Là vùng sản xuất nông sản, trái cây lớn hàng đầu cả nước, những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã tăng cường đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị và mở rộng đầu ra cho các sản phẩm. |
Doanh nghiệp tăng cường đầu tư chế biến sâu |
Tháng 5 vừa qua, Công ty CP Cà phê Phúc Sinh Sơn La (Phúc Sinh Group) đã cho ra mắt sản phẩm cà phê đặc sản Honey & Natural Specialty Coffee được lựa chọn từ những hạt cà phê Arabica ngon nhất của vùng cao Tây Bắc. Sản phẩm này nối dài những sản phẩm trước đó như cà phê Blue Sơn La, trà từ vỏ cà phê… mà Phúc Sinh cho ra đời từ “vựa” cà phê Arabica lớn và được đánh giá có chất lượng cao nhất cả nước. Sản xuất ra sản phẩm đặc sản không hề dễ dàng. Theo Phúc Sinh Group, để chế biến loại cà phê ngon Blue Sơn La từ quả tươi cần khoảng 4 ngày nhưng với cà phê đặc sản, cần 2 đến 3 tuần mới xong một mẻ. Từ 6.000 tấn cà phê Blue Sơn La Arabica, Phúc Sinh chỉ làm được 6 tấn cà phê đặc sản Honey & Natural Specialty. Khó khăn là vậy, song ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Hội đồng quản trị Phúc Sinh Group vẫn khẳng định: “Với tình yêu dành cho Arabica Sơn La, tôi quyết tâm đưa giống cà phê thượng hạng này đến với nhiều người tiêu dùng trong nước và quốc tế”. |
Đặt nhà máy sản xuất tại vùng nguyên liệu cà phê, niên vụ cà phê 2022-2023, Phúc Sinh Group đã tiến hành thu mua và chế biến 12.000 tấn cà phê tươi. Trong đó xuất khẩu ra thị trường khoảng 4.000 tấn cà phê nhân. Mỹ và châu Âu là 2 thị trường chính hiện nay của cà phê Phúc Sinh. Với vùng nguyên liệu rộng lớn, cùng với những hương vị đặc trưng từ cà phê Arabica, Phúc Sinh dễ dàng chinh phục khách hàng thế giới và trong nước ngay cả với những đơn hàng lớn. Phúc Sinh là một trong những doanh nghiệp đã đầu tư mạnh vào công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị hạt cà phê. Theo UBND tỉnh Sơn La, đến nay diện tích cà phê toàn tỉnh đạt 20.962 ha; diện tích cho thu hoạch 17.717 ha, năng suất cà phê nhân năm 2023 đạt 19,39 tạ/ha. |
Đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh tính có 09 cơ sở sơ chế cà phê nhân theo quy mô công nghiệp bằng phương pháp ướt trên địa bàn Thành phố Sơn La và các huyện Thuận Châu, Mai Sơn. Tổng sản lượng các cơ sở chế biến cà phê quy mô công nghiệp đạt tỷ lệ khoảng 50% sản lượng cà phê quả tươi toàn tỉnh. Với sự đầu tư đúng đắn, sản phẩm cà phê tham gia xuất khẩu năm 2023 đạt 31.500 tấn với giá trị đạt gần 81,2 triệu USD, chiếm 45,68% tổng giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu của tỉnh năm 2023). Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 – 2023 ước đạt 20,01%/năm. Các thị trường chủ yếu gồm: EU, Bắc Mỹ, Hoa Kỳ, các nước Trung Đông và ASEAN. |
Theo UBND tỉnh Sơn La, Sơn La là vựa nông sản, cây ăn quả lớn thứ 2 cả nước với diện tích trên 4.700 ha cây ăn quả phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được vùng nguyên liệu nông sản tập trung với khối lượng hàng hoá nông sản lớn. Đồng thời, từng bước gắn kết việc phát triển vùng nguyên liệu với các cơ sở công nghiệp chế biến, hình thành các chuỗi sản xuất nông nghiệp. Khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương, tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng giá trị sản phẩm gắn với đẩy mạnh công nghiệp chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nông nghiệp có những bước phát triển mạnh trong những năm qua là tiền đề, lợi thế cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản và kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh Sơn La. Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, tỉnh Sơn La hiện đang tiếp tục tập trung phát triển sản xuất các sản phẩm có lợi thế về nguyên liệu và tham gia thị trường xuất khẩu như: chè, cà phê, tinh bột sắn, đường, sữa... Trên địa bàn tỉnh hiện nay có trên 30 cơ sở chế biến quy mô công nghiệp, trong đó 01 nhà máy đường; 02 nhà máy tinh bột sắn; 09 cơ sở chế biến cà phê nhân; trên 20 cơ sở sản xuất chè... Ngoài ra, Sơn La phát triển khoảng 1.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ như: Sản xuất rượu ngô, mận; các loại hoa quả sấy, mắc ca... |
Thời gian qua, địa phương đã hoàn thành đưa vào hoạt động các nhà máy chế biến rau, quả lớn như Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu của Công ty CP Nafoods; Nhà máy Chế biến, bảo quản nông sản công nghệ cao của Công ty IC Food Sơn La, Nhà máy Chế biến rau quả và đồ uống công nghệ cao của Tập đoàn TH tại Vân Hồ; Trung tâm Chế biến rau, quả xuất khẩu DOVECO tại huyện Mai Sơn. Theo Sở Công Thương Sơn La, công nghiệp chế biến tỉnh Sơn La có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Quy mô sản xuất của các cơ sở công nghiệp chế biến được mở rộng, từng bước áp dụng các công nghệ chế biến mới, tiên tiến, hiện đại. Đối với các dự án đầu tư mới đã kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn công nghệ tiên tiến, máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn. Trình độ công nghệ trong các cơ sở chế biến có bước phát triển mới. Lực lượng lao động công nghiệp ngày càng được nâng cao về số lượng, trình độ kỹ thuật, tay nghề chuyên môn và ý thức tổ chức kỷ luật lao động. |
