Longform
24/07/2023 06:19
Longform | Hà Nội: Mỗi một sản phẩm OCOP là một câu chuyện kết tinh văn hóa

24/07/2023 06:19

2.167 sản phẩm OCOP trên địa bàn Hà Nội là 2.167 câu chuyện về văn hóa Thủ đô, tôn vinh bàn tay và khối óc các nghệ nhân Hà Nội.
Longform | Hà Nội: Mỗi một sản phẩm OCOP là một câu chuyện kết tinh văn hóa

“Linh hồn” sản phẩm OCOP 5 sao và câu chuyện chạm đến trái tim người nghe

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia (tiêu chuẩn 5 sao) cho 12 chủ thể của 22 sản phẩm. Trong đó, Hà Nội vinh dự có 2 sản phẩm là Bộ sản phẩm gốm men Suối Ngọc, của Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (huyện Gia Lâm) và sản phẩm Chăn bông tơ tằm tự dệt của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức (huyện Mỹ Đức).

Bộ sản phẩm gốm men Suối Ngọc là một trong những sản phẩm thế mạnh của làng gốm Bát Tràng. Bát Tràng được xem như tinh hoa của nghệ thuật gốm sứ Việt Nam, được gìn giữ như báu vật lưu truyền mãi mãi. Qua bàn tay của các nghệ nhân nó đã trở thành những tác phẩm có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ đặc sắc, mỗi tác phẩm đều thể hiện được hồn cốt văn hóa tinh tú và đặc sắc trong tâm hồn người Việt.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Bát Tràng nổi danh nghề làm gồm, nghệ nhân Đức Tân - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất Kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh không ngừng học hỏi để lưu giữ những nét tinh hoa, văn hoá truyền thống của gốm sứ Bát Tràng. Trước khi được vinh danh sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia, Bộ sản phẩm gốm men Suối Ngọc đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao năm 2019.

Để tạo ra tác phẩm có sự khác biệt, Hợp tác xã Tân Thịnh đã chế tác thành công từ những nguyên liệu trong nước, các loại quặng kim loại trong lòng đất hàng triệu năm, kỹ thuật pha chế trang trí công phu khi được nung ở nhiệt độ 12.500C, tạo ra các màu men có hiệu ứng hỏa biến sống động như ngọc trên tác phẩm. Tác phẩm trang trí có mỹ ý từ trong tâm biểu tượng cho bầu trời, biển khơi, mang lại ý nghĩa của âm dương ngũ hành.

Longform | Hà Nội: Mỗi một sản phẩm OCOP là một câu chuyện kết tinh văn hóa

Chính từ ý nghĩa đó, tác phẩm “Bộ sản phẩm gốm men suối ngọc”của nghệ nhân Trần Đức Tân cho người thưởng ngoạn cảm nhận về sự kết nối giữa quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và hiện đại. Nó không chỉ mang lại giá trị vật chất cho cuộc sống mà còn mang lại giá trị tinh thần vô giá, hướng đến cái chân thiện mỹ, đem đến sự bình an, hạnh phúc và thành đạt. Chính câu chuyện này đã giúp sản phẩm gốm men Suối Ngọc được vinh danh OCOP 5 sao quốc gia.

Sản phẩm Chăn bông tơ tằm tự dệt của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức cũng là một sản phẩm hết sức độc đáo. Bà Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức cho hay, sau nhiều năm quan sát con tằm làm tơ, đan kén nó ngoáy đầu ra sao, rút ruột thế nào bỗng nảy ra một ý tưởng lạ, sắp xếp những điều kiện thuận lợi nhất cho chúng tự dệt thành tơ.

Tằm khi đan kén còn có cái tổ để che thân nên yên tâm kéo tơ. Nhưng để tự dệt, tằm phải nằm trơ trọi trên một mặt phẳng khiến chúng rất sợ ánh sáng, tiếng động hay gió thổi. Bà phải để chúng vào trong cái nhà kín không có tiếng động, ánh sáng, gió lùa. Trong ruột mỗi con tằm chứa sợi tơ dài 400-500m bà cũng phải tính toán tỉ mỉ khoảng cách thích hợp để cho chúng vươn cổ, nhả tơ sao cho thật vừa tầm mà không vướng víu. Khi đã đạt độ dài, rộng, dày theo tiêu chuẩn thì đem tơ ấy tẩy đi sẽ tạo được tấm ruột chăn có màu sắc trắng như bông, mềm xốp và không bị vón cục. Tỉ mỉ là thế nên sản phẩm này giá không hề rẻ và thường được chọn để làm quà tặng trong các dịp quan trọng.

