Longform
08/10/2023 10:21
Longform | Gốm sứ Tân Thịnh: Rạng danh sản phẩm OCOP tại làng gốm cổ ven sông

08/10/2023 10:21

Sản phẩm gốm sứ Tân Thịnh (làng gốm Bát Tràng – Gia Lâm – Hà Nội) vinh dự là một trong số ít sản phẩm được vinh danh sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Longform | Gốm sứ Tân Thịnh: Rạng danh sản phẩm OCOP tại làng gốm cổ ven sông

Kết hợp giữa tinh hoa văn hóa truyền thống với bàn tay của người nghệ nhân tài ba, sản phẩm gốm sứ Tân Thịnh (làng gốm Bát Tràng – Gia Lâm – Hà Nội) vinh dự là một trong số ít sản phẩm được vinh danh sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.

Tinh hoa gốm sứ Việt Nam

Làng gốm Bát Tràng nằm ven sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm ngoại thành Hà Nội. Cái tên Bát Tràng có nghĩa là “cái sân lớn”, và làng có lịch sử hình thành từ thời Lê. Đây là làng gốm lâu đời nổi tiếng nhất ở Việt Nam, cũng như là địa điểm mà du khách trong và ngoài nước không thể không một lần ghé thăm. Làng gốm Bát Tràng chuyên sản xuất những loại gốm sứ đa dạng cả về chủng loại lẫn kiểu dáng.

Dọc các nếp nhà hoài cổ của làng gốm Bát Tràng, theo những con ngõ hẹp khám phá làng nghề truyền thống Bát Tràng, du khách có thể ghé bất kỳ đâu để tìm cho mình những tác phẩm gốm đủ loại màu sắc, hình dáng, kích thước. Từ chiếc bình phong to như chiếc cột nhà với những đường nét tinh xảo, nước men lấp lánh đến những vật dụng nhỏ như chiếc chén uống trà, lọ hoa, đĩa, cơi trầu…

Bát Tràng được xem như tinh hoa của nghệ thuật gốm sứ Việt Nam, được gìn giữ như báu vật lưu truyền mãi mãi. Qua bàn tay của các nghệ nhân nó đã trở thành những tác phẩm có giá trị nghệ thuật thẩm mỹ đặc sắc, mỗi tác phẩm đều thể hiện được hồn cốt văn hóa tinh tú và đặc sắc trong tâm hồn người Việt.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Bát Tràng nổi danh nghề làm gồm, nghệ nhân Nguyễn Đức Tân - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất Kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh không ngừng học hỏi để lưu giữ những nét tinh hoa, văn hoá truyền thống của gốm sứ Bát Tràng.

Nói đến gốm Bát Tràng, người ta sẽ hình dung ra những dòng men thời Lý, Trần, Lê, đó là những dòng chảy văn hóa in sâu vào tâm thức của người Việt. Thế nhưng, HTX Tân Thịnh chọn dòng gốm nghệ thuật mang tính chất trang trí đương đại, đưa gốm truyền thống vào đời sống, vừa mang tính thẩm mỹ, vừa toát lên hồn cốt sinh động.

Longform | Gốm sứ Tân Thịnh: Rạng danh sản phẩm OCOP tại làng gốm cổ ven sông

Thời gian qua, Ban giám đốc HTX Tân Thịnh đã nghiên cứu, không ngừng sáng tạo, cho ra mắt hàng nghìn sản phẩm họa tiết trang trí tinh xảo. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông Tân được người yêu nghệ thuật ưa thích phải kể đến: Bình gốm vân đá, bộ lọ gốm hoa văn cách điệu hoa cúc dây, tác phẩm Ngũ sắc liên hoa với chất liệu gốm men màu gấm kim sa, Sen cổ có chất liệu gốm men màu đục mờ…

“Để nhận diện sản phẩm gốm trên thị trường, trong khoảng thời gian 6 tháng đến 1 năm, chúng tôi đều cho ra những bộ sản phẩm khác nhau. Phân loại từng sản phẩm và “thổi hồn” màu sắc, họa tiết phù hợp với văn hóa vùng miền của khách nội địa và quốc tế” - nghệ nhân Trần Đức Tân cho biết thêm.

Để tạo ra tác phẩm có sự khác biệt HTX Tân Thịnh đã chế tác thành công từ những nguyên liệu trong nước, các loại quặng kim loại trong lòng đất hàng triệu năm, kỹ thuật pha chế trang trí công phu khi được nung ở nhiệt độ 12500C, tạo ra các màu men có hiệu ứng hỏa biến sống động như ngọc trên tác phẩm. Tác phẩm trang trí có mỹ ý từ trong tâm biểu tượng cho bầu trời, biển khơi, mang lại ý nghĩa của âm dương ngũ hành.