Nâng cao giá trị cho nông sản địa phương |
Việc đầu tư cho chế biến nông sản đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thống kê của UBND tỉnh Sơn La, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản giai đoạn 2021-2023 tăng trung bình đạt 10,75%/năm (vượt mục tiêu là 9,5%/năm). Năm 2023, công nghiệp chế biến thực phẩm đạt 5.066 tỷ đồng, tăng 8,57% so với năm 2022 (mục tiêu đến năm 2025 đạt 6.500 tỷ đồng). |
Đặc biệt, giá trị hàng nông sản chế biến tham gia xuất khẩu giai đoạn 2021-2023 tăng bình quân 18,5%/năm, vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu là tăng 12%/năm). Năm 2023, giá trị nông sản chế biến tham gia xuất khẩu đạt 159,33 triệu USD, tăng 6,42% so với cùng kỳ năm 2022; các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu gồm: Cà phê, chè, tinh bột sắn, long nhãn, xoài, chanh leo… (mục tiêu đến năm 2025 đạt trên 166 triệu USD). Đáng chú ý, việc phục hồi, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút các dự án trọng điểm, các nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập thu ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 – 2023 đạt kế hoạch đề ra; góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 18,38% năm 2020 xuống còn 14,41% năm 2023. An sinh xã hội được đảm bảo, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, đời sống của người dân ở khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt... Giai đoạn 2021-2023 và 05 tháng đầu năm 2024, tỉnh Sơn La đã thu hút đầu tư 11 dự án chế biến nông sản có quy mô lớn, trong đó có 07 dự án được cấp chủ trương đầu tư mới, 04 dự án đang đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư (dự kiến đạt mục tiêu đến năm 2025 thu hút thêm 09 nhà máy). Cụ thể, trong năm 2023, tỉnh khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La. Ðây là tổ hợp nhà máy chế biến nông sản, sản xuất theo công nghệ hiện đại của Italia, Nhật Bản và Trung Quốc với tổng công suất 50.000 tấn sản phẩm/năm, có các dây chuyền sản xuất đông lạnh, đồ hộp, sấy và các sản phẩm khác. Hiện công ty đang liên kết xây dựng vùng nguyên liệu gần 12.000 ha dứa Queen, chanh leo, ngô ngọt, đậu tương, rau chân vịt... |
Cũng trong năm 2023, Dự án Nhà máy chế biến cà phê của Công ty CP chế biến cà-phê Sơn La có quy mô hơn 4 ha, công suất 50.000 tấn, tại xã Mường Bon, huyện Mai Sơn đi vào hoạt động, tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương. Các nhà máy đi vào hoạt động cũng tiếp tục góp phần thực hiện mục tiêu đưa Sơn La trở thành trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp của cả nước. Ngoài ra, tỉnh Sơn La vẫn đang tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ sở công nghiệp hiện có nâng cấp, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị theo đúng mục tiêu đề ra là trên 50% được nâng cấp, mở rộng. Trong giai đoạn đã có 04 dự án tiến hành nâng cấp, mở rộng. Một số cơ sở chế biến chè đã nâng công suất, đổi mới công nghệ trong sản xuất, chế biến như: HTX Bình Thuận nâng công suất từ 20 tấn lên 35 tấn/năm (chè Bình Thuận); Công ty Trà đặc sản Tây Bắc nâng công suất từ 30 tấn lên 50 tấn/năm (chè Tà Xùa)… |
Kiên định mục tiêu trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc |
Việc phục hồi, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh và việc thu hút các dự án trọng điểm, trong đó có các nhà máy chế biến nông sản công nghệ cao đã góp phần nâng cao giá trị nông sản, tạo việc làm cho lao động địa phương. Chia sẻ kết quả công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh, ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh, tỉnh Sơn La đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phương án phát triển công nghiệp tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh theo hướng phát triển cơ sở công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu. “Hiện tỉnh Sơn La đang tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản. Ưu tiên mời gọi các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, hình thành các doanh nghiệp “đầu tàu” làm hạt nhân, thúc đẩy công nghiệp chế biến theo chuỗi liên kết, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Mục tiêu đặt ra phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất công nghiệp chế biến nông sản của tỉnh đạt 6.500 tỷ đồng, đưa Sơn La trở thành Trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc và vì một Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững” – ông Nguyễn Thành Công nhấn mạnh. |
Để đạt mục tiêu này, tỉnh Sơn La sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp chế biến để gia tăng giá trị nông sản. Cùng với đó, phát triển các cơ sở chế biến tập trung quy mô công nghiệp với một số ngành hàng đang có tỷ lệ chế biến thấp, góp phần đa dạng hóa các mặt hàng nông sản chế biến, nâng tầm giá trị sản phẩm, qua đó mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. |
Bảo Ngọc Đồ họa: Vũ Hạnh |