẹp như tranh vậy. Tôi cảm giác, mình có thể chạm tay được tới biển, tới núi. Đó là những thước phim tuyệt đẹp, sống động, còn trác tuyệt hơn cả những hình ảnh trước đây tôi đã được xem, khi thực sự được trải nghiệm nó. Tất cả những điều đó đã giúp tôi nạp đầy năng lượng cho hành trình bằng xe máy. Trước khi đi, nhiều bạn bè, đồng nghiệp khá lo ngại, sợ tôi vất vả, gặp khó khăn. Nhưng từng mảnh ghép của chuyến đi là trải nghiệm tôi không bao giờ quên. Mỗi điểm đến, đều mang lại cho tôi những cảm xúc đặc biệt và khác nhau. Khi đặt chân đến mỗi địa phương, tôi đều gặp được những người dân thân thiện, hiếu khách. Có một vài sự cố như hỏng lốp xe nhưng tôi được người dân giúp đỡ rất nhiệt tình; và khi đến mỗi địa phương tôi đều nhận được sự thăm hỏi, quan tâm, chào đón. Nếu nhận tất cả các lời mời ăn uống của họ, chắc tôi khó có thể tiếp tục hành trình được (cười). Chuyến đi xuyên Việt của tôi dừng chân ở nhiều tỉnh, thành phố, song tôi không lên một kế hoạch chi tiết, dự tính ở đâu bao lâu mà tất cả phụ thuộc vào sự yêu thích văn hóa, con người, cảnh vật từng điểm đến. Điều này cũng giúp tôi có thể tự do khám phá từng điểm đến mà không bị bó buộc về thời gian. Nhờ thế, cả chuyến đi xuyên Việt của tôi luôn được lấp đầy những trải nghiệm rất thú vị. |
Với những cảm xúc tuyệt vời như vậy, ông có thường chia sẻ cũng truyền cảm hứng du lịch đến đất nước chúng tôi với bạn bè, gia đình ông? Ồ, tất nhiên rồi. Xuyên suốt chuyến đi, hàng ngày tôi đều cập nhật hình ảnh điểm đến, món ăn, người dân thân thiện lên trang cá nhân như Intasgram, Facebook, Zalo. Đây không phải là khoe khoang mà là tôi muốn truyền cảm hứng để bạn bè tôi, những ai đang chần chừ đến Việt Nam thì không còn lý do cản trở nào mà không quyết định ngay, bởi Việt Nam quá đẹp, có quá nhiều điều hấp dẫn. Tôi may mắn đã được ngắm nhìn hoàng hôn tuyệt đẹp của Phú Quốc, được chứng kiến làng chài khi mặt trời ló dạng, đồi cát trải dài như sa mạc ở Mũi Né; được thăm trang trại dâu trù phú, đồi thông xanh ngắt thơ mộng của Đà Lạt… Qua chuyến đi này, tôi muốn nói với mọi người rằng, hãy tự tin khởi hành các chuyến đi đến vùng đất mới. Đi để thấy, để biết thêm nhiều điều mới mẻ, được nhìn ngắm cuộc sống muôn màu. Và, như bạn thấy, cuộc sống thật ngắn ngủi, chúng ta hãy tranh thủ từng giây phút để thực hiện những điều ý nghĩa, mang lại hạnh phúc cho bản thân, để không phải hối tiếc vì không làm gì cả. Tôi cũng muốn chia sẻ với mọi người rằng, 360 ngày chúng ta dành nhiều thời gian để làm việc, cống hiến khiến chúng ta rơi vào trạng thái căng thẳng, mệt mỏi. Vì vậy, việc thực hiện các chuyến đi khi điều kiện cho phép sẽ khiến trái tim, tâm hồn được thanh lọ, thư giãn, rộng mở. Nhìn lại chuyến hành trình xuyên Việt, tôi thật sự rất thỏa mãn, bởi nó không chỉ giúp tôi làm mới bản thân mà còn mang lại những hữu ích rất lớn cho công việc điều hành khách sạn của tôi. Đó là tôi đã có cơ hội tìm hiểu thêm cách các điểm đến làm dịch vụ và nhiều sản vật Việt Nam có thể giới thiệu, quáng bá tới du khách, góp phần nâng tầm văn hóa, ẩm thực của Việt Nam tại khách sạn nơi tôi làm việc. Tết Nhâm Dần năm nay trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến khá phức tạp, vì vậy cũng làm ảnh hưởng kế hoạch nghỉ Tết của người dân Việt Nam và người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Còn ông thì sao? Năm ngoái tôi đã có một chuyến đi đáng nhớ vào dịp Tết. Còn năm nay tôi ở Hà Nội. Trước kỳ nghỉ, có thời gian tôi lại đi thăm vườn đào Nhật Tân, khám phá ngõ ngách, phố phường Hà Nội trong giây phút chuyển giao sang năm mới. Ngoài ra, tôi sẽ dành thời gian để chuẩn bị các chương trình Tết tại khách sạn. Hy vọng, chúng tôi sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị, ý nghĩa nhất với du khách trong kỳ nghỉ lễ này. Trong 5 năm làm việc tại Việt Nam, tôi cũng đã có dịp tham quan, trải nghiệm, khám phá rất nhiều điểm đến lý thú. Ở miền Bắc, tôi vô cùng yêu thích vùng núi phía Bắc, nhất là thị trấn Sapa (Lào Cai) và Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh). Không chỉ dịp Tết, mà tôi mong rằng năm 2022, tôi sẽ có dịp được khám phá thêm các địa phương của Việt Nam, những nơi tôi chưa có cơ hội đặt chân đến. Đến nay, với bản thân tôi, Việt Nam thật yên bình và là thiên đường du lịch. Mỗi ngày sống và làm việc tại đây đều tựa như một chương đầy mới mẻ của truyện “Nghìn lẻ một đêm” vậy. Vì thế, tôi muốn về hưu tại Việt Nam, để tiếp tục hành trình khám phá dải đất hình chữ S tươi đẹp này, để được ăn thêm nhiều cái Tết cổ truyền của các bạn. |
Kinh tế toàn cầu, trong đó có lĩnh vực kinh doanh khách sạn đã trải qua một năm khó khăn. Bước sang năm mới, ông có dự báo nào lạc quan hơn không trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp? Dù rằng, dịch bệnh vẫn ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội. Nhưng, tôi tin rằng năm 2022 sẽ cải thiện hơn, bởi các quốc gia đã triển khai tiêm chủng; Chính phủ các nước cũng đã ban hành chính sách phục hồi kinh tế. Tất nhiên, chúng ta không thể kỳ vọng có thể phục hồi một cách nhanh chóng, mà cần thời gian, và tất cả thành tố của nền kinh tế cũng cần phải kết hợp chặt chẽ để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi, phát triển. Đối Việt Nam, mỗi người dân luôn là một chiến binh, có sự thích ứng hoàn cảnh rất nhanh và luôn tìm mọi cách để vượt qua nghịch cảnh. Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã có những quyết sách, chủ trương thích ứng với dịch Covid-19 rất phù hợp, đúng đắn và đây là cơ sở để Việt Nam vượt qua đại dịch. Do vậy, tôi tin vào triển vọng phục hội của kinh tế Việt Nam, thậm chí hứa hẹn sẽ phục hồi nhanh hơn các nước khác trong khu vực. Còn về lĩnh vực kinh doanh khách sạn, tôi cũng khá lạc quan, bởi nhu cầu thư giãn, giải trí, du lịch là thiết yếu với mọi người. Khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu du lịch của người dân sẽ sớm trở lại, các nước mở cửa bầu trời, các sự kiện giao thương trở lại đồng nghĩa ngành khách sạn sẽ hồi sinh. |
Để chuẩn bị cho sự trở lại đó, khách sạn Daewoo Hà Nội đã có sự chuyển đổi, thích ứng như thế nào với tình hình mới? Như bạn đã thấy, lĩnh vực khách sạn, du lịch đã chịu tổn thất rất lớn từ đại dịch. Trong khó khăn, chúng tôi đã sớm có thay đổi hướng kinh doanh, chiến lược để thích ứng linh hoạt với tình hình. Theo đó, chúng tôi không chỉ tập trung phục vụ lưu trú mà còn tập trung khai thác, thúc đẩy phát triển ẩm thực thông qua việc nâng cấp hệ thống nhà hàng, mang đến trải nghiệm ẩm thực độc đáo cho khách nội địa. Kỳ nghỉ Tết Nhâm Dần này, do dịch vẫn phức tạp, người dân hạn chế đi du lịch xa, chúng tôi cũng đa ra mắt mắt gói nghỉ dưỡng tại khách sạn, trải nghiệm ẩm thực vùng miền tới khách hàng là gia đình đậm chất truyền thống. Khách sạn Daewoo Hà Nội là biểu tượng thời kỳ đổi mới của Hà Nội, có sự đóng góp rất lớn cho kinh tế Thủ đô. Tiếp nối truyền thống, chúng tôi đang nỗ lực đưa khách sạn trở lại thời kỳ hoàng kim qua việc nâng cấp chất lượng dịch vụ, sản phẩm. Đồng thời, phối kết hợp với các tổ chức, đơn vị, đại sứ quán các nước tổ chức các sự kiện kinh tế, văn hóa với hy vọng góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Và còn rất nhiều điều khác, chúng tôi muốn làm nhiều hơn nói và tất cả đều xuất phát từ trái tim của mình. Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị! |
Thực hiện: Hoa Quỳnh Đồ hoạ: Thu Thuỷ |