Trải qua thời gian dài “vạch” đá trồng cây, chị Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) |
-----
Tạo sinh kế cho
người đồng bào
6năm kể từ ngày bắt tay vào sản xuất trên khu vực đất đá hoang vu, cây cối um tùm, bề mặt đá núi lửa ngổn ngang, chị Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nông-lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú (đóng trên địa bàn thôn Phú Thuận, xã Quảng Phú, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã phải trải qua những ngày miệt mài “vạch” đá trồng cây, trước khi thu được quả ngọt. Được thành lập từ năm 2020, hiện với diện tích hơn 30 ha, mô hình hợp tác xã sản xuất nông-lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú có 52 xã viên, trong đó có 15 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp lâm nghiệp theo mô hình vườn rừng sinh thái đa tầng đa tán, tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy trình trong sản xuất nông nghiệp sạch hữu cơ. Các sản phẩm chính của hợp tác xã hiện nay là cam, quýt, rau củ, quả, ngoài ra một số xã viên còn sản xuất có xoài, bơ, bưởi, chuối, gừng… |
Khi bắt tay vào làm thực tế, có được doanh thu tốt và tạo được tiếng vang, chị Mai đã giúp đỡ bà con trên địa bàn sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ của mình, đặc biệt là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số. “Giúp thứ nhất là chia sẻ kinh nghiệm cho bà con, thứ hai là thu mua hết những sản phẩm hữu cơ mà có hộ sản xuất làm theo quy trình của mình đưa ra. Khi thấy những sản phẩm này đáp ứng được các tiêu chí thì mình bắt đầu đưa sản phẩm vào các siêu thị an toàn và tiếp tục theo quy trình nâng cấp dần dần lên”, chị Mai chia sẻ và cho biết thêm, để đi từ hoá học lên hữu cơ phải mất tận 3 năm, trong những năm đó thì bà Mai tìm nơi thu mua giúp cho các hộ dân, không để các thương lái tới ép giá. Hợp tác xã đến nay đã tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động, mức lương dao động từ 6-15 triệu. Để tạo điều kiện cho các hộ đồng bào, bằng sự tận tuỵ của mình, chị Mai đã hỗ trợ, dìu dắt để họ tiến bộ và hiểu rõ hơn về mô hình này. |
Khi làm việc với những người đồng bào, tôi luôn tâm niệm là phải giúp đỡ bằng cả tấm lòng bao dung, thân thương. Nếu như chủ một doanh nghiệp mà thiếu đi những cái đó thì khó có thể dìu dắt. Tôi luôn tạo điều kiện để giúp họ có thêm thu nhập, cuộc sống tốt đẹp, nuôi dạy con cái tốt hơn. Chị Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Hợp tác xã |
Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, chị Mai còn rất tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội như tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng trên địa bàn tỉnh nhân các dịp lễ, Tết; tặng quà các gia đình chính sách nhân ngày thương binh liệt sỹ 27/7, tặng quà cho các hộ nghèo trên địa bàn xã, tặng quà cho các em nhỏ nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6… |
Thành quả
ngọt ngào
Hiện, Hợp tác xã sản xuất nông-lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh; Giấy chứng nhận hữu cơ được sản xuất phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Quốc gia; Giấy chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh Đắk Nông; Đạt giải Nhất cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm 2021… Hợp tác xã đã cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm nông nghiệp cam, quýt, rau với sản lượng hàng trăm tấn và có hơn 200 chuỗi siêu thị liên kết, được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá cao. Ngoài ra, hợp tác xã còn cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái vườn và được nhiều trường học, doanh nghiệp, khách hàng tại địa phương và ngoài đến thăm quan và trải nghiệm. |
Chị Mai tự hào, có được kết quả hôm nay không phải dễ dàng, mà đó là kết quả của 6 năm nỗ lực. Trong đó, nguyên tắc mà hợp tác xã luôn tuân thủ đó là sản xuất sạch, hữu cơ, làm nông nghiệp với sự chân thành, tử tế nhất để có sản phẩm tốt nhất. Định hướng của hợp tác xã trong thời gian tới là nâng cấp mô hình và tạo sức lan tỏa cho nông dân ở địa phương, để làm có được những sản phẩm tốt, có kho bảo quản nhằm hướng tới chế biến sâu. Đồng thời kết nối đầu ra để sản phẩm được phổ biến hơn ở thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. |
Qua một thời gian gắn bó với nơi này, vật lộn với nông nghiệp, từ người kinh doanh đi đến sản xuất và từ sản xuất để kinh doanh, tôi mong muốn chính quyền địa phương sẽ có những chính sách hỗ trợ kịp thời hơn nữa cho các mô hình hợp tác xã đang hoạt động tốt. Đặc biệt, là hỗ trợ những mô hình hợp tác xã ở vùng sâu vùng xa (ví dụ như máy móc, phương tiện di chuyển, kho đông lạnh…) để họ có đầy đủ điều kiện để giữ được chất lượng sản phẩm, từ đó phát triển nhanh hơn”, chị Mai mong muốn. |
Hợp tác xã sản xuất nông – lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú đã tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có công ăn việc làm ổn định, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của xã. Từ khi hợp tác xã được thành lập, bà con địa phương rất phấn khởi. Các hộ dân thường xuyên đến đây để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm để sản xuất, từ đó tăng thu nhập cho gia đình. Bà Trần Thị Thanh Lý – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, huyện Krông Nô |
Thực hiện: Hạ Vĩ |
Ngắm cây đa di sản 300 năm tuổi ở biên giới tỉnh Đắk Nông Longform | Đắk Nông: Đánh thức tương lai xanh trên vùng đất đỏ |