Longform
22/06/2023 18:26
Longform | Kết nối để nông sản Bắc Kạn lên kệ siêu thị

22/06/2023 18:26

Với lợi thế về nguồn đất sạch, sản phẩm nông sản, hàng hóa của Bắc Kạn đã có chất lượng tốt và thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.
Kết nối để nông sản Bắc Kạn lên kệ siêu thị

Kết nối để nông sản Bắc Kạn lên kệ siêu thị

Với lợi thế về nguồn đất sạch, sản phẩm nông sản, hàng hóa của Bắc Kạn đã có chất lượng tốt và thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Kết nối, để nông sản hàng hóa địa phương này lên kệ siêu thị đang được địa phương này đẩy mạnh.

Tìm kiếm đầu ra bền vững cho nông sản Bắc Kạn

Là tỉnh miền núi ở vị trí trung tâm các tỉnh phía Bắc, Bắc Kạn được biết đến với các sản phẩm nông sản đặc trưng như: Miến dong, bí xanh thơm, chè, bún phô, phở khô, Gạo Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, Gạo Bao thai, Gạo Japonica, Nano Curcumin (sản phẩm tinh chế từ củ nghệ)… Đến nay, một số sản phẩm của Bắc Kạn đã có thương hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Để trở thành hàng hóa và có chỗ đứng trên thị trường, trong thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ kết nối trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa Bắc Kạn và các tỉnh, thành phố trong cả nước; tích cực đưa các sản phẩm, hàng hóa của tỉnh tiếp cận thị trường trong nước, tham gia nhiều hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, thực hiện các chương trình phối hợp về tiêu thụ hàng hóa giữa các tỉnh thành, đặc biệt thành phố Hà Nội.

Như tại “Tuần lễ giới thiệu Bí xanh thơm, Gạo Japonica và các sản phẩm nông sản sạch tỉnh Bắc Kạn năm 2020” tại thành phố Hà Nội, các đơn vị sản xuất kinh doanh nông sản của tỉnh đã kết nối được với một số nhà phân phối, tiêu thụ nông sản, cụ thể: HTX Tài Hoan, HTX Hợp Giang đã cùng với Siêu thị WinMart Trung Hòa trao đổi để có thể kết nối đưa sản phẩm miến dong, gạo Japonica vào siêu thị bán trong thời gian tới khi các bên đạt được các thỏa thuận chi tiết; HTX Hoàn Thành tham gia Tuần lễ cũng đã có những thỏa thuận sơ bộ các đơn hàng lớn trong thời gian tới cung cấp cho các cửa hàng phân phối tại Hà Nội đồng thời cũng có nhiều đơn hàng từ người tiêu dùng thủ đô; HTX Nhung Lũy đã làm việc với các hệ thống Siêu thị WinMart để củng cố và mở rộng thị trường sản phẩm Bí xanh thơm (nhất là sản phẩm Bí thái lát) vào hệ thống, cửa hàng của WinMart.

Ông Khúc Tiến Hà - Giám đốc Vận hành WinMart miền Bắc - Công ty Cổ phần Dịch vụ và Thương mại tổng hợp VinCommerce cho biết: “Với 132 siêu thị và 3.500 điểm bán cửa hàng Winmart+, chúng tôi cũng cần một lượng hàng hóa rất lớn để phục vụ nhu cầu người dân. Đến nay, nhiều sản phẩm của Bắc Kạn đã vào hệ thống siêu thị và không còn mới lạ với người tiêu dùng của Winmart+ như bí đao thường, bí đao thơm, sản phẩm miến dong Na Rì... Các sản phẩm cũng được người tiêu dùng đón nhận tích cực”.

Kết nối để nông sản Bắc Kạn lên kệ siêu thị

Ông Lê Văn Liêm - Giám đốc khu vực Miền Bắc - Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết thêm, những năm vừa qua đơn vị đã phối hợp với rất nhiều địa phương để quảng bá, xúc tiến đưa sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của các địa phương vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op.

Riêng với miến dong Tài Hoan của tỉnh Bắc Kạn, bên cạnh việc phân phối tại địa bàn thành phố Hải Phòng, trong tháng 6 này, Saigon Co.op tiếp tục đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại 06 siêu thị Co.op Mart và chuỗi 40 cửa hàng Co.op Food của hệ thống tại thành phố Hà Nội. "Hợp đồng đã được kí kết và việc đặt hàng sẽ được tiến hành sớm sau khi giải quyết các vấn đề kỹ thuật của hệ thống", ông Liêm thông tin.

