Longform
23/11/2021 06:00
[Longform] Không để nông sản “tắc đường” sang Trung Quốc

23/11/2021 06:00

Từ 1/1/2022, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ chịu những quy định mới. Chuyển nhanh, chuyển mạnh sang chính ngạch là giải pháp duy nhất giúp nông sản không “tắc đường” khi xuất khẩu sang thị trường này.

Không để nông sản “tắc đường” sang Trung Quốc

Từ 1/1/2022, xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ chịu những quy định mới. Chuyển nhanh, chuyển mạnh sang chính ngạch là giải pháp duy nhất giúp nông sản không “tắc đường” khi xuất khẩu sang thị trường này.

[Longform] Không để nông sản “tắc đường” sang Trung Quốc

Chọn hướng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc trong suốt 9 năm qua, Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (chủ hệ thống siêu thị Nutri Mart) đang xuất khẩu rất nhiều loại nông sản tươi và nông sản chế biến sang thị trường này như trái cây tươi, cà phê khoai môn, cà phê sầu riêng… và được thị trường rất ưa chuộng. Chọn hướng làm bài bản, từ đầu tư vùng nguyên liệu, sản xuất sản phẩm theo đúng nhu cầu thị trường và hướng tới việc mở kênh phân phối để kinh doanh nông sản Việt Nam ngay tại thị trường phía bạn, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam cho biết: “Nhiều thời điểm, chúng tôi chỉ đưa hàng hóa lên qua cửa khẩu phía bạn là đã không còn để bán”.

So sánh về ưu điểm của thị trường Trung Quốc so với các thị trường khác, bà Diễm Hằng chia sẻ, nếu so với các thị trường khác như EU hay Hoa Kỳ, thì Trung Quốc vẫn là một trong những thị trường thuận lợi nhất cho nông sản Việt Nam. Vì thứ nhất, với địa chỉ gần gũi, nông sản Việt Nam rất dễ dàng để tiếp cận thị trường này. Thứ hai, các tiêu chuẩn của thị trường này vẫn chưa khắt khe nhất nếu so với các thị trường khác. Do đó, doanh nghiệp có nhiều tiềm năng để tiếp cận tốt thị trường.

Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam là một trong những doanh nghiệp đã tìm được hướng đi để chinh phục Trung Quốc – thị trường lớn nhất của nông sản Việt Nam, trong bối cảnh thị trường này đang liên tục đặt ra những yêu cầu khắt khe đối với hàng hoá nhập khẩu. Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, trong hai năm trở lại đây, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến phía Trung Quốc siết chặt hoạt động nhập khẩu hàng hóa. Đặc biệt, kể từ đầu năm 2021 đến nay, Trung Quốc liên tục thông báo tạm dừng nhập khẩu nông sản từ nhiều cửa khẩu với Việt Nam.

Việc Trung Quốc thông báo tạm dừng thông quan tại một số cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc có hai nguyên nhân chính. Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất là việc Trung Quốc đang vẫn đang duy trì chính sách “Zero Covid” và họ đang là quốc gia duy nhất tiến hành xét nghiệm virus Sars Covi-2 trên bao bì các loại nông sản thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ nước ngoài. Khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Việt Nam thì các cơ quan chức năng, các cửa khẩu Trung Quốc tăng cường việc kiểm soát hàng hóa các cửa khẩu và họ thông báo với chúng ta là đã phát hiện ra virus Sars Covi-2 trên bao bì một số loại nông sản của Việt Nam xuất khẩu đi Trung Quốc.

“Với một loại trái cây hay nông sản, nếu phát hiện có virus thì họ sẽ tự động tạm dừng thông quan với chủng loại mặt hàng đó trong vòng 1 tuần. Lần thứ hai vẫn phát hiện sẽ tiếp tục tạm dừng một tuần và nếu phát hiện đến lần thứ tư thì họ sẽ tạm dừng trong vòng một tháng”, ông Tô Ngọc Sơn thông tin.

Nguyên nhân khách quan là vậy, còn nguyên nhân chủ quan khiến hàng hóa, nông sản ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới của chúng ta thời gian qua là có một bộ phận không nhỏ các doanh nghiệp vẫn đang xuất khẩu nông sản qua các cửa khẩu phụ (xuất khẩu theo đường tiểu ngạch).

