Sau gần 6 năm Việt Nam bị EC cảnh báo “thẻ vàng” IUU, đến nay, vẫn còn 4 bốn nội dung mà Việt Nam cần phải đáp ứng. “Tăng tốc” gỡ “thẻ vàng” để lấy lại hình ảnh và vị thế của hải sản Việt Nam trên thị trường quốc tế là mục tiêu được triển khai đồng bộ. |
Đồng loạt vào cuộc từcấp Trung ương đến địa phương |
Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra cảnh báo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Chống khai thác IUU) với Việt Nam. Ngay sau khi EC đưa ra cảnh báo “thẻ vàng” IUU, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành đã dốt dáo vào cuộc. Ngày 20/5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 596/QĐ-TTg về việc hành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (sau đây viết tắt là Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU). Trong năm 2018, 2019 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành, trình ban hành các văn bản hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản 2017 gồm 02 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng, 08 Thông tư của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Các văn bản hướng dẫn triển khai Luật Thủy sản năm 2017 đã được xây dựng đảm bảo tương thích với các quy định quốc tế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành 13 Quyết định phê duyệt các chương trình, kế hoạch về chống khai thác IUU, 28 các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn địa phương khắc phục các tồn tại về chống khai thác IUU,… Các Ban, bộ, ngành gồm: Ban Tuyên giáo Trung ương và các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông... theo chức năng, nhiệm vụ được giao đã xây dựng kế hoạch, giải pháp và tổ chức triển khai thực hiện Luật Thủy sản, các nghị quyết, chỉ thị, công điện, quyết định và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU; thường xuyên nắm bắt thông tin đối ngoại, động thái của EC đối với công tác chống khai thác IUU của Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Ban, bộ, ngành kịp thời nắm tình hình, đưa ra các giải pháp triển khai thực hiện. Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng hướng dẫn công tác tuyên truyền biển, đảo hàng năm với một trong những trọng tâm tuyên truyền từ 2017 đến nay là vấn đề phòng, chống tiến tới chấm dứt khai thác IUU; thường xuyên chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí, dư luận xã hội trong nước và thông tin đối ngoại về nội dung, cách thức giải quyết các vấn đề chống khai thác IUU của Việt Nam, vấn đề tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý;… |
Sau gần 6 năm gỡ “thẻ vàng” IUU, đến nay, khung pháp lý cơ bản đã đáp ứng yêu cầu quốc tế về chống khai thác IUU. Đã từng bước giảm số lượng tàu cá và cường lực khai thác. Đã cơ bản hoàn thiện cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia VNFishbase. Việc lắp đặt, theo dõi, giám sát tàu cá qua Hệ thống giám sát tàu cá đã có kết quả. Công tác kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản khai thác qua cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác có sự cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong tổ chức triển khai thực hiện; một số nhiệm vụ các Bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành theo tiến độ mà Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, chưa hoàn thành việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Thực thi pháp luật xử lý hành vi vi phạm khai thác IUU còn yếu kém, thiếu thống nhất, đồng bộ. Công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác đối với các lô hàng xuất khẩu vào thị trường EU chưa đảm bảo theo quy định, có hiện tượng hợp thức hóa hồ sơ bất hợp pháp đã bị phía EC phát hiện tại đợt thanh tra lần thứ 3. Đặc biệt tiếp tục để tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. |