Mặc dù hàng hóa đã vào được các kênh phân phối lớn, tuy nhiên, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương này. Bà Nguyễn Thị Hoan – Giám đốc HTX Tài Hoan (huyện Na Rì) cho biết: Là đơn vị chuyên sản xuất, chế biến sản phẩm miến dong, sản phẩm được sản xuất theo hướng hữu cơ. Mỗi ngày HTX sản xuất được khoảng 2 - 2,5 tấn, lượng giao cho khách hàng khoảng một nữa. Trong khi đầu cung sản xuất thì thừa thì nhiều khách hàng phản ánh đến HTX là muốn mua sản phẩm nhưng vào siêu thị lại không tìm thấy. Do đó, đến với buổi làm việc, chúng tôi mong muốn có thể kết nối và đưa được các sản phẩm của HTX vào kênh siêu thị, để sản phẩm được lan tỏa và đến được với nhiều hơn người tiêu dùng.

Ông Hà Sỹ Thắng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn – chia sẻ, đến thời điểm này, Bắc Kạn đã công nhận 182 sản phẩm OCOP, trong đó có rất nhiều các sản phẩm đạt 3 sao trở lên và đặc biệt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP 5 sao là miến dong thương hiệu Tài Hoan đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu từ ba năm nay và được tiêu thụ rất tốt.

Kết nối để nông sản Bắc Kạn lên kệ siêu thị

"Nguồn cung sản phẩm miến dong của Bắc Kạn rất lớn, do đó mong muốn được mở rộng thị trường tiêu thụ” ông Hà Sỹ Thắng chia sẻ, đồng thời mong muốn giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn của địa phương mình đến các nhà phân phối, các trung tâm thương mại, các chợ đầu mối, từ đó, để tăng cường giao lưu liên kết và có thể đáp ứng được nhu cầu của các hệ thống phân phối với sản phẩm, hàng hóa của địa phương.

Hoàn thiện "mảnh ghép" cung cầu

Kết nối để nông sản Bắc Kạn lên kệ siêu thị

Hiện nay, một số sản phẩm nông sản của Bắc Kạn như: Miến dong, chè, bún phô, phở khô, Gạo Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn, Gạo Bao thai, Gạo Japonica,Nano Curcumin (sản phẩm tinh chế từ củ nghệ) đã trở thành hàng hóa và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, có chỗ đứng trên thị trường, tham gia vào hệ thống bán lẻ hiện đại ở một số thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh,...

Bên cạnh việc tìm thị trường hàng hóa cho sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Bắc Kạn vẫn còn nhiều tồn tại. Quy mô sản xuất còn hạn chế, do vậy việc đáp ứng các đơn hàng lớn còn khó khăn. Bắc Kạn còn thiếu doanh nghiệp đầu mối mua gom hàng hóa cho bà con nông dân, nên phần nào hạn chế việc đặt hàng tiêu thụ của các doanh nghiệp, chuỗi siêu thị...

Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú - Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam - cho rằng, hiện nay quy mô sản xuất của các cơ sở sản phẩm địa phương nói chung và Bắc Kạn nói riêng thường là nhỏ lẻ, gây khó khăn cho các hệ thống phân phối trong việc đặt hàng, thu mua sản phẩm.

Do đó, cần có những công ty cung vận hành theo mô hình trung tâm phân phối nhằm kết nối doanh nghiệp phân phối và các doanh nghiệp HTX tại Bắc Kạn là hết sức quan trọng. Tại đây, doanh nghiệp này ngoài hoạt động vận chuyển và hỗ trợ công tác hóa đơn, chứng từ sẽ làm các hoạt động dịch vụ chuyên môn khác như: giới thiệu nguồn hàng, thu mua, giám sát chất lượng sản phẩm của các cơ sở...