Longform | Hà Nội: Mỗi một sản phẩm OCOP là một câu chuyện kết tinh văn hóa

“Các sản phẩm được làm thủ công, được sinh ra tự nhiên và phân hủy tự nhiên nên rất thân thiện với môi trường. Cùng đặc tính thoáng khí, mềm nhẹ, mát rượi khi chạm vào, với những tông màu mộc mạc, trang nhã được nhuộm với màu tự nhiên, an toàn tuyệt đối cho người sử dụng. Nhờ đặc tính và câu chuyện thú vị phía sau sản phẩm nên thị trường tiêu thụ ngày càng được mở rộng không chỉ trong nước mà còn được xuất khẩu sang nước ngoài như: Nhật Bản, Đức, một số nước thuộc khu vực Trung Đông...” – Nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ.

Longform | Hà Nội: Mỗi một sản phẩm OCOP là một câu chuyện kết tinh văn hóa

Cùng với 2 sản phẩm kể trên, đến nay, Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước về triển khai chương trình OCOP. Thành phố đã công nhận được 2.167/9.852 sản phẩm, chiếm 22% của cả nước. Trong đó có 6 sản phẩm được Trung ương công nhận 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.369 sản phẩm 4 sao, 780 sản phẩm 3 sao. Riêng năm 2022, Thành phố công nhận 518 sản phẩm (1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 271 sản phẩm 4 sao, 246 sản phẩm 3 sao), vượt chỉ tiêu kế hoạch 118 sản phẩm (mỗi năm có 400 sản phẩm).

Để đạt được kết quả trong năm 2022, Hội đồng OCOP Thành phố đã tổ chức 13 hội nghị đánh giá, phân hạng vòng 1 được 518 sản phẩm (từ ngày 20/9 - 21/12/2022). Trong đó có 491 sản phẩm mới, 27 sản phẩm đánh giá lại do hết thời hạn 36 tháng theo quy định. Chia theo ngành sản phẩm gồm có: Thực phẩm tươi sống - 76 sản phẩm; thực phẩm chế biến - 225 sản phẩm; đồ uống - 12 sản phẩm; thảo dược - 22 sản phẩm; thủ công mỹ nghệ - 168 sản phẩm; ngành vải may mặc - 13 sản phẩm; dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch - 2 sản phẩm.

Longform | Hà Nội: Mỗi một sản phẩm OCOP là một câu chuyện kết tinh văn hóa

Với 6 sản phẩm được chứng nhận đạt 5 sao, Hà Nội là địa phương có số lượng sản phẩm 5 sao tốp đầu cả nước. Các sản phẩm OCOP 5 sao của Hà Nội mang nét đặc trưng, tiêu chuẩn, chất lượng cao và hội tụ đủ điều kiện để xuất khẩu… Sau khi được công nhận, các chủ thể có cơ hội quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, từ đó sản xuất cũng được mở rộng hơn.

Đối với sản phẩm OCOP 4 sao, tỷ lệ sản phẩm OCOP 4 sao của cả nước là 32%, thì của Hà Nội là 62%, chứng tỏ Thành phố phát triển chương trình này không chỉ về số lượng, mà còn cả chất lượng. Đáng nói là không chỉ các huyện phát triển sản phẩm OCOP, mà ở các quận cũng rất mạnh trong việc đánh giá, chấm điểm OCOP dựa trên các sản phẩm nông sản đặc sản, thủ công mỹ nghệ của mình.

Chứng nhận OCOP là cơ hội tiêu thụ sản phẩm

Sản phẩm OCOP không như các sản phẩm được sản xuất hàng loạt trong các nhà máy lớn, với công nghệ hiện đại, mà là sản phẩm mang tính đặc thù, lợi thế của từng địa phương, nên đặc sắc, có giá trị cao.

Mỗi năm, Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức hoàn thành hàng nghìn chiếc chăn tơ tằm tự dệt. Doanh nghiệp bán sản phẩm theo cân nặng, mỗi ki lô gam chăn có giá 4 triệu đồng. Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, người tiêu dùng biết đến chăn tơ tằm nhiều hơn. Mặc dù cung không đủ cầu, song công ty vẫn giữ nguyên giá để nhiều người tiêu dùng được trải nghiệm, sử dụng sản phẩm chăn từ nguyên liệu tự nhiên, cao cấp.

Năm 2020, Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm) có 4 sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao. Đó là “Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ”, “Bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen”, “Bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng” và “Bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen”. Các sản phẩm OCOP 5 sao này có sự kết hợp giữa thủ công và công nghệ. Thủ công ở việc tạo hình các họa tiết, làm nên tính độc đáo và tính thẩm mỹ cao. Trong mỗi sản phẩm, doanh nghiệp đều khéo léo truyền tải nét văn hóa của người Việt, như hình tượng hoa sen, rồng phượng, chim én... Để mỗi sản phẩm đạt đến sự hoàn mỹ, bên cạnh làm thủ công, công ty sử dụng máy móc để tạo hình, kiểm soát chất lượng, giúp sản phẩm có độ mịn, an toàn cao, không cong vênh, nứt mẻ…

Longform | Hà Nội: Mỗi một sản phẩm OCOP là một câu chuyện kết tinh văn hóa

Bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh cho biết, sản phẩm được đánh giá, phân hạng 5 sao là vinh dự lớn, “giấy thông hành” để doanh nghiệp củng cố, phát triển thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước… Hơn 80% sản phẩm gốm sứ Quang Vinh được dành xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, đến cả các thị trường khó tính nhất, như: Đức, Mỹ, Nhật, Đan Mạch...