Đánh giá cao về những nỗ lực của Việt Nam trong việc gỡ “thẻ vàng” IUU, tuy nhiên, ngài Virginijus Sinkevičius - Cao ủy EU về Môi trường, Đại dương và Nghề cá – cho rằng, việc ban hành các quy định luật pháp thôi là chưa đủ. Vấn đề quan trọng chính là việc thực thi trên thực tế và do nhiều lý do điều này chưa được làm tốt. “Việc thực thi là không dễ với Việt Nam vì các bạn có số lượng tàu lớn nhưng rất nhiều trong số này là các tàu rất nhỏ. Ngoài ra, một điều rất quan trọng khác nữa là đảm bảo các cơ quan thực thi pháp luật thực hiện trách nhiệm của mình một cách nghiêm túc”, ngài Virginijus Sinkevičius cho biết. |
“Thẻ vàng” IUU và thiệt hại kép đối với hải sản Việt |
Việc chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU đã ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu hải sản nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung của Việt Nam. Bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) – dẫn chứng, trước khi bị cảnh báo “thẻ vàng” IUU, giai đoạn 2015 – 2017, EU từng là thị trường nhập khẩu hải sản nhiều nhất của Việt Nam, chiếm 30 - 35% xuất khẩu hải sản của Việt Nam. Tuy nhiên, từ sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng” IUU, tỉ trọng xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường này giảm dần qua từng năm. Qua thống kê của VASEP, năm 2018 - năm đầu tiên sau khi bị cảnh báo “thẻ vàng”, tỉ trọng xuất khẩu hải sản sang thị trường EU chiếm 11,8%. Sang năm 2019, con số này suy giảm còn 10,7% và còn 9,5% vào năm 2020. Đến năm 2022 – tức là sau 5 năm, tỉ trọng đã giảm còn 9,4%. Việc EC áp “thẻ vàng” IUU đối với hải sản buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải tìm cách chuyển dịch sang các thị trường khác như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Bên cạnh đó là xu hướng gia công cho các nhà kinh doanh hải sản ở các nước, xuất khẩu trở lại các nước đó, nhất là gia công các loài cá biển như cá tuyết, cá sa ba, cá thu, cá minh thái... |
Bà Lê Hằng cho biết, đây là cách vừa tận dụng được công suất chế biến vừa tạo được việc làm cho công nhân và vừa không bị áp lực về vấn đề nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc theo quy định IUU. “Ngay cả xuất khẩu sang EU bây giờ cũng có một tỉ trọng đáng kể là hàng gia công, chứ nguyên liệu thuần túy trong nước vừa khan hiếm, lại vừa khó làm giấy xác nhận khai thác (SC) và chứng nhận khai thác (CC) đáp ứng quy định IUU của thị trường này”, bà Lê Hằng chia sẻ. “Nếu Việt Nam bị cảnh báo thẻ đỏ thì không chỉ mất thị trường EU với giá trị xuất khẩu hải sản trên 500 triệu USD mỗi năm mà còn tổn thất hơn nữa về thương mại thủy sản cũng như uy tín ngành thủy sản Việt Nam tại các thị trường khác”, bà Cao Thị Kim Lan - Ủy viên Ban chấp hành VASEP, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bình Định nhận định. Tại buổi họp báo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 3/7/2023, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết, việc hải sản Việt Nam bị rút “thẻ vàng” IUU khiến việc xuất khẩu bị tác động lớn, với việc kiểm soát 100% lô hàng, thời gian thông quan kéo dài 2 – 3 tuần khiến đội chi phí. Không chỉ thị trường EU, hiện Nhật Bản cũng đã nêu vấn đề này, Hoa Kỳ cũng điều trần và chúng ta cũng đã phải giải trình. Không những thế còn ảnh hưởng đến vị thế của hải sản Việt Nam trên trường quốc tế. |
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Công ty Nghi Sơn Food Group – chia sẻ, kể từ khi EC áp “thẻ vàng” IUU, việc xuất khẩu hải sản của công ty gặp nhiều khó khăn. Việc EU kiểm tra nghiêm ngặt nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thủy sản từ khai thác dẫn đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng cao, sản lượng xuất khẩu đến thị trường EU vì thế giảm. Đáng chú ý, quy định chống khai thác IUU của EC, nhất là việc truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác cũng đã được Nhật Bản và Hoa Kỳ áp dụng, nên các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn nhiều hơn. |
khi còn tàu vi phạm sẽ không nói đến việc gỡ "thẻ vàng" |