Longform | Gốm sứ Tân Thịnh: Rạng danh sản phẩm OCOP tại làng gốm cổ ven sông

Khác với xưa kia, gốm Bát Tràng ngày nay đã có sự thay đổi về thị giác, mỹ ý và mỗi tác phẩm sẽ mang trong mình một câu chuyện riêng. Giống như một bức tranh hội họa hay bản nhạc, mỗi sản phẩm gốm cũng nên có cho mình một câu chuyện riêng, một ngôn ngữ riêng được thể hiện bằng màu sắc, hội họa. Sản phẩm OCOP của HTX Tân Thịnh được đặt tên là Suối Ngọc vì có 3 thứ trong gốm phải có là đất, nước và lửa. Suối Ngọc mang biểu tượng cho “mưa ngọt, gió lành”.

Gốm Bát Tràng là minh chứng cho câu chuyện biến đất thành vàng. Bên cạnh đó, sản phẩm này mang 5 màu sắc biểu tượng cho ngũ hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Đồng thời, sản phẩm cũng là sản phẩm hội tụ 5 loại men xưa của gốm Bát Tràng. Bản thân người nghệ nhân khi làm ra sản phầm này cũng mong muốn mang những điều tốt lành, bình an cho người sở hữu.

Đặc biệt, trên mỗi sản phẩm, nghệ nhân thư pháp của làng gốm Bát Tràng đã chắp bút những câu danh ngôn, triết lý của cha ông để truyền tải cho thế hệ sau. Mỗi khách hàng sẽ tự lựa chọn những điều mà mình muốn viết lên sản phẩm gốm men Suối Ngọc. Bởi vậy, mỗi sản phẩm đó sẽ là duy nhất và mang theo cá tính, ngụ ý riêng của người sở hữu. Những tác phẩm thư pháp trên gốm của nghệ nhân Trần Đức Tân - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh đều do chính vợ của ông – nghệ nhân Nguyễn Thu Hằng chắp bút.

Chính từ ý nghĩa đó, tác phẩm “Bộ sản phẩm gốm men suối ngọc” của nghệ nhân Trần Đức Tân cho người thưởng ngoạn cảm nhận về sự kết nối giữa quá khứ và tương lai, giữa truyền thống và hiện đại. Nó không chỉ mang lại giá trị vật chất cho cuộc sống mà còn mang lại giá trị tinh thần vô giá, hướng đến cái chân thiện mỹ, đem đến sự bình an, hạnh phúc và thành đạt.

Với những ý nghĩa đó, năm 2023, Bộ sản phẩm gốm men suối ngọc của HTX Tân Thịnh vinh dự là một trong 2 doanh nghiệp được vinh danh sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia. Đây cũng là một trong 2 doanh nghiệp của làng gốm Bát Tràng được vinh danh sản phẩm OCOP 5 sao, góp phần nâng tầm thương hiệu gốm đã có hơn 1.000 năm lịch sử.

Longform | Gốm sứ Tân Thịnh: Rạng danh sản phẩm OCOP tại làng gốm cổ ven sông

Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm

Theo nghệ nhân Nguyễn Đức Tân, từ khi men suối ngọc được công nhận OCOP 5 sao, khách hàng tìm tới HTX nhiều hơn, đơn hàng lớn hơn, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Đến nay, HTX Gốm sứ Tân Thịnh là đơn vị cung cấp đa dạng các sản phẩm gốm sứ theo hợp đồng quà tặng, tiêu dùng, các dự án lớn của khách sạn, nội, ngoại thất resort… Ngoài ra, HTX cũng có những dòng sản phẩm cố định để cung ứng đến đại lý của các tỉnh thành. Cứ khoảng 6-12 tháng, HTX sẽ sáng tạo thay đổi mẫu mã một lần, luôn cập nhật liên tục chiếu theo xu thế thẩm mỹ của thị trường.

Để làm được điều này, HTX đã chủ động tổ chức cho nghệ nhân tham gia các triển lãm, xúc tiến thương mại, tọa đàm nghệ thuật của các chuyên gia để tham khảo thiết kế mẫu mã, cập nhật công nghệ mới cả ở Việt Nam lẫn mang sản phẩm của HTX đi giao lưu quốc tế ở những quốc gia có nền nghệ thuật làm gốm sứ lâu đời như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan...