[Longform] Không để nông sản “tắc đường” sang Trung Quốc

“Thực tế, thời gian qua, ở các cặp cửa khẩu chính, cửa khẩu quốc tế như Hữu Nghị và nông sản xuất khẩu theo đường chính ngạch thì chưa bao giờ có tình trạng tạm dừng nhập khẩu. Chỉ có nông sản xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, qua các cửa khẩu phụ như Tân Thanh, Cốc Nam hay các cặp chợ biên giới thì mới có hiện tượng ùn tắc nông sản”, ông Tô Ngọc Sơn khẳng định. Đồng thời nhấn mạnh, điều này dẫn đến hệ luỵ rằng đến khi nào hàng hóa của chúng ta vẫn cứ đi theo con đường tiểu ngạch thì hiện tượng ùn tắc, khó khăn trong thông quan vẫn sẽ diễn ra, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc sẽ càng ngày càng siết chặt các hoạt động kiểm soát dịch bệnh trên hàng hóa.

Theo thông báo từ các cơ quan chức năng từ đầu năm 2022, Trung Quốc sẽ ban hành những quy định mới với nông sản nhập khẩu. Tuy nhiên, ngay thời điểm này, khi những quy định mới chưa có hiệu lực thì việc thông quan nông sản của nước ta sang Trung Quốc cũng đã gặp không ít khó khăn khi phía nước bạn tăng cường kiểm soát dịch bệnh và kiểm hóa 100% lô hàng trái cây. Tuy nhiên, với những quy định này, TS.Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, nguyên nhân chính là do hàng hóa của ta vẫn chưa thực sự đáp ứng đầy đủ các quy định từ phía bạn và vẫn còn đâu đó những vấn đề vi phạm về sâu bệnh hại, chế biến hoặc không tuân thủ các quy định về mã số hàng hóa.

TS. Lê Thanh Hòa lấy ví dụ, thời gian qua, Trung Quốc đã cấp mã số vùng trồng cho một số loại nông sản của Việt Nam như xoài, nhãn, thanh long… với một lượng xuất khẩu nhất định cho mỗi mã số vùng trồng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng có những thời điểm phía bạn yêu cầu tạm dừng nhập khẩu vì phát hiện có vi phạm về sản lượng xuất khẩu của nông sản thuộc một mã số vùng trồng. Đây là một trong những minh chứng cho thấy doanh nghiệp còn chưa chú trọng đến việc bảo vệ vùng nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu.

[Longform] Không để nông sản “tắc đường” sang Trung Quốc

“Việc đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm, mã số vùng trồng rất quan trọng, đặc biệt khi Trung Quốc đã hoàn thiện tất cả những quy định và sắp tới, họ sẽ tập trung, đẩy mạnh vào việc mảng về kiểm tra sâu bệnh hại, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các sản phẩm nhập khẩu. Do vậy, trong thời gian tới, nếu doanh nghiệp hay cơ sở sản xuất, chế biến không tập trung giải quyết vấn đề về an toàn thực phẩm thì sẽ rất khó khăn để giữ vững thị phần tại Trung Quốc”, TS Lê Thanh Hòa nói.

[Longform] Không để nông sản “tắc đường” sang Trung Quốc

Hiện nay, mỗi năm, thị trường Trung Quốc nhập khẩu khoảng trên 160 tỷ USD mặt hàng nông sản. Với kim ngạch xuất khẩu khoảng 10 tỷ USD sang thị trường này, nông sản Việt Nam mới chiếm chưa tới 10% thị phần. Trong khi đó, Việt Nam có vị trí địa lý rất gần gũi. Thay vì phải mất khoảng 2-3 tuần để đưa một lô rau quả đi Mỹ hay EU, doanh nghiệp chỉ cần 24 hoặc 36 tiếng vận tải đường bộ hoặc đường thủy để đưa nông sản cập cảng Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang dành những ưu đãi rất lớn cho nông sản Việt Nam.

Đơn cử, TS Nguyễn Sơn – Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho biết, Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN Trung Quốc có hiệu lực 15 năm nay đã giúp đã cắt giảm tới 91% thuế quan giữa hai bên. Riêng đối với nông sản thì ngoại trừ 3 mặt hàng hiện nay còn đang nằm trong danh mục nhạy cảm cao là gạo, là thuốc lá và cà phê, những mặt hàng khác đều được hưởng thuế suất bằng 0 khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, hiện nay thị trường Trung Quốc đã có những cải cách cực kỳ tiên tiến so với các nước khác trong hoạt động thương mại như tích hợp tất cả cái bộ phận liên quan đến giám sát an toàn thực phẩm, xuất nhập khẩu, kiểm dịch động thực vật vào Tổng cục Hải quan. Như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu có thể kiểm tra an toàn thực phẩm rồi thông quan hàng hoá luôn, giảm thời gian chờ đợi. “Điều đó chứng tỏ là Trung Quốc đang muốn nhập khẩu nhiều các sản phẩm nông, thủy sản Việt Nam. Tuy nhiên, những quy định của thị trường sẽ ngày càng chặt chẽ và chúng ta buộc phải chấp nhận” – TS Lê Thanh Hòa khẳng định.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các quy định mới, đặc biệt là hai văn bản của Tổng cục Hải quan Trung Quốc là Lệnh số 248 về việc ban hành “Quy định về Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Lệnh số 249 về việc ban hành các “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” được áp dụng từ đầu năm 2022 hoàn toàn không phải quy định mới mà rất phù hợp với xu thế chung.

[Longform] Không để nông sản “tắc đường” sang Trung Quốc

Cụ thể, thứ nhất, các quy định này phù hợp với xu thế của cả thế giới mà ngay cả Việt Nam cũng đang áp dụng. Thứ hai, nó phù hợp với vị thế của một nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới với yêu cầu ngày càng cao về các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, được cung cấp bởi các doanh nghiệp có năng lực, uy tín và chất lượng. Đây cũng là quy định đã được Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo và phát đi cảnh báo từ rất nhiều năm trước và doanh nghiệp buộc phải thay đổi để tiếp tục có quan hệ giao thương với thị trường này.

[Longform] Không để nông sản “tắc đường” sang Trung Quốc

Ông Tô Ngọc Sơn chia sẻ, với những doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều năm, có sự am hiểu thị trường và tầm nhìn thì những thay đổi từ thị trường không mới và để đáp ứng được cũng không phải là việc khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp quen “ăn xổi” với quan điểm coi thị trường Trung Quốc giống như một cái chợ, quen giao thương theo đường tiểu ngạch, cứ khi nào có một chút hàng hoá lại kéo lên cửa khẩu phụ và thậm chí đưa hàng lên đó rồi mới tìm bạn hàng. Đó hoàn toàn không phải là thương mại quốc tế! Quan hệ thương mại quốc tế giữa hai đối tác, hai doanh nghiệp buộc phải được liên kết bằng việc ký hợp đồng, có giao kèo kèm điều kiện thanh toán, điều kiện quản lý chất lượng thì mới bền vững.

[Longform] Không để nông sản “tắc đường” sang Trung Quốc

“Chắc chắn chỉ 3-5 năm nữa thôi, Trung Quốc sẽ đưa hoạt động thương mại biên mậu theo đường tiểu ngạch về đúng bản chất của nó là “trao đổi cư dân biên giới”, nhằm mục đích cải thiện đời sống người dân hai bên. Nếu doanh nghiệp coi thị trường Trung Quốc giống như thị trường Nhật Bản hay EU và có cách tiếp cận, tầm nhìn cũng như cách xử lý khác thì mọi việc sẽ đơn giản. Còn nếu doanh nghiệp vẫn giữ kinh nghiệm, nhận thức và tiếp cận thị trường với một con mắt của 10-20 năm trước thì chắc chắn là sẽ để mất đi một thị trường cả thế giới thèm khát dù có vị trí địa lý gần gũi, nhu cầu hàng hoá ở mức khổng lồ” – ông Tô Ngọc Sơn khẳng định.

Từ phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết, trong 9 năm qua, Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam đã đưa rất nhiều loại nông sản sang thị trường Trung Quốc, từ nông sản, trái cây tươi đến nông sản chế biến. Ngay cả thời điểm dịch Cvovid-19 bùng phát, việc xuất khẩu sang thị trường này cũng vẫn duy trì bình thường.

“Không có lý do gì hàng nông sản của ta xuất khẩu sang EU, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản mà Trung Quốc lại từ chối” – bà Hằng khẳng định, đồng thời cho biết, doanh nghiệp tận dụng tất cả các sản phẩm từ tươi, đến chế biến để xuất khẩu sang thị trường này. Chỉ cần nông sản đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường Trung Quốc thì sẽ được xuất khẩu dễ dàng theo đường chính ngạch sang Trung Quốc. Ngoài bán trực tiếp, nông sản của Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam cũng được bán qua thương mại điện tử, online sang thị trường này. Doanh nghiệp cũng không giấu tham vọng sẽ xây dựng một hệ thống siêu thị thương hiệu Nutrimart tại thị trường Trung Quốc để tiêu thụ khoảng 4.500 mã sản phẩm, kể cả những đặc sản vùng miền như là mì, bún, miến khô để có thể xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

[Longform] Không để nông sản “tắc đường” sang Trung Quốc
[Longform] Không để nông sản “tắc đường” sang Trung Quốc

Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, với những quy định mới của Trung Quốc, doanh nghiệp như Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam không gặp quá nhiều khó khăn. Song khó khăn lớn hơn lại đến từ vùng nguyên liệu chưa đạt chuẩn.