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất trong quy định của EC về chống khai thác IUU là điều khoản cho phép cấm nhập khẩu hoặc cập cảng đối với các quốc gia hoặc tàu cá không có hành động công khai, rõ ràng trong việc chống khai thác IUU. Trên cơ sở này, EC sẽ cảnh báo “thẻ vàng” đối với một số quốc gia và “thẻ đỏ” - hình thức trừng phạt thương mại thực tế - đối với các nước chưa có đủ sự nỗ lực trong việc quản lý nghề cá và ngăn chặn khai thác IUU. Để gỡ “thẻ vàng”, Thủ tướng Chính phủ đã có ít nhất hai lần chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương. Gần đây nhất, ngày 13/2/2023, Ban hành "Kế hoạch hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu lần thứ 4". |
EC đã tiến hành ba đợt thanh tra việc gỡ “thẻ vàng” IUU tại Việt Nam. Nhìn nhận thẳng vào vấn đề cần phải giải quyết, ông Phùng Đức Tiến thông tin, hiện, chúng ta có 86.820 tàu có lắp thiết bị hành trình đạt 97,3%, nhưng số nguy cơ cao lại nằm ở tàu chưa lắp thiết bị. Thứ hai, lắp thiết bị nhưng không hoạt động 24/24 nên việc giám sát chưa đạt hiệu quả 100%. Ngoài ra, việc ngắt kết nối, gửi thiết bị sang tàu khác là có. Việc quản lý, giám sát đội tàu còn có vấn đề. “Tàu đi đánh bắt về phải có nhật ký, nhưng thời gian quan kiểm tra thì thấy ngư dân viết như hồi ký. Mà nhật ký lại toàn chữ… giống nhau. Do đó cần quản lý đội tàu tốt hơn. Quản tàu, quán cá chưa triệt để thì chưa thể truy xuất được nguồn gốc…” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ và cho biết, việc EC liên tục lùi thời hạn kiểm tra việc gỡ “thẻ vàng” IUU tại Việt Nam vì họ nói khi vẫn còn tàu vi phạm thì chưa gỡ “thẻ vàng”. Ngoài ra, việc quản lý tàu vào cập cảng mới được 45%, còn đỗ bãi ngang, đỗ bến nhà. Sản lượng cá đi theo tàu mới quản được hơn 25 - 30%. Quản lý tàu cá như vậy, thì quản lý truy xuất nguồn gốc hải sản thế nào? Có trường hợp mua ở cảng cá này xong lại làm chứng chỉ ở cảng kia,… ông Phùng Đức Tiến đặt vấn đề và nhân mạnh, muốn gỡ “thẻ vàng” IUU vấn đề đặt ra lúc này là phải nghĩ thật, nói thật, làm thật. |
“Người tiêu dùng ở EU rất tuân thủ pháp luật và luôn muốn có thông tin đầy đủ về sản phẩm, họ sẽ không tham gia vào các hoạt động không bền vững. Tôi nghĩ nếu các tiêu chuẩn cao về tính bền vững được đảm bảo, thị trường EU là thị trường có thể trả giá tốt cho một sản phẩm chất lượng hàng đầu”, ngài Virginijus Sinkevičius chia sẻ và khuyến nghị, Việt Nam cần tuân thủ pháp luật trong hoạt động đánh bắt trên thực tế. Tôi nghĩ đây là điều cực kỳ, vô cùng quan trọng. Việc tuân thủ quy định pháp luật trên thực tế phải được tất cả các tỉnh, tất cả các khu vực nghiêm túc thực hiện. Thứ hai, cần đảm bảo không có thị trường tiêu thụ cá đánh bắt trái phép. Cá đánh bắt trái phép không thể cập cảng; công ty chế biến hoặc xuất khẩu không thể mua loại cá này. Tại Hội nghị trực tuyến với các tỉnh miền Tây về công tác lãnh đạo, chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định; phân giới cắm mốc; phòng, chống tội phạm ma túy, mua bán người; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra tại TP. Cần Thơ ngày 28/6/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - cho biết, Đoàn kiểm tra của EC sắp tới là Đoàn kiểm tra cuối cùng của nhiệm kỳ châu Âu hiện tại, do đó nếu không có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, có thể phải mất 2 - 3 năm nữa Việt Nam mới có cơ hội gỡ “thẻ vàng” IUU. Vì thế, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh mục tiêu lớn lao nhất từ nay đến khi đoàn kiểm tra của EC đến Việt Nam là không để một tàu cá nào bị nước ngoài bắt giữ. |
Đợt sát hạch quan trọng của hải sản Việt Nam |