Đặc biệt, nhằm đưa sản phẩm gốm sứ HTX Tân Thịnh vươn ra tầm quốc tế, Nghệ nhân Ưu tú Trần Đức Tân đã tham gia nhiều hội chợ quốc tế để tham khảo, mở rộng thị trường, học hỏi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh như ở Nhật, Đức, Ý, Đan Mạch, Đài Loan, Hàn Quốc…

Nếu như công nghệ giúp rút ngắn các công đoạn chế tác sản phẩm, thì thương mại điện tử (TMĐT) là cầu nối đưa gốm sứ Tân Thịnh tương tác giữa khách hàng với các nghệ nhân, tăng sức cạnh tranh, đưa thương hiệu làng nghề tiến xa hơn trên thị trường thế giới. Hiện, mỗi năm HTX Tân Thịnh cung ứng hàng chục nghìn sản phẩm các loại, cung cấp cho thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới như: Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Longform | Gốm sứ Tân Thịnh: Rạng danh sản phẩm OCOP tại làng gốm cổ ven sông

Rạng danh làng gốm cổ ven sông

Cùng với bộ sản phẩm gốm sứ men suối ngọc của HTX sản xuất, kinh doanh Tân Thịnh, trong năm 2019, làng nghề Bát Tràng có thêm 4 sản phẩm được đã đạt 5 sao cấp quốc gia. Đó là các sản phẩm: Bộ bát đĩa gốm sứ hoa sen đỏ, bộ ấm chén gốm sứ chim én hoa sen, bộ bát đĩa gốm sứ rồng phượng, bộ bát đĩa gốm sứ chim én hoa sen. Chủ thể của 4 sản phẩm này là Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, trụ sở tại xóm 1, xã Bát tràng.

Theo UBND xã Bát Tràng, việc triển khai Chương trình OCOP rất tích cực đối với Bát Tràng. Vì làng nghề hiện có trên 1.000 hộ sản xuất mặt hàng gốm sứ, do đó việc thực hiện OCOP là rất thuận lợi Với nguồn sản phẩm dồi dào, cuối năm 2019, xã có 5 sản phẩm được đánh giá có tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP quốc gia. Đây chính là thước đo cho sản phẩm về chất lượng. Từ đó, người dân cũng như khách trong và ngoài nước cũng có nhìn nhận và đánh giá về sản phẩm của Bát Tràng cụ thể hơn, thiết thực hơn và giá trị của sản phẩm sẽ được nâng lên khi tham gia.

Việc Bát Tràng có nhiều sản phẩm OCOP cũng góp phần giúp làng nghề có thêm doanh thu từ hoạt động du lịch. Từ nhiều năm nay, cùng với phát triển sản xuất, Bát Tràng đã trở thành một trong những điểm du lịch làng nghề của Hà Nội, bình quân mỗi năm đón khoảng 2.000 đoàn với hàng chục nghìn lượt khách đến thăm quan.

Longform | Gốm sứ Tân Thịnh: Rạng danh sản phẩm OCOP tại làng gốm cổ ven sông

Làng gốm Bát Tràng nằm ven sông Hồng đã nổi tiếng từ hàng trăm năm qua, nhưng mỗi người thợ vẫn phải không ngừng học hỏi để sản phẩm ngày càng hoàn thiện. Ngày nay, nghệ nhân ngoài phải nghiên cứu về gốm cũng cần có sự đam mê, khẳng định được chất riêng của hồn cốt dân tộc. Gốm của HTX Tân Thịnh dù in đậm tinh thần và hơi thở của Việt Nam nhưng cũng toát lên sự mới mẻ của thời đại. Đây chính là lý do để sản phẩm gốm này được vinh danh và góp phần làm rạng rỡ thương hiệu làng gốm cổ ven sông.

Bảo Ngọc - Vũ Hạnh

Bảo Ngọc - Vũ Hạnh

Có thể bạn quan tâm

Sóc Trăng: Đa dạng hóa sản phẩm OCOP, thúc đẩy kinh tế nông thôn

Sóc Trăng: Đa dạng hóa sản phẩm OCOP, thúc đẩy kinh tế nông thôn

Hơn 5 năm triển khai đồng bộ chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Sóc Trăng đã tạo ra nhiều hiệu quả tích cực trong phát kinh tế nông thôn.
Ngành Công Thương Hà Nội: Kết nối, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP

Ngành Công Thương Hà Nội: Kết nối, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP

Kết nối, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm OCOP, đây là cách mà ngành Công Thương Hà Nội đưa sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng Thủ đô.