Nhân rộng sản phẩm OCOP

Longform | Hà Nội: Mỗi một sản phẩm OCOP là một câu chuyện kết tinh văn hóa

Theo kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, mỗi năm, thành phố sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên. Và với nhiều dư địa để phát triển, việc thực hiện mục tiêu này của thành phố sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và góp phần thiết thực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, Hà Nội còn 806 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận. Hà Nội cũng có hơn 11.000 sản phẩm nông sản, thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code; có 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao; 149 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp… Đó là tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm OCOP. Không chỉ với các sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề ở ngoại thành, ngay trong nội thành, các địa phương cũng có những lợi thế riêng. Chẳng hạn, các sản phẩm OCOP độc đáo, như: Trà sen Tây Hồ, bánh trung thu Bảo Phương, cá kho chợ Hàng Bè, đào, quất Nhật Tân, bún ốc Bà Ngoại… đã được đánh giá, phân hạng OCOP các năm qua.

Bên cạnh phát triển sản phẩm mới, các quận, huyện, thị xã được yêu cầu tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm đã hết thời hạn (36 tháng). Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hằng năm để dự thi nâng hạng sản phẩm OCOP. Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với chương trình OCOP Thành phố.

Tập trung xây dựng nhãn hiệu, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP; ưu tiên lựa chọn, sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường. Các chủ thể có sản phẩm được chứng nhận OCOP tiếp tục phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả theo chuỗi, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Longform | Hà Nội: Mỗi một sản phẩm OCOP là một câu chuyện kết tinh văn hóa

Đối với việc quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, bà Trần Thị Phương Lan - Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, việc xúc tiến sản phẩm OCOP của các chủ thể OCOP trên địa bàn thành phố Hà Nội là một trong những nội dung, chương trình công tác của Sở và được triển khai thường xuyên, liên tục. Thời gian qua, Sở đã phối hợp với các quận, huyện liên tục mở Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Từ đó mở rộng đầu ra, tiêu thụ sản phẩm OCOP cũng như lan tỏa câu chuyện văn hóa Thủ đô ra thế giới.

Longform | Hà Nội: Mỗi một sản phẩm OCOP là một câu chuyện kết tinh văn hóa

Trong thời gian tới, OCOP Hà Nội định hướng phát triển gian hàng đầu tiên tại thị trường quốc tế, cụ thể là châu Âu. Công tác gắn liền phát triển các sản phẩm OCOP với việc phát triển du lịch các làng nghề cũng được Hà Nội đẩy mạnh và phát huy. Từ đó, giới thiệu với bạn bè quốc tế, không chỉ những sản phẩm đặc trưng của các địa phương mà còn có thể đem đến cho họ cái nhìn sâu hơn về quy trình sản xuất cũng, bối cảnh làm nên thương hiệu đặc biệt cũng như những câu chuyện về sự tần tảo sớm hôm của người nghệ nhân đất Kinh kỳ, là câu chuyện văn hóa của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Cùng với sự nỗ lực của địa phương, người dân, đóng góp vào thành công của vụ vải 2023 không thể không kể đến vai trò của Bộ Công Thương, các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.  Cụ thể: Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực không ngừng nhằm t

Thực hiện: Phương Lan - Thanh Vân

Trang Anh

Có thể bạn quan tâm

Lấy ý kiến Dự thảo Thông tư Quy định tính toán giá bán điện bình quân

Lấy ý kiến Dự thảo Thông tư Quy định tính toán giá bán điện bình quân

Bộ Công Thương vừa đăng tải dự thảo 2 Thông tư quy định tính toán giá bán điện bình quân để lấy ý kiến đóng góp của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Tuyên Quang: Nỗ lực đưa dòng điện sáng về thôn, bản

Tuyên Quang: Nỗ lực đưa dòng điện sáng về thôn, bản

Những năm qua, việc Tuyên Quang đưa điện lưới về những thôn, bản xa xôi đã góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc.
Tây Nguyên: Khai phá tiềm năng ngành rau quả, phát triển hiệu quả kinh tế vùng

Tây Nguyên: Khai phá tiềm năng ngành rau quả, phát triển hiệu quả kinh tế vùng

Dù hội tụ đủ những điều kiện phát triển ngành rau quả nhưng các “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách khiến quy mô xuất khẩu của vùng còn rất khiêm tốn.