Về một số nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định 42 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Nghị định 26 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, phấn đấu hoàn thành trong tháng 7 này. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải cố gắng quản lý tốt nhất tàu cá của địa phương mình; phối hợp với các cơ quan chức năng đưa ra khởi tố một số vụ việc để nâng cao tính răn đe; mạnh tay trong xử lý hành chính, dù việc này rất đau xót nhưng nếu càng nương nhẹ thì càng khó gỡ được “thẻ vàng”, xuất khẩu hải sản bị tắc nghẽn, cuộc sống của ngư dân vì thế còn gian nan hơn nữa. Gỡ “thẻ vàng” IUU ngay trong năm nay là quyết tâm của Việt Nam và được xác định là không phải để đối phó với Đoàn kiểm tra của EC mà là thay đổi nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững hơn. Điều này đòi hỏi từng ngư dân có trách nhiệm tuân thủ các quy định pháp luật, vì lợi ích quốc gia, lợi ích của chính ngư dân. |
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Phùng Đức Tiến cho biết, nhiệm vụ đặt ra trước mắt là cần quản lý tốt tàu cá và giám sát chặt chẽ đội tàu. Thời gian tới, Bộ sẽ sửa Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo hướng nghiên cứu, bổ sung thêm 6 thiết bị phạt nguội để xử lý vi phạm IUU của các tàu cá, giống như cảnh sát thực hiện với phương tiện giao thông đường bộ. Công khai, minh bạch thông tin để người dân giám sát. Xử phạt cả chủ tàu và cả máy trưởng nếu để xảy ra vị phạm. Cùng với đó, sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng để giải quyết đồng bộ các vấn đề về đánh bắt hải sản. “Từ lần kiểm tra đầu tiên của EC vào tháng 10/2017, đến nay Việt Nam vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU. Không những IUU trên biển mà sắp tới còn IUU trên rừng nữa. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tổ chức các đoàn đi kiểm tra việc thực hiện quy định IUU tại một số địa phương trọng điểm để chấn chỉnh tình trạng này…” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói. Song song với việc đầu tư phát triển các sản phẩm mới, đa dạng thị trường xuất khẩu, tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị của EC,… là cách mà Nghi Sơn Food Group đang triển khai để đợi ngày “thẻ vàng” được gỡ bỏ. Ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ, dù chật vật do thiếu nguyên liệu nhưng công ty kiên quyết chỉ thu mua nguyên liệu thủy sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, được lực lượng chức năng xác nhận và chứng nhận nguồn gốc khai thác rõ ràng, đúng quy định. Điều này sẽ góp phần hạn chế, tiến đến chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm những quy định chống khai thác IUU. Bởi hơn ai hết, chính các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ “thấm nhất” hậu quả của việc không sớm gỡ “thẻ vàng” thì thiệt hại kinh tế sẽ rất lớn. Ông Nguyễn Văn Minh cũng mong cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục vận động, khuyến khích chủ tàu, thuyền trưởng chấp hành các quy định chống khai thác IUU. Kiên quyết không thu mua những sản phẩm khai thác không rõ nguồn gốc, hoặc của chủ tàu không thực hiện các quy định về xuất nhập cảng và bốc dỡ hàng hóa qua cảng. |
Theo các chuyên gia, “thẻ vàng” IUU là một nguy cơ lớn nhưng dưới góc độ tích cực, đây là một đợt “sát hạch” quan trọng để Việt Nam nhìn lại mình. Gỡ được thẻ vàng, tránh bị thẻ đỏ là cơ hội để hải sản Việt nâng cấp, tăng thêm uy tín và mở cơ hội lớn vào các thị trường khó tính. “Thẻ vàng” IUU là động lực để đổi mới nghề cá của Việt Nam theo hướng tốt hơn, có trách nhiệm hơn. EU là thị trường có những yêu cầu khắt khe nhất, khi khắc phục được tất cả khuyến cáo của EC đồng nghĩa với việc chúng ta tạo ra được chuỗi sản xuất bền vững, tự tin xuất khẩu các sản phẩm thuỷ sản các thị trường khác. Với sự nỗ lực của Bộ Chính trị, Chính phủ, các cấp, các ngành, từng địa phương, đơn vị, từng chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân và mọi tầng lớp nhân dân, hi vọng cơ hội gỡ “thẻ vàng” IUU sẽ hái “quả ngọt” và khép lại hành trình dài suốt gần 6 năm qua. |
Thực hiện: Nguyễn Hạnh – Hà Duyên – Trang Anh |