Ông Khúc Tiến Hà cũng cho rằng, bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm, địa phương cần phát triển mối liên kết giữa các HTX sản xuất với các doanh nghiệp cung ứng, vận chuyển hàng hóa tới các hệ thống phân phối. Mặt khác, cần xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm, đặc biệt là những chương trình quảng bá, giới thiệu tại những hệ thống phân phối, không chỉ là những tuần hàng riêng lẻ, mà cần duy trì tần suất thường xuyên các chương trình quảng bá, gây ấn tượng liên tục và tạo uy tín với người tiêu dùng.

Đồng quan điểm trên, đại diện của Công ty Cổ phần Tập đoàn BRG, đơn vị sở hữu chuỗi cửa hàng BRGMart - cho rằng, Bắc Kạn có những sản phẩm đặc trưng khác biệt với sản phẩm của các địa phương khác như miến dong, cần tăng cường quảng bá tới người tiêu dùng nắm được những đặc trưng đó và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Ông Đàm Mạnh Tuấn - Giám đốc khu vực miền Bắc của AEON Việt Nam - cũng khuyến nghị, cần chú trọng truyền thông về sản phẩm, nhấn mạnh những điểm mạnh, điểm đặc trưng, khác biệt của sản phẩm so với sản phẩm của địa phương khác.

Ông Lê Văn Liêm cho hay, chúng tôi thường xuyên tham gia các hội nghị kết nối cung cầu nông sản của các địa phương, tuy nhiên, vấn đề phụ thuộc vào thị trường tiêu thụ. Để hỗ trợ các địa phương trong vấn đề quảng bá sản phẩm, chúng tôi có thể sắp xếp các khu vực, các quầy kệ hàng để địa phương có thể trưng bày sản phẩm miễn phí tại siêu thị.

Trước các ý kiến đóng góp từ các hệ thống phân phối, ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bắc Kạn - cho biết, hiện Hội đã xây dựng đề án và chuẩn bị đưa vào hoạt động một công ty nhằm kết nối, hỗ trợ các hợp tác xã, bà con trên địa bàn tỉnh trong việc cung ứng sản phẩm vào các hệ thống phân phối, bán lẻ.

Kết nối để nông sản Bắc Kạn lên kệ siêu thị

“Bắc cầu” đưa nông sản Bắc Kạn vào hệ thống phân phối

Liên quan đến vấn đề làm sao để quảng bá sản phẩm địa phương hiệu quả hơn, ông Trần Văn Trọng - Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - cho rằng, quảng bá trên môi trường trực tuyến đang là một xu hướng phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Đơn cử, nhiều doanh nghiệp đã phối hợp với nền tảng Tik Tok tổ chức các buổi livestream bán hàng online, chủ yếu hướng tới người tiêu dùng trẻ yêu thích xu hướng mới, sẵn sàng chi tiêu mua hàng hóa khi được giới thiệu hấp dẫn.

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam sẵn sàng đồng hành, phối hợp với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) và các nhà sản xuất địa phương tổ chức các chương trình trực tuyến để giới thiệu, chia sẻ về sản phẩm, quy trình sản xuất sản phẩm... tới người tiêu dùng. Bên cạnh đó, địa phương có thể huy động nguồn nhân lực về thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng từ các cơ sở đào tạo để hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất quảng bá, bán hàng… hiệu quả hơn.

Ở góc độ cơ quan quản lý, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – đánh giá, trong thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã có sự nỗ lực trong công tác thúc đẩy đầu tư sản xuất, chế biến những sản phẩm đặc sản vùng miền và nỗ lực trong công tác kết nối nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước và xuất khẩu.

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đang là đầu mối triển khai 3 đề án, 5 chương trình liên quan đến tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa địa phương, trong đó có các sản phẩm tỉnh Bắc Kạn.

“Hiện, các hệ thống phân phối sẵn sàng đón nhận, hỗ trợ địa phương và các hộ sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên địa bàn toàn quốc. Do đó, bên cạnh sự hỗ trợ của của cơ quan chức năng, Bắc Kạn cũng tích cực tham gia trong việc kết nối, phát triển mạng lưới kinh doanh, điểm bán lẻ, điểm kho tổng… của các hệ thống phân phối thương mại tại địa phương” – bà Lê Việt Nga khẳng định.

Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, với các địa phương như Bắc Kạn, sẽ có nhiều thuận lợi trong hoạt động xúc tiến nông sản, hàng hóa tại thị trường trong nước. Theo đó, đối với các đơn vị sản xuất, có thể làm việc trực tiếp với các đối tác để có thể nắm bắt được tiêu chuẩn, yêu cầu từ phía nhà phân phối, đồng thời, nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, cả người mua và người bán đều có thể dễ dàng tiếp xúc trực tiếp để trao đổi, tương tác qua lại về quy mô sản xuất, sản phẩm... Doanh nghiệp phân phối có thể đến tận nhà vườn để khảo sát sản phẩm, hai bên có thể trao đổi với nhau làm sao để hạ giá thành, giảm chi phí đưa vào siêu thị để tiêu dùng được tốt hơn.

Kết nối để nông sản Bắc Kạn lên kệ siêu thị

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay đối với nông sản hàng hóa của các địa phương nói chung và Bắc Kạn nói riêng đó là vấn đề quy mô sản xuất, khả năng cung ứng, các vấn đề kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy cách, phẩm chất, giá cả.

Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP phải có sự khác biệt, làm sao sản phẩm này chỉ có Bắc Kạn mới có thôi, làm sao để các nhà phân phối, nhà bán lẻ phải lên Bắc Kạn đặt hàng, không thể đặt nơi khác thì đấy mới là sự khác biệt của Chương trình "mỗi làng một sản phẩm". Đồng thời, cần sự liên kết giữa người mua, người bán và giữa các nhà phân phối. Và liên kết này cần đảm bảo sự thực thi.

"Nếu các siêu thị cùng mua, cùng phân phối một sản phẩm không đủ quy mô thì rất là tiếc”, ông Phan Văn Chinh chia sẻ và dẫn chứng, ví dụ như bây giờ ở đâu cũng ăn chay, cửa hàng nào cũng bán sản phẩm chay nhưng nếu muốn mua 10 container sản phẩm chay để xuất khẩu hoặc đưa vào tiêu thụ tại siêu thị, liệu có làm được không?".

Kết nối để nông sản Bắc Kạn lên kệ siêu thị

Về phía cơ quan chức năng, với vai trò đầu mối kết nối, ông Phan Văn Chinh cho hay, Bộ Công Thương sẽ xúc tiến, dẫn dắt cơ sở sản xuất và nhà phân phối đến với nhau, mang lại thuận lợi cho cả đôi bên.

Với lợi thế vùng nguyên liệu đầu vào sạch, sản phẩm tốt, cùng với việc thay đổi cách thức truyền thông; xác định sản phẩm chủ lực; phát triển chuỗi giá trị; xây dựng chiến dịch phát triển thương hiệu nhằm tạo dấu ấn cho người tiêu dùng,… các chuyên gia cho rằng, các địa phương, HTX, doanh nghiệp Bắc Kạn cũng cần nắm bắt các xu hướng tiêu dùng mới, những yếu tố tác động đến thị trường sản phẩm, những chính sách, cam kết của Việt Nam và xu hướng thế giới về bảo vệ môi trường... Việc này, sẽ giúp các cơ sở sản xuất có thể cải tiến quy trình sản xuất, sử dụng bao gói sản phẩm… phù hợp hơn với nhu cầu và xu hướng thị trường, và để hàng hóa không chỉ vào được siêu thị mà còn kéo dài vòng đời sản phẩm trên các kệ siêu thị hiện đại.

Nguyễn Hạnh - Linh Chi

Nguyễn Hạnh - Linh Chi

Có thể bạn quan tâm

OCOP Hậu Giang: Góp phần nâng cao giá trị nông sản

OCOP Hậu Giang: Góp phần nâng cao giá trị nông sản

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có 266 sản phẩm chủ lực được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.
Bắc Giang: Nâng cao hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm

Bắc Giang: Nâng cao hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm

Là một trong những địa phương thành công điển hình triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP, Bắc Giang đang nỗ lực nâng cao hiệu quả chương trình này.
TP. Hồ Chí Minh: Sức mua sản phẩm giải nhiệt và sản phẩm OCOP tăng mạnh

TP. Hồ Chí Minh: Sức mua sản phẩm giải nhiệt và sản phẩm OCOP tăng mạnh

Tại TP. Hồ Chí Minh, trong 2 ngày đầu nghỉ lễ 30/4 và 1/5, sức mua các mặt hàng tiêu dùng tăng mạnh, tập trung vào nước giải nhiệt, sản phẩm OCOP.