“Các cơ quan ban ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc kết nối cung cầu. Chúng tôi cũng ký rất nhiều biên bản với các hộ nông dân, hợp tác xã, song đến kỳ thu hoạch, chúng tôi vẫn không có hàng để thu mua. Do đó, doanh nghiệp không có hàng để sản xuất và bị phạt đơn hàng rất nhiều”, bà Hằng chia sẻ.

Do đó, với những doanh nghiệp xác định xuất khẩu lâu dài, buộc phải có những vùng nguyên liệu xuất khẩu đạt chuẩn chứ không thể mãi làm theo kiểu tiểu thủ công. Công ty CP Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam cũng xác định bên cạnh mục tiêu mở khoảng 1000 điểm bán trên cả nước để tiêu thụ nông sản phục vụ cho thị trường nội địa, cũng sẽ xây dựng các nhà máy chế biến ở địa phương với khoảng 3-4 tỉnh sẽ có một nhà máy, nhằm đảm bảo có đủ nguyên liệu chế biến quanh năm.

[Longform] Không để nông sản “tắc đường” sang Trung Quốc

“Có được vùng nguyên liệu đạt chuẩn là yếu tố quan trọng hàng đầu để đảm bảo xuất khẩu bền vững sang Trung Quốc hay bất cứ thị trường nào. Nếu cứ sản xuất manh mún, không xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn, phối hợp doanh nghiệp sẽ mãi là con buôn, là tiểu thương chứ không thành doanh nghiệp lớn được” – bà Hằng khẳng định. Đồng thời cho biết, để giải bài toán nguyên liệu, bắt buộc phải có sự vào cuộc của các địa phương. “Chính quyền địa phương phải vào cuộc cùng với doanh nghiệp để làm sao bà con có niềm tin vào doanh nghiệp. Chính quyền cũng cũng cần đứng ra để đảm bảo nguồn hàng cho doanh nghiệp thì chúng tôi mới dám đầu tư. Đồng thời, dành cho doanh nghiệp quỹ đất tốt để chúng tôi có thể làm nhà máy. Đổi lại, chúng tôi đảm bảo sẽ đồng hành cùng người nông dân sản xuất nông sản đạt chuẩn, ký hợp đồng bao tiêu hết nông sản trên diện rộng. Có như vậy, việc hợp tác mới thành công !” bà Hằng nhấn mạnh.

Bài học thành công của Bắc Giang là một trong những minh chứng cho sự vào cuộc của địa phương trong việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Từ những năm 2016, Bộ Công Thương đã hướng dẫn Bắc Giang cách để tiếp cận thị trường Trung Quốc và sau đó chỉ khoảng 3 năm, họ là tự nguyện triển khai tất cả hoạt động từ xây dựng vùng nguyên liệu, xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp tại thị trường Trung Quốc mà không cần đến sự hỗ trợ của Bộ Công Thương hay bất cứ bộ ngành nào. Năm 2021, dù Bắc Giang trở thành tâm dịch ngay thời điểm thu hoạch vải thiều nhưng vải Bắc Giang vẫn được xuất khẩu thành công sang nhiều thị trường, trong đó chủ yếu là xuất khẩu sang Trung Quốc.

Tiêu thụ nông sản là câu chuyện muôn thủa, chuyện các thị trường liên tiếp dựng lên hàng rào phi thuế cũng là chuyện không mới. Tuy nhiên, với cách làm bài bản từ vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi cung ứng nông sản và đáp ứng tốt các yêu cầu thị trường, nông sản Việt Nam chắc chắn sẽ không chỉ chinh phục tốt riêng thị trường Trung Quốc mà còn rất nhiều những thị trường khác, đặc biệt trong bối cảnh các FTA có hiệu lực đang rộng mở cánh cửa ra nước ngoài cho hàng hóa Việt Nam.

Thực hiện: Phương Lan - Thu Thủy

Phương Lan - Thu Thuỷ - Cấn